Không Sợ Chậm, Chỉ Sợ Dừng

Chương 13: Nếu Không Hiểu Những Điều Này, Bạn Sẽ Mãi Là Một " Kẻ Tốt Bụng" Không Được Nghênh Đón

Vấn Tình

25/04/2024

Tôi có quen một cô gái sinh ra trong một gia đình học thức. Cô ấy là người hiểu biết và luôn suy nghĩ rất thấu tình đạt lý . Sau khi tốt nghiệp đại học được ba năm, cô ấy đi xem mắt và quen được một chàng trai. Nhà anh chàng làm kinh doanh nên cũng có điều kiện. Sau hơn một năm yêu đương, tìm hiểu lẫn nhau, cả hai đều cảm thấy đối phương là người phù hợp, lại thêm tuổi tác không còn trẻ nữa nên đã quyết định tiến đến hôn nhân. Vậy là hai bên gia đình đã có buổi gặp mặt, ngồi lại với nhau để bàn chuyện cưới xin của đôi trẻ. Theo phong tục địa phương, nhà trai phải đưa cho nhà gái một khoản hồi môn nhất định, thường là dựa trên gia cảnh thực tế để quyết định khoản tiền hồi môn ấy là bao nhiêu.

Mẹ chồng tương lai nói: “Nhà ta rất muốn có cô con dâu như con, cũng muốn rước con về trong sự chuẩn bị chu đáo nhất. Nếu là hai năm trước thì chẳng có gì phải nghĩ cả. Nhưng gần đây kinh doanh ế ẩm, buôn bán khó khăn nên chẳng được là bao." Nói xong, bà quay sang hỏi bố mẹ cô xem họ tính thế nào với khoản hồi môn.

Bố mẹ cô ấy đều là những người hiểu biết, thấy đối phương đã chủ động nói về việc làm ăn kinh doanh không mày thuận lợi, dù thế nào sau này cũng là người một nhà, hà tất phải gây khó dễ cho nhau. Nghĩ vậy, họ chỉ đòi hai mươi nghìn tệ tiền hồi môn, rồi cho con gái thêm hai trăm nghìn tệ coi như quà cưới.

Sau khi kết hôn, bố mẹ chồng cô ấy bận tối mắt tối mũi với việc kinh doanh. Cô ấy không hiểu gì về lĩnh vực này, chỉ biết rằng họ rất bận. Vậy nên, cô đã chủ động lo toan hết việc nhà. Nhưng có một hôm, trong lúc ra ngoài cô ấy đã gặp một bà cô cùng xóm. Bà cô ấy ưa chuyện trò nên đã kéo cô ấy lại nói: "Bố mẹ chồng cháu kinh doanh bận bịu như vậy, cháu phải để ý mà làm cùng chứ. Cháu xem vợ chồng cháu từng này tuổi rồi mà chẳng thấy làm cái gì cả. Tụi cháu như vậy thì bố mẹ chồng cháu nghĩ sao?"

Cô ấy thẫn thờ chưa hiểu gì. Hỏi ra mới biết, thì ra mẹ chồng mình thường hay ra ngoài than trách và nói xấu con dâu. Bà trách con dâu cái gì cũng không biết làm, chân tay vụng về, lại chẳng linh hoạt gì, đến tiền hồi môn cũng chẳng cần. Một người vừa thanh cao vừa chậm chạp như vậy thì sao mà kiếm tiền được. Điều khiến cô ấy buồn lòng nhất chính là việc thật ra mấy năm nay bố mẹ chồng vẫn kinh doanh rất ổn, nhưng khi gặp mặt hai bên gia đình thì lại giả vờ than nghèo kể khổ. Cô ấy rộng lòng không đòi hỏi gì, cuối cùng lại bị nói như vậy! Nhưng điều khó hiểu hơn là dường như mấy bà cô hàng xóm và cả những cô con dâu trẻ khác trong khu cũng có vẻ không thích cô ấy. Rõ ràng bình thường cô ấy đã rất hòa đồng với mọi người.

Cuối cùng cô ấy kết luận rằng: Mọi người ở đây tệ quá. Có lẽ đa phần đều là những người làm ăn kinh doanh nên tính tình có đôi phần... không tốt!

Gần đây có một bạn gái khác tâm sự với tôi rằng, cô ấy muốn nghỉ việc vì cảm thấy oan ức khi bị đối xử bất công ở chỗ làm.

Chuyện là thế này, cô ấy vào công ty làm đã ba năm rồi. Trong công việc, cô ấy luôn rất chăm chỉ và cố gắng, quan hệ với cấp trên với đồng nghiệp cũng đều rất chừng mực và ôn hòa. Ví dụ như sếp đột nhiên giao việc mà cô bạn đồng nghiệp A có hẹn với bạn trai chỉ cần không phải chuyện gì quá to tát thì nhất định cô ấy sẽ nhận lời làm thay. Suốt ba năm trời, những chuyện như vậy cứ nhiều như cơm bữa. Có thể nói trong công ty này, không một ai là chưa từng được cô ấy giúp đỡ cả. Bởi vì cô ấy đã dành nhiều thời gian để làm những việc không phải của mình nên sau khi được cô giúp đỡ, mọi người đều nói lời cảm ơn. Cô ấy vẫn luôn cho rằng, trong công ty mình là một người rất hòa nhã, tốt bụng nên nhất định sếp và các đồng nghiệp đều rất yêu quý mình.

Tháng trước trợ lý Giám đốc xin nghỉ việc để kết hôn nên vị trí tạm thời bị bỏ trống, chưa có người thay thế. Theo thông lệ thì trợ lý sau này sẽ là người kế nhiệm Giám đốc, hơn nữa lần này không có tuyển dụng bên ngoài. Cấp lãnh đạo muốn tạo điều kiện và cơ hội cho những nhân viên trong phòng. Đương nhiên, yêu cầu cũng rất cao. Sau khi chọn lọc thì chỉ còn lại cô ấy và một nữ đồng nghiệp khác cạnh tranh nhau. Mặc dù vậy, cô ấy rất tự tin vì đối thủ là người mới vào công ty có một năm, trong khi cô ấy đã làm được ba năm rồi, chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn. Quan trọng là, thái độ làm việc của người đồng nghiệp ấy không tốt, rất lười biếng, lúc nào cũng tìm cớ thoái thác công việc được giao. Đã vậy, cứ hở ra là xin nghĩ. Nhưng kết quả lại khiến cô ấy buồn lòng vô cùng. Trong vòng bỏ phiếu bầu chọn của đồng nghiệp, số phiếu của đối phương vượt xa của cô ấy. Cuối cùng cô gái kia đã được Giám đốc chọn Làm trợ lý.

Cô ấy tức giận đến nỗi muốn xin nghỉ việc. Cô nói: “Nếu cô ấy có năng lực hơn tôi, chăm chỉ hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi đã đành. Đằng này, cái gì cô ấy cũng không bằng tôi, vì sao cuối cùng lại được thăng chức?"

Sau khi bình tâm suy nghĩ lại, cô ấy càng cảm thấy khó hiểu. Rõ ràng mình đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian cho mọi người, tại cao vẫn không có được lòng chân thành của người ta? Trước kia cô ấy luôn nghĩ rằng, chỉ cần đối xử thật tốt với người khác thì người khác cũng sẽ tốt với mình. Nhưng thực tế lại không như vậy!

Trong cuộc sống, ở đâu chúng ta cũng có thể gặp phải tình cảnh thế này: Rõ ràng mình tốt bụng là thế, nhiệt tình giúp đỡ mọi người là thế, cuối cùng lại để người ta nghĩ rằng mình đang làm từ thiện miễn phí, rõ ràng với lãnh đạo thì kính cẩn như vậy, với đồng nghiệp thì hòa nhã như vậy, cuối cùng lòng tốt lại bị người ta lợi dụng, rõ ràng đã một lòng một dạ hy sinh cho gia đình, không oán trách, không hối hận, cuối cùng vẫn chẳng ai coi mình ra gì. Nhiều người khi gặp cảnh đó đều cảm thấy oan ức, tức giận, cho rằng lòng người tệ bạc, còn bản thân mình thì thật bất hạnh vì đã gặp phải những kẻ "ăn cháo đá bát". Chính vì thế mà nhiều người than vẫn rằng xã hội này sao mà phức tạp quá.



Thực ra thì không phải xã hội phức tạp mà là lòng người khó đoán. Nếu bạn muốn có được chỗ đứng trong xã hội này thì phải hiểu thật rõ bản chất con người và biết cách sử dụng nó. Bạn sẽ nhận ra rằng, vạn vật không thể thoát khỏi quy luật tự nhiên của con người. Nhưng nếu bạn không hiểu hết từ những điều nhỏ nhất trong tính cách, bản chất của người ta mà chỉ biết một lòng cho đi thì có lẽ sự qua lại giữa bạn và họ có tốt hay không còn phải thuộc vào may mắn. Trên đời này, chẳng ai có thể gặp được toàn người tốt suốt cả một đời.

Vậy phải làm sao để hiểu tường tận bản chất con người và áp dụng được nó?

Trước tiên, với những người khác nhau ta phải có thái độ đối xử khác nhau. Từ nhỏ ta đều được dạy rằng phải lương thiện, phải bao dung, nhưng thực tế đó chỉ là trên lý thuyết. Bởi vì cuộc đời này có biết bao nhiêu kiểu người, ta không thể đối đãi với tất cả như nhau được.

Emerson'* từng nói: "Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo, nếu không cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh mà thôi." Giống như cô gái trong câu chuyện đầu tiên kia, khi chưa hiểu gì về tính cách, con người của đối phương đã tỏ ra tốt bụng vô điều kiện như vậy, chẳng phải là "mỡ dâng miệng mèo hay sao? Không phải bố mẹ chồng cô ấy không tốt mà vì họ là những người làm kinh doanh, điều mà họ để tâm nhất chính là quyền lợi và nguyên tắc “có qua có lại". Trong suốt quá trình dài tạo mối quan hệ với nhiều người, chắc hẳn có không ít lần họ đã phải chịu thiệt, nên họ sẽ để mắt và cẩn trọng với mọi thứ. Vì sợ bạn sẽ "hét giá quá cao, nên phải than nghèo kể khổ trước. Còn bạn, trong khi còn chưa phân định và tìm hiểu xem thực hư thế nào đã vội vàng đồng ý, vậy chẳng phải đúng ý người ta quá còn gì? Thật lòng mà nói, trong xã hội này, không có nhiều thông gia thực lòng tương thân tương ái, và cũng không ít thông gia ngấm ngầm tranh đấu lẫn nhau. Khi còn chưa tìm hiểu xem tính cách và con người bên ấy thế nào đã vôi tỏ lòng lương thiện, nghĩ cho người ta thì không chịu thiệt mới lạ! “Nhìn mặt mà cho đĩa rau", nghe ra thì không được hay ho cho lắm, nhưng để áp dụng cho việc đối nhân xử thế thì lại vô cùng đúng đắn. Đối với người thế nào thì đối xử thế đó, nhờ vậy bạn sẽ xây dựng được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội này.

Tiếp đến, hãy tin tưởng rằng, bản tính con người là ích kỷ, đặc biệt với những người không mấy thân thiết với bạn. Bạn cảm thấy họ rất tệ? Không! Chỉ là họ đang đưa ra một sự lựa chọn có lợi nhất cho mình mà thôi.

Quay lại với câu chuyện của cô bạn thứ hai. Những người đồng nghiệp ấy chỉ là đang đưa ra lựa chọn có lợi cho mình trong bối cảnh cạnh tranh như vậy. Và sự lựa chọn đó là: Đưa một người lười biếng lên làm trợ lý Giám đốc. Trợ lý là người giúp lãnh đạo xử lý công việc, điều tiết các mối quan hệ và cũng là người sẽ giúp lãnh đạo làm cả những việc khác nữa.

Vậy nên, với những người đồng nghiệp kia, nếu chọn cô ấy làm trợ lý thì chỉ cần mình làm gì chưa tốt, cô ấy nhất định sẽ bắt mình phải chăm chỉ hơn không? Hơn nữa, không biết cô ấy có bắt mình phải làm việc giống như cô ấy đã từng làm hay không? Với những chuyện không có lợi cho mình như vậy thì tại sao họ phải chọn cô ấy? Nhưng nếu chọn người đồng nghiệp lười biếng kia thì lại khác. Người ta vốn đã lười rồi thì chắc chắn sẽ không có yêu gì quá cao với người khác. Đặc biệt, bản thân còn suốt ngày đi muộn về sớm thì còn nói được ai? Làm việc với người như vậy rất thoải mái và tự do, không có nhiều áp lực. Vậy thử hỏi, một lựa chọn "ổn" như vậy, sao họ lại bỏ qua được? Thế mới nói, không phải họ tệ bạc, chỉ là họ đang đưa ra một quyết định bình thường dựa trên bản chất con người mà thôi! Còn lãnh đạo khi lựa chọn trợ lý thì tất nhiên phải xem xét đến mối quan hệ của người trợ lý ấy với các đồng nghiệp khác trong công ty có tốt hay không, nếu không thì cả ngày sẽ phải tự mình giải quyết mấy câu chuyện tranh cãi, bất đồng giữa họ. Nghĩ thôi đã thấy mệt muốn chết rồi! Vậy nên, chọn một người trợ lý được đa số mọi người tín nhiệm, vừa hợp tình lại vừa hợp lý. Có nhiều việc chỉ vì bạn đang đứng ở góc độ của bản thân để suy nghĩ nên mới không hiểu.

Tiếp nữa, hãy hiểu rằng bản chất con người luôn có "tính trơ - tức là khó lòng thay đổi một điều gì đó. Nó thể hiện ở việc khi người ta biết rằng không cần phải đối xử tốt với bạn nữa nhưng bạn vẫn không chịu buông tay, khi người ta không cho bạn cái gì còn bạn thì vẫn cứ hy sinh, người ta sẽ trở nên thờ ơ với bạn. Đó không phải vì họ tệ bạc, cũng không phải họ bỉ ổi mà là đối với một mối quan hệ chắc chắn, mọi người thường tỏ ra khá lơ là. Bạn nhất định phải khiến đối phương cảm thấy rằng: Tôi sẽ đối xử tốt với anh, nhưng nếu anh không tốt với tôi, tôi sẽ rút lại hết lòng tốt của mình. Tôi lương thiện, nhưng lòng lương thiện của tôi cũng rất sắc nhọn.

Nếu bạn hiểu lòng người và có thể nắm bắt được nó thì cho dù là trong các mối quan hệ xã hội hay chính cuộc đời mình, bạn đều có thể làm chủ được tất cả; ngược lại, nếu bạn chẳng hiểu gì về bản chất con người, lúc nào cũng cho đi một cách ngu ngốc thì người ta không những không cảm động vì lòng tốt của bạn, mà còn dễ dàng bỏ qua suy nghĩ, cảm nhận của bạn cũng chính vì lòng tốt đó.

*Ralph Waldo Emerson (25/5/1803-27/4/1882): Là nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết

gia người Mỹ đại diện cho thuyết siêu việt vào khoảng thế kỷ 19.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Không Sợ Chậm, Chỉ Sợ Dừng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook