Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 99: Giao mùa

VRSS

20/04/2017

Rằm tháng Tư hàng năm đều rơi vào lúc chuẩn bị sạ lúa nên có mấy nhà đến cúng dường. Nhưng ít người lớn đến viếng cảnh hoặc trò chuyện cùng sư ông như hồi Rằm tháng Giêng. Sư ông cho hai đứa cháu nhà Dương ông về phụ người nhà làm đất, Mai và a Phúc mang trà ướp sen và hai chén dầu đốt đến là lúc sư ông đang dọn rửa mấy lu nước.

– Đợi mưa ướt đất con đến đào mấy cây mai về trồng.

– Dạ,

Hai đứa nhỏ chạy lại giúp sư ông chà miệng lu, sư khoát tay nói:

– Về nhà đi, nói cha nương con biết năm nay mưa sớm, nhanh dọn đất cho xong. Ở đây chỉ có mấy việc, đi đi.

– Dạ, bạch sư con về.

Thưa ông xong, hai đứa chạy một mạch về nhà. Đất ruộng khô nên chạy băng qua luôn, ngắn hơn đi dọc bờ đất trong mùa mưa.

Mấy ngày tiếp theo, nhà nhà đều lo ra ruộng cuốc đất, làm cỏ, khẩn trương hơn năm rồi. Bùi ông dựng nhà cho người ta phải làm đêm cho kịp. Ông còn phải lo ruộng lúa nhà mình nữa. Cũng may trăng tháng tư tròn trịa, sáng tỏ lại đốt thêm đống lửa lớn đủ sáng lợp mái nhà, vừng vách lá.

Nhà Lưu tam bá giờ mới hối hả kéo hết ra đồng, cả Ngọc tỷ cũng bị kêu ra làm. Tỷ ấy quấn khăn đội nón kín mít, dáng thướt tha, yểu điệu. Lúc làm việc cũng không xăng cao ống quần sợ nắng ăn đen. Nhưng mà tỷ ấy làm vậy ống quần sẽ rách hoặc mau sờn lắm.

Trước Rằm một ngày, Vĩnh ca được nghỉ ở nhà đến sau khi sạ lúa xong mới đi học lại. Ca ấy cũng không rãnh rỗi, vừa trông quán vừa giã thuốc, phơi thuốc. Những ngày sắp vào mùa mưa nắng sẽ gay gắt hơn, trời hanh khô thích hợp phơi thuốc nhất.

Đêm nay trăng sáng rỡ, không khí dìu dịu chỉ còn ấm áp mà không khô hanh nữa. Mai cảm thấy hơi ẩm đang lan dần ra xung quanh, sắp mưa rồi!

Những hạt mưa nhỏ lất phất trong gió, không có mây đen che trăng. Mọi người gom củi khô vào chái nhà, kê trên hai thanh gỗ lớn. Đến lúc đi ngủ cũng không nghe mưa lớn hơn, chỉ cảm thấy hơi nước trong gió vậy thôi!

Sáng sớm cha sang nhà Lưu bá hỏi chuyện ngâm lúa giống. Hai người bàn một hồi thì quyết định chờ thêm mấy ngày nữa, ít nhất có thêm hai ba cây mưa lớn mới ngâm giống. Hai ngày sau đó trời lại nắng to, làm nhà nào cũng đi ra vào nhìn trời nhìn trăng.

Chiều ngày mười tám, ông bà nội và nhị bá giang ghe vào, mang theo mực khô, cá khô. Lúc ba người nhìn quán nhỏ phía trước không khỏi ngạc nhiên, đi vào xem Vĩnh ca vừa học chữ vừa trông quán. Bà nội mỉm cười hỏi:

– Bán được không? Nghe người trong làng nói nên ta mang theo khô mực, cá này; bán được thì bán, không được để ăn dần. Cá này chỉ mùa này mới có, mấy tháng sau sẽ quý, giá cao hơn.



– Dạ, bà nội.

Chuyện ‘nhập’ hàng là An ca quản, hắn lấy quyển sổ nhỏ ra ghi, trong sổ cũng không nhiều chữ, chủ yếu là mấy chữ số. Theo Mai gợi ý, chữ nào không biết thì vẽ hình hoặc làm ký hiệu. Cách này làm mấy đứa nhỏ đều hiểu, Cúc tỷ, Bình ca thậm chí Hân ca chỉ học mấy chữ số cũng biết đoán mò ra.

Thấy mọi người tản ra, ngũ cô lại gần hỏi bà nội chuyện lục cô. Bà nội nhỏ giọng kể chuyện ngày nhà trai bên kia đến. Họ theo phong tục người Việt, mời bà mai đến trước ngày rằm, mang theo sính lễ rồi xin định luôn lễ thành hôn trong năm nay. Ông bà nội đã cân nhắc thiệt hơn nên đồng ý, chờ xong mùa gặt lúa hai nhà sẽ chọn ngày cụ thể. Từ giờ đến lúc đó nhờ bà mai tìm ngày tốt làm lễ hỏi nữa là được.

– Nhà họ không phải người Việt, không nên làm khó, buộc người ta làm lục lễ đầy đủ. Cha con còn giận a Hạnh tự ý đó.

Bà nội nói thêm, như giải thích như tự an ủi mình. Nương và ngũ cô nghe xong chỉ thở dài gật đầu,

– Có hỏi thăm chú rể sao không nương.

Ngũ cô không nhớ gì về nhà trai nên hỏi thêm.

– Ta có hỏi thăm, nhà trai cũng không phải khó khăn; có ghe lớn đi biển, còn chuyển hàng lên tận vùng biển Xiêm La, ra đảo Kohn Tra nữa. Tau Uôn hắn gần hai mươi tuổi rồi, siêng năng, hay theo ghe đi biển, tính tình hiền lành.

– Chuyện ngọc trai là sao nương? – Haiz, a Hằng nói là hồi rằm tháng Giêng gặp ở chùa Cần Vọt thì Tau Uôn đưa tặng túi vải hoa. Nó không biết là ngọc trai, chỉ nghĩ là đá màu ở biển đảo nên nhận. Nghe nói là Tau Uôn tìm được hai hòn ngọc hồi tháng Chạp, hắn cũng không cho ai biết mà giữ bên người.

Bà nội vẫn còn rầu rĩ chuyện của lục cô. Hai ba năm nay bà chú ý tìm nhà chồng tốt cho lục cô. Có chuyện ngũ cô trước đó nên ông bà có ý tìm nhà chồng gần, thật ra nếu tìm được nhà nào trong làng Đông Hồ thì tốt quá. Bà không ngờ chuyện này xảy ra, vô thế nên đành gả đi, làm sao mà hài lòng được.

– Nhà bên đó ít người, ngoài hắn ra thì có tỷ tỷ đã kết hôn sống chung, có đệ đệ và muội cỡ mười tuổi nữa.

Tập tục người Chân Lạp, con gái khi gả chồng không nhất định phải về nhà chồng sinh sống. Thông thường họ sẽ thương lượng hoặc tùy tình huống mà hai vợ chồng trẻ về nhà nào. Đa số sẽ về nhà chú rể thời gian đầu sau tân hôn, sau đó thì linh động hơn. Nên việc tỷ tỷ hắn cùng phu lang sống ở nhà gái là bình thường.

Mai thầm nghĩ người Chân Lạp đúng là ‘hiện đại’, phóng khoáng hơn. Ước gì Cúc tỷ và lục cô sau này cũng được lựa chọn như vậy. Như vậy sau này lục cô có khó khăn thì về nhà nội sống được? A, vậy cũng không phải quá tệ!

Chờ bà nội kể xong Mai kéo áo bà, ấp úng nói:

– Bà nội, lục cô còn giận cháu?



Bà thở dài, vuốt nhẹ vai cô nói:

– Là cô cháu không phải, bà đã nói hơn thiệt rồi.

Từ lúc Mai báo bà nội chuyện ngọc trai, lục cô giận Mai không thèm nói chuyện. Trước đây mấy cô cháu thân thiết với nhau, xảy ra chuyện này Mai chỉ đành chờ lục cô từ từ nhận ra thiệt hơn; Mai đành làm người mách lẻo vậy.

Nói xong chuyện lục cô thì nói đến chuyện ngày mai La gia đến, a Cúc cúi mặt chăm chỉ lo nấu bếp. Nương nói chuyện mấy món ăn chuẩn bị ra sao, nhà trai có ai đến rồi gia cảnh La gia như thế nào.

Đến lúc hoàng hôn mới ăn cơm, ai cũng tham công tiếc việc, mà việc thì làm hoài không thấy hết. Vừa dọn cơm, nhóm lửa thì trời mưa lâm râm, mấy hạt nước như sương giăng giăng phủ một lớp hơi mát làm không khí hầm hập.

– Không mưa đâu, cứ dọn cơm ăn ngoài sân đi.

Ông nội lên tiếng nói, mấy đứa nhỏ nghe vậy nên tiếp tục dọn chén đũa.

– Mấy đứa nhỏ ăn nhanh vô nhà, mưa đầu mùa dễ sanh bệnh lắm.

Bà nội dặn thêm, người lớn không sao, nhưng trẻ nhỏ gặp mưa đầu mùa này dễ cảm sốt, sổ mũi; cũng may tụi nhỏ đã tắm rửa xong. Chưa được một khắc thì trời lại trong, mấy hạt sương không đủ ướt hết vòng chén đất.

Có ông bà nội nhắc nhở mấy việc tiếp nhà trai ngày mai, phụ lo việc ruộng đất, xẻ gỗ làm cha nương bớt lo lắng. Tuy rằng ông nội bỏ nghề nông ra làng chài lúc mười mấy tuổi nhưng kinh nghiệm cũng có. Ông xem trăng dự đoán thời tiết cũng chuẩn, mà chuyện này người đi biển nào cũng phải biết.

Bàn trên bàn chuyện làm ruộng, thời tiết; bàn dưới nói chuyện nuôi heo, nuôi gà. Lúc chiều a Phúc đã khoe khoang ba con heo với bà nội từ ngoài cổng. Bà nội chưa nuôi heo bao giờ, chỉ nghe người ta nói nên chỉ thuật lại, còn thêm:

– Ta chỉ nghe nói thôi, Nguyễn gia bên kia có nuôi. Hôm nào mang ít khô mực, cá khô qua tặng rồi nhờ người ta chỉ mình.

– Dạ,

Nương đáp lời, ngũ cô gật đầu nhưng cô ít giao du bên ngoài, việc này để nương đi là phù hợp nhất. Nhà Mai không thân thiết hoặc lui tới thường xuyên nhà trong làng, nhưng mọi người đi lại cũng biết mặt, chào hỏi nhau. Chuyện nuôi gà, vịt và đóng ghe ở nhà cô đã tạo tiếng lành, các nhà đều muốn học theo nên thân thiện hơn so với lúc trước.

Hôm trước Mai đã nhắc cha chuyện lấy phân heo, gà, vịt ủ chung với lá cây, rơm và mạt cưa làm phân bón cho ruộng lúa. Giờ chỗ ủ phân bón đã vun thành đống. Mỗi buổi chiều mát cha đều ra tưới ít nước giữ ẩm, dưới bóng râm để chúng phân huỷ nhanh hơn. Mong là mấy tháng sau dùng bón lúa sắp trổ đòng, thu hoạch khá hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook