Liễu Phàm Tứ Huấn

Chương 1: Liễu Phàm Tứ Huấn

Tiên Sinh Liễu Phàm - Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

25/07/2021

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay chúng ta có thể ở trong phòng quay của đài truyền hình Phụng Hoàng, để chia sẻ với mọi người về Liễu Phàm Tứ Huấn.

Cuốn sách này vào năm tôi 26 tuổi, là cuốn sách tôi đọc đầu tiên lúc mới tiếp xúc Phật pháp. Nó đối với tôi có ảnh hưởng rất lớn, có thể nói là ảnh hưởng cả cuộc đời tôi. Tôi vô cùng yêu thích cuốn sách này, thường đọc tụng, cũng từng giảng không ít lần. Trước đây giảng và những gì bây giờ giảng, trên phương diện cảnh giới đương nhiên có nhiều điều khác nhau, nhưng những gì nói trước đây vẫn có thể làm tham khảo.

Liễu Phàm tiên sinh họ Viễn, tên gọi là Hoàng, hoàng của hồng hoàng lam trắng đen, tự là Khôn Nghi, đương thời ông là người huyện Ngô Giang tỉnh Giang Nam. Ông sinh vào thời Minh Thế Tông, Thế Tông là hoàng đế đời thứ 12 của nhà Minh, năm Gia Tịnh thứ 14, tức năm 1535 của công nguyên. Như vậy quý vị sẽ có một khái niệm rõ ràng hơn, cách chúng ta hiện nay khoảng hơn 500 năm.

Ở sau Liễu Phàm Tứ Huấn có kèm theo một bài viết là Dũ Tịnh Ý Công Ngụ Táo Thần Ký, là một bài viết rất đáng cho chúng ta học tập. Dũ Tịnh Ý sanh vào năm Gia Tịnh thứ tư, lớn hơn Liễu Phàm tiên sinh 10 tuổi. Vào năm Đinh sửu, họ từng_tức là lần thứ hai Liễu Phàm tiên sinh thi tiến sĩ, năm đó ông 43 tuổi, còn Dũ Tịnh Ý 53 tuổi, hai người họ là đồng khoa. Dũ Tịnh Ý thi đậu, Liễu Phàm tiên sinh thi không đậu. Cho đến năm Bính tuất, Liễu Phàm tiên sinh 52 tuổi mới thi đổ tiến sĩ.

Chúng ta quan sát từ truyện ký về cuộc đời của ông, thay đổi chính mình cũng là một việc rất gian khổ, không phải là điều đơn giản. Đặc biệt là trước đây, 20 năm trước rất gian nan. Đến lúc về già, công phu thuần thục, đoạn ác tu thiện ngày càng dễ dàng hơn. Chúng ta cùng nhau xem trong sách nói gì.

“Dư đồng niên tang phụ”. “Dư” là Liễu Phàm tiên sinh tự xưng, “đồng niên” là lúc còn nhỏ. Căn cứ theo “học thuyết lập mạng”, chúng ta biết ông mất cha chắc chắn trước năm 15 tuổi. Làm sao biết được? Vì lúc ông gặp Khổng tiên sinh là năm 15 tuổi, bởi vậy chắc chắn là trước năm 15 tuổi. “Lão mẫu mạng, khí cử nghiệp học y”. “Cử nghiệp” nghĩa là đọc sách cầu công danh. Mẹ ông nói với ông, không cần đọc sách để cầu công danh, khuyên ông học y. “Vị khả dĩ dưỡng sanh, khả dĩ tế nhân”, học y rất hay, có thể tự nuôi thân, cũng có thể cứu tế cho những người bệnh khổ. “Thả tập nhất nghệ dĩ thành danh, nhĩ phụ túc tâm dã”. Nếu như học thật tốt y học, tương lai có thể trở thành danh y, đây cũng là nguyện vọng của cha con đối với con.

“Hậu, dư tại Từ Vân Tự, ngộ nhất lão giả, tu nhiêm vĩ mạo, phiêu phiêu nhược tiên, dư kính lễ chi”. Về sau, “hậu” là năm ông 15 tuổi, công nguyện năm 1549, tại Chùa Từ Vân ông gặp được một người. “Tu nhiêm vĩ mạo”, tu nhiêm là râu rất dài, tướng mạo vạm vở khôi ngô. “Phiêu phiêu nhược tiên”, không giống như người phàm, khi ông nhìn thấy, đối với người này rất kính lễ. Do đây có thể biết, Liễu Phàm tiên sinh từ lúc còn nhỏ được giáo dưỡng thật tốt. Tuy tuổi còn rất trẻ, mới 15 tuổi, nhưng rất hiểu quy củ xử sự đối nhân tiếp vật, điều này khiến nhiều người yêu thích, khiến người hoan hỷ.

“Ngữ dư viết”, người này nói với ông. “Tử nhậm lộ trung nhân dã”, người này hình như rất biết xem tướng, vừa gặp liền nói, cậu có số làm quan. “Minh niên tức tấn học”, “tấn học”, tức sang năm ông sẽ thi đậu tú tài. “Hà tất đọc thư”, vì sao không đọc sách? Ông đi khắp nơi bên ngoài, vì sao không ở nhà đọc sách? “Dư cáo dĩ cố”, ông liền đem những điều mẹ ông dạy như đừng đọc sách, nên học y. Ông đi khắp nơi bên ngoài, có thể là đi hái thuốc, vì 15 tuổi học y, vậy nhất định là học nghề, hoặc là theo đại phu, hoặc là học nghề trong tiệm thuốc. Điều này chúng ta đều có thể tưởng tượng được. Ông đem ngọn nguồn nói với vị đạo trưởng này.

“Tịnh khấu lão giả, tánh thị lý cư”, thỉnh giáo quý tánh của đạo trưởng, từ đâu đến? “Viết, ngô tánh Khổng, Vân Nam nhân dã”, người này nói với Liễu Phàm, ông ta họ Khổng, người Vân Nam. “Đắc thiệu tử, hoàng cực số chánh truyền”, Hoàng Cực Số Chánh Truyền của Thiệu Khang Tiết, hiện nay trong Tứ Khố Toàn Thư có thu thập. Tôi từng mở ra xem, nói thật là xem không hiểu, hoàn toàn thuộc về toán học cao cấp. Trong sách này không những có thể nói về vận mệnh của một người, mà còn nói đến vận mệnh quốc gia, vận mệnh của thế giới, hoàn toàn đoán định theo quẻ số trong Kinh Dịch. “Số cai truyền nhữ”, từ trên định số mà nói, tôi nên truyền cho cậu. Vị đạo trưởng này lần đầu tiên gặp Liễu Phàm, làm sao biết có thể truyền cho ông? Trong này chắc chắn có học vấn uyên thâm, học vấn này rất gần với phương pháp các bậc tổ sư Tông môn Giáo môn của Phật giáo truyền đạo. “Dư dẫn chi quy, cáo mẫu”, Liễu Phàm tiên sinh đưa vị đạo trưởng này về nhà gặp mẹ, nói với mẹ mình. “Mẫu viết: Thiện đãi chi, thức kỳ số, tiêm tất giai nghiệm”, người mẹ nói, tiếp đãi ông ta thật tốt, thử xem ông ta xem có đúng chăng? Không ngờ vừa thử, ông ta xem quả nhiên rất đúng. “Dư toại khởi đọc thư chi niệm”, từ đây Liễu Phàm đối với những gì đạo trưởng suy đoán về mình, ông đã có niềm tin, lại sanh khởi ý niệm đọc sách. “Mưu chi biểu huynh trầm xưng”, ông thương lượng với anh họ mình, anh họ nói. “Ngôn, Uất Hải Cốc tiên sinh, tại trầm hữu phu gia khai quản, ngã tống nhữ ký học thậm tiện, dư toại lễ Uất vi sư”. Anh họ của Liễu Phàm đưa ông đến nơi Uất Hải Cốc tiên sinh, Uất Hải Cốc dạy tư thục. “Khai quản”, chính là dạy tư thục, người anh họ gởi Liễu Phàm đến đó học. Liễu Phàm tiên sinh lạy Uất Hải Cốc tiên sinh làm thầy.

“Khổng vi dư khởi số, huyện khảo đồng sanh, đương thập tứ danh, phủ khảo thất thập nhất danh, đề học khảo đệ cửu danh”. Khổng tiên sinh coi cho Liễu Phàm, ông ta nói sang năm cậu vào huyện thi tú tài, thi huyện đạt thứ 14, thi phủ đạt thứ 71, thi đề học đứng thứ 9, đề học là thi tỉnh, lúc đó thi tú tài phải thông qua ba cửa này. Sang năm đi thi, sang năm là 16 tuổi, năm 16 tuổi đi thi quả nhiên thi đậu, mà vị thứ hoàn toàn phù hợp. “Minh niên phó khảo, tam xứ danh số giai hợp”, có thể thấy bản lĩnh bói toán của Khổng tiên sinh không tệ, rất cao minh. Ông không phải là hàng thuật sĩ giang hồ, mà là một chuyên gia có thật học về thuật số, người ta thường gọi là chuyên gia mệnh lý. Ông có tài thật sự, không phải giả.

“Phục vi bốc chung thân hưu cửu”, đã linh nghiệm như vậy, vậy mời ông xem giùm lành dữ họa phước trong đời mình. “Ngôn, mỗ niên khảo đệ chỉ danh, mỗ niên đương bổ lẫm”. “Lẫm” cũng là một cấp bậc trong tú tài, tương đương với học sinh được học bổng hiện nay. Lẫm là nhận lương thực, nó có số người nhất định, cần phải có chỗ trống, chức vụ còn bỏ trống, vị thứ thi đậu cao nhất của tú tài, mới được bổ sung vào, đây gọi là bổ lẫm. “Mỗ niên đương cống”, cống sanh cao hơn lẫm sanh một bậc, nhưng vẫn là tú tài. Trong tú tài phân chia rất nhiều cấp bậc, cống sanh là cao nhất, lẫm sanh thứ nhì. “Cống hậu mỗ niên đương tuyển Tứ xuyên nhất đại doãn”. Sau khi cậu làm cống sanh, đến năm đó_cống sanh là đã đủ tư cách vào học ở Thái học. Lúc đó vào Thái học, Thái học là trường đại học do quốc gia thành lập, ngày xưa chỉ có một trường, gọi là Quốc Tử Giám. Thái học đều thành lập tại thủ đô, thành lập ở kinh thành. Thời nhà Minh, có hai trường Quốc Tử Giám, vì sao vậy? Khi Minh Thái Tổ xây dựng đất nước, đóng đô tại Nam Kinh, vì thế Nam Kinh có Quốc Tử Giám. Về sau đến thời Thành Tổ, Thành Tổ dời đô đến Bắc Kinh, cho nên Bắc Kinh cũng có Quốc Tử Giám. Như vậy trở thành đất nước thời nhà Minh thành lập hai trường đại học, thường thức này chúng ta cần phải biết. Cống sanh trở lên mới có tư cách vào học trong Quốc Tử Giám. Đây là một năm nào đó sau khi được làm cống sanh, cậu sẽ được tuyển làm một huyện trưởng ở Tứ Xuyên, “đãi doãn” là huyện trưởng. “Tại nhậm tam niên bán, tức nghi cáo quy”, cậu nhậm chức 3 năm rưỡi là phải cáo lão hồi hương. Vì sao vậy? “Vào giờ sửu, ngày 14 tháng tám, năm 53 tuổi”, coi một cách rất chuẩn xác, “đương chung ư chánh tẩm”. Chánh tẩm là hết thọ mạng, thọ mạng của cậu đã đến. “Xí vô tử”, số cậu không có con. “Dư bị lục nhi cẩn ký chi”, “bị lục” nghĩa là từng việc từng việc mà Khổng tiên sinh nói đều ghi chép lại, đây là những sự việc trong suốt đời ông.

“Tự thử dĩ hậu, phàm ngộ khảo hiệu, kỳ danh số tiên hậu, giai bất xuất Khổng công sở huyền định giả”. Huyền nghĩa là ông ta đã đoán chắc. Về sau, mỗi năm đọc sách thi cử, vị thứ đều đúng như Khổng tiên sinh nói, không sai chút nào. Trong này có xen vào một việc: “Độc toán dư thực lẫm mĩ, cửu thập nhất thạch ngũ đấu, đương xuất cống”. Tức khi ông ta làm cống sanh, ông lãnh lương thực của quốc gia, cho ông lương thực, tức ngày nay chúng ta gọi là học sinh được nhận học bổng. Ông được nhận bao nhiêu gạo? Được nhận 91 thạch 5 đấu, ông ta liền xuất cống. Hay nói cách khác, ông từ lẫm sanh thăng lên cống sanh.



“Cập thực mễ thất thập dư thạch, đồ tông sư, tức phê chuẩn bổ cống, dư thiết nghi chi”. Khổng tiên sinh coi cho Liễu Phàm là lúc ông nhận được 91 thạch năm đấu mới có thể xuất cống, nhưng khi ông nhận được hơn 70 thạch_lúc này là đồ tông sư, tông sư nghĩa là đề học đương thời, quản lý giáo dục của một tỉnh, tương đương với trưởng phòng giáo dục hiện nay, ông được phê chuẩn bổ cống sanh. Bổ cống sanh, nghĩa là xuất cống. Trong lòng ông thấy nghi hoặc, vì sao điều này không đúng? Khổng tiên sinh đoán sai việc này.

“Hậu quả vi thự ấn dương công sở bác”, Đồ tông sư phê chuẩn bổ cống, văn kiện đưa lên được thự ấn, “thự ấn” là đại diện, đại diện tức là ông Dương này gạt bỏ nó, không chấp nhận Liễu Phàm bổ cống. “Trực chí Đinh mão niên”, năm Đinh mão là Minh Mục Tông Càn Khánh nguyên niên, Liễu Phàm tiên sinh 33 tuổi. Chư vị thử nghĩ xem, 16 tuổi ông thi đậu tú tài, đến 33 tuổi mới làm cống sanh, mười mấy năm, thời gian rất dài. Mãi đến năm Đinh mão, “Ân Thu Minh tông sư kiến dư trường trung bị quyển thán viết, ngũ sách, tức ngũ thiên tấu nghị dã”. Lúc này đốc học, tức là trưởng quan Ân Thu Minh chủ trì dạy học. Trong lúc rảnh rỗi, ông đem những bài thi của các tú tài trước đây, những bài thi bị đánh rớt đem ra xem lại từ đầu. Đột nhiên thấy bài thi của Liễu Phàm tiên sinh viết rất hay, cho nên liền cảm thán nói, năm bài này_ông viết năm bài văn này giống như năm bài tấu chương. Kiến giải và chữ nghĩa của ông đều rất hay, có thể sánh với tấu chương của đại thần đối với hoàng đế.

“Khởi khả sử, bác hợp yêm quán chi nho, lão ư song hạ hô”. “Bác” là nói ông có kiến văn quảng bác, học thức rất rất phong phú. “Hợp” là nói ông hiểu về lý luận rất thấu triệt. “Yêm” tức là văn nghĩa của ông rất thấu đáo, công phu nhất “quán”, văn chương như thế rất khó gặp. Ông ta nói không thể để người có học vấn, có đức hạnh, có năng lực như vậy bị vùi dập, suốt đời làm một tú tài nghèo. “Toại y huyện thân văn chuẩn cống”, lại một lần nữa xin cho Liễu Phàm bổ cống, lần này được phê chuẩn. “Liên tiền thực mễ kế chi, thật cửu thập nhất thạch ngũ đấu dã”. Khổng tiên sinh xem tướng không sai chút nào, đích thực ông nhận lương thực được 91 thạch năm đấu, ông mới có thể xuất cống. “Dư nhân thử ích tín, tấn thoái hữu mệnh, trì tốc hữu thời, đạm nhiên vô cầu hỷ”. Đến lúc này ông hoàn toàn khẳng định, tin rằng con người đều có vận mệnh, vận mệnh chậm hay nhanh đều có thời gian, không thể cưỡng cầu. Do đó tâm ông định, không có vọng niệm, thật sự làm được “đối với người không tranh, đối với thế gian vô cầu”. Cho nên tôi nói, hạng người này gọi là phàm phu chuẩn. Chúng ta làm phàm phu đều không chuẩn, từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, vọng cầu khắp nơi nhưng không cầu được. Số mạng có cuối cùng sẽ có, số mạng không có thời đừng vọng cầu, làm sao cầu được?

“Cống nhập Yến đô”. Làm cống sanh, được đến Yến đô, đến Bắc Kinh, đến Bắc Kinh đương nhiên có thể muốn xem thử trường đại học quốc gia ở đó. Tôi nghĩ ông ta nhất định là đến hai trường đại học để tìm hiểu thêm, xem thử nên chọn học ở đâu, điều này chúng ta có thể tưởng tượng được. “Lưu kinh nhất niên, chung nhật tĩnh tọa, bất duyệt văn tự”. Vì sao vậy? Vì cuộc đời đều có số mạng, nghĩ gì đi nữa cũng chỉ phí công, cho nên không còn vọng niệm. Nói thực, ông bị vận mệnh câu thúc, không còn cách nào khác. Chúng ta xem tình hình này của Liễu Phàm tiên sinh, cũng đáng để đồng tình, cũng rất đáng thương.

“Kỷ tỵ quy”. Kỷ tỵ là năm thứ hai, năm thứ hai từ Bắc Kinh trở về phương nam. “Du nam ung”, lúc này Liễu Phàm tiên sinh 35 tuổi, “Nam ung” là Quốc Tử Giám của Nam kinh. Có thể thấy ông điều tra rất rõ ràng, ông chọn trường đại học Nam kinh, muốn đến trường này học. “Vị nhập giám”, còn chưa đu học, trước khi chưa đi học. “Tiên phỏng Vân Cốc Hội thiền sư”. Lúc chưa đi học, nghe nói trên núi Thê Hà, núi Thê Hà ở Nam kinh, hiện nay Nam kinh có ngôi Chùa Thê Hà, ông đến núi Thê Hà thăm thiền sư Vân Cốc.

“Vân Cốc” là hiệu của đại sư, pháp danh của ngài gọi là “Pháp Hội”, cho nên ở đây xưng ngài là “Hội Thiền sư”, đây là tôn xưng ngài. Đương thời thiền sư Vân Cốc là một lão niên trong Phật giáo, một vị cao tăng. Lúc này thiền sư Vân Cốc đã 69 tuổi, Liễu Phàm tiên sinh 35 tuổi, thiền sư lớn hơn Liễu Phàm 34 tuổi. Liễu Phàm đi gặp thiền sư năm 35 tuổi, đây cũng là lần gặp đầu tiên. Phần sau truyện ký chúng ta thấy, hành nghi của thiền sư Vân Cốc, đạo phong của ngài, ngài là một bậc thật sự khai ngộ. Tuy xuất gia lúc còn rất trẻ, khi xuất gia cũng giống như hiện nay vậy, làm những việc kinh sám Phật sự. Nhưng lúc đó kinh sám Phật sự, tính chất hoàn toàn không giống như chúng ta bây giờ. Sau đó ngài giác ngộ, xuất gia làm những điều này không liên quan đến việc liễu sanh tử xuất tam giới. Tôi không phải vì điều này mà xuất gia, xuất gia như vậy chẳng khác nào để duy trì cuộc sống của mình mà thôi, mà sanh tử là việc lớn.

19 tuổi ngài đi tham học, tầm sư học đạo, về sau ngài đã thành tựu. Sau khi khai ngộ, ngài ở trong chùa nhưng dấu tài, chuyên làm khổ hạnh, ngài làm những việc nặng nhọc người khác không muốn làm. Về sau có một số danh sĩ và quan viên địa phương phát hiện ra ngài, đây đúng là một bậc cao tăng thạc đức, nên giúp ngài, hy vọng khôi phục đạo tràng ở núi Thê Hà. Ngài không hề để ý đến danh văn lợi dưỡng, liền giới thiệu một pháp sư khác đến đó làm trụ trì, phương trượng. Sau khi phục hưng đạo tràng, ngài ở một nơi rất ẩn mật sau núi, kiến tạo cho mình một nơi tu hành nhỏ bé. Chỗ này gọi là “Thiên Khai Nham”, rất ít người đến, một mình ngài ở đó tu khổ hạnh.

Tôi nghĩ, Liễu Phàm tiên sinh đi thăm nhất định là đến đây, tại Thiên Khai Nham, nhất định là ở đây, vì pháp sư đã 69 tuổi. Năm 75 tuổi ngài viên tịch, cũng chính là năm 1575, năm đó Liễu Phàm tiên sinh 41 tuổi. Cho nên Liễu Phàm tiên sinh gặp thiền sư cách thời gian thiền sư viên tịch không lâu lắm, chỉ có bảy năm. Chúng ta nghĩ, nhất định là ngài ở tại Thiên Khai Nham trên núi Thê Hà. Bình thường đại sư tiếp chúng, bất luận ai đến thăm ngài, ngài thường vứt ra một chiếc bồ đoàn để quý vị ngồi xuống đó. Dạy quý vị tham: “bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh ra”, không nói câu nào cả, suốt ngày không nói câu nào, đều ở trong định. Liễu Phàm tiên sinh đến thăm ngài, chắc cũng không ngoại lệ.

Quý vị xem, “Ư Thê Hà sơn trung, đối tọa nhất thất, phàm tam trú dạ bất minh mục”. Cùng với Liễu Phàm tiên sinh, họ ngồi trong Thiền đường, ba ngày ba đêm không nói một câu nào. “Vân Cốc vấn viết: Phàm nhân sở dĩ, bất đắc tắc thánh giả, chỉ vi vọng niệm tương triền nhĩ, nhữ tọa tam nhật, bất kiến khởi nhất vọng niệm, hà dã”. Đặc biệt là người tu hành, vì sao người tu hành không thể thành tựu? Vì vọng niệm quá nhiều, vọng tưởng phân biệt chấp trước quá nhiều, tâm không định được. Ông rất kỳ lạ! Ông đã ngồi ở đây ba ngày, tôi “bất kiến khởi nhất vọng niệm”, không thấy ông khởi một vọng niệm nào, như vậy là sao? Thiền sư Vân Cốc rất hiếu kỳ! Bình thường ngài rất ít nói, đến lúc gặp Liễu Phàm tiên sinh, đại sư nói rất nhiều, không đơn giản, đây cũng là nhân duyên đặc biệt. Chúng ta phải hiểu đạo lý trong này, giữa người và người đích thực có thời tiết nhân duyên. Liễu Phàm tiên sinh gặp thiền sư Vân Cốc, mới bắt đầu thay đổi vận mệnh. “Lập mệnh chi học” là thiền sư Vân Cốc truyền thụ cho ông.

“Dư viết: Ngô vi Khổng tiên sinh toán định, vinh nhục sanh tử, giai hữu định số, tức yếu vọng tưởng, diệc vô khả vọng tưởng”. Trước đây tôi đọc đến câu này, tôi nghĩ Liễu Phàm tiên sinh lúc này là phàm phu chuẩn, cũng không tệ. Suốt đời sống qua ngày theo vận mệnh, đến 53 tuổi là hết thọ mạng. Suốt đời không có lỗi lầm gì lớn lao, đời sau tuyệt đối không đọa vào ba đường ác, phàm phu chuẩn. Vận mệnh của ông được Khổng tiên sinh đoán chắc rồi.

“Vinh nhục sanh tử, đều có định số”, câu này đồng thời cũng nói với chúng ta, chúng ta cũng không ngoại lệ. Người phàm phu chỉ cần có ý niệm, tức không thể không có số. Cũng chính là nói, ta không thể không có định mệnh, chỉ cần ta có vọng niệm. Nếu không có vọng niệm, tức là vượt khỏi vận mệnh. Tuy Liễu Phàm tiên sinh có thể cải tạo vận mệnh, nhưng ông ta chỉ có thể thay đổi, không thể siêu việt.

Thiền sư Vân Cốc rất tuyệt vời, vì sao không dạy cho ông phương pháp cao hơn một bậc để vượt thoát vận mệnh? Đây cũng là phải quán căn cơ để dạy, xem bản chất của Liễu Phàm tiên sinh, tài năng của ông. Những bậc cao tăng có đức độ đều có năng lực quán cơ, xem quý vị là thượng căn, trung căn hay là hạ căn để tùy cơ thuyết pháp. Vì thế tất cả chúng sanh gặp những bậc cao tăng này, không ai không được lợi ích.



Quý vị xem Liễu Phàm tiên sinh, ông thuộc hàng căn tánh bậc trung, ông không phải hàng thượng căn, mà thuộc hàng trung căn. Đối với hàng trung căn, đương nhiên không thể nói thượng pháp, nói thượng pháp họ không tiếp thu được. Vì thế nói pháp quan trọng nhất là khế cơ, pháp không khế cơ cũng chẳng có lợi ích gì, trong kinh Phật nói như thế. Lời nói vô ích, nói như bây giờ gọi là phí lời, uổng phí, cho nên cần phải khế lý khế cơ.

Chúng ta phải tin tưởng một cách sâu sắc, bất kỳ ai đều có vận mệnh, đều có định số, chỉ là bản thân không biết. Bản thân không biết, hay nói cách khác, trong đời này của quý vị chắc chắn là bước đi một cách mù mờ. Liễu Phàm tiên sinh được người đoán chắc, ông rất rõ ràng, đời này phương hướng và mục tiêu ông đi rất rõ ràng minh bạch, ông chỉ đi đúng theo vận mệnh đã sắp đặt.

Chúng ta rất đáng thương, chúng ta không biết vận mệnh của mình. Cho nên trong trời đất mệnh mông này, bước đi trong vô định. Nếu như tùy thuận phiền não, trong lúc lần dò sẽ tạo ra rất nhiều tội nghiệp, những tội nghiệp này làm tổn phước báo của chúng ta, giảm thọ mạng của chúng ta. Thông thường gọi là tổn thọ, giảm thọ mạng của chúng ta. Trong xã hội ngày nay, tình hình này có thể nói là nhiều vô kể. Nếu người thiện căn phước đức sâu dày, tuy họ không biết vận mệnh của chính mình, nhưng tâm địa lương thiện, không có tư tưởng vượt khỏi giới hạn. Giữ tâm, hành sự đều luôn giữ quy củ, không làm những chuyện thương thiên hại lý, không làm những điều tổn người lợi mình. Tuy không biết vận mệnh của chính mình, nhất định thay mình tăng phước, thay mình tăng thọ, trong vô tình mà được phước báo. Nhưng hiện nay hoàn cảnh xã hội của chúng ta không tốt, điều này từ xưa đến nay chưa từng có trong lịch sử. Hoàn cảnh lớn, con người là phàm phu, không thể không bị ảnh hưởng hoàn cảnh. Hoàn cảnh bất thiện, chúng ta ngày ngày ảnh hưởng điều bất thiện. Hay nói cách khác, chúng ta có rất nhiều cơ hội tạo nghiệp bất thiện, mà không ngờ mình đang tạo nghiệp, điều này rất đáng sợ!

Trước đây lúc tôi cầu học, thầy Lý kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, không phải nói cho riêng mình tôi, mà khi lên lớp thầy kể cho học sinh chúng tôi nghe. Thầy nói ngày xưa, có một nơi phát sinh một án mạng trái với luân thường, là con giết cha. Điều này đối với thời xưa là một vấn đề lớn lao, thật đáng sợ. Chuyện này được tâu lên hoàng đế, đương nhiên người con này bị xử tử hình. Hoàng đế hạ lệnh, cách chức vị huyện trưởng này, huyện trưởng phạm lỗi gì? Đây là khu vực ông ta cai trị, là vùng do ông ta giáo hóa, ông giáo hóa như thế nào mà lại có một người đại nghịch bất đạo như thế? Ông giáo dục thất bại, huyện trưởng bị cách chức. Tuần phủ ghi lại lỗi lầm, tuần phủ là tỉnh trưởng đương thời, ghi lại lỗi lầm.

Loại xử phạt hành chánh này chỉ xếp hàng thứ hai, triều đình hạ lệnh_lúc đó huyện đều có tường thành, phá bỏ một gốc tường. Hoàng đế hạ lệnh, phá bỏ một gốc tường, nghĩa là sao? Nghĩa là huyện này của quý vị xuất hiện một người đại nghịch bất đạo như thế, là sự sỉ nhục của tất cả mọi người trong huyện này.

Hiện nay trên báo và tạp chí, chúng ta thường thấy tình trạng giết cha, giết mẹ, rất nhiều. Quý vị so sánh giáo dục ngày xưa với giáo dục bây giờ, chúng ta sẽ hiểu vì sao xã hội ngày xưa có thể an định, có nền trị an lâu dài, nhân dân sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Quay đầu lại xem ngày nay, bất luận là giàu có hay bần tiện, người có tài sản ức vạn, họ sống có hạnh phúc chăng? Không có hạnh phúc. Họ an vui chăng? Họ không có an vui, cuộc sống họ rất đáng thương. Nói hơi khó nghe một chút, không phải sống đời sống con người. Đây rốt cuộc là nguyên nhân gì, chúng ta từng nghĩ đến chăng? Trong này đều có định số, định số, mỗi ngày chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều có cộng trừ nhân chia. Mức độ cộng trừ nhân chia không lớn, đại khái là không vượt qua khoảng cách số mệnh của chúng ta quá nhiều, đoán mệnh xem tướng thông thường đều có thể xem rất chuẩn. Nếu mức độ niệm thiện niệm ác, hành vi thiện hành vi ác của chúng ta rất lớn, ta làm việc thiện lớn hay là việc ác lớn sẽ thay đổi được định số của mình. Nếu như ta làm việc thiện lớn, số mạng không tốt nó sẽ trở thành tốt. Còn như ta tạo ra điều ác lớn, số mạng ta vốn rất tốt cũng biến thành xấu. Người phàm không thể tránh được, đặc biệt là trong xã hội thời hiện đại. Xã hội hiện nay, không có điều gì không mê hoặc người khác, như vậy nhân tâm làm sao định được? Cho nên ngày nay tu đạo, ngày nay nghiên cứu học vấn, không dễ thành tựu. Trong thời đại này có thể thành tựu học nghiệp cũng như đạo nghiệp, đều là thiện căn phước đức nhân duyên sâu dày. Nếu không có thiện căn phước đức sâu dày, đều không thể thành tựu. Có thiện căn mới hiểu được lý lẽ, có phước đức tâm mới bất động. Đối diện với tất cả mọi thứ mê hoặc đều không khởi tâm không động niệm, đây là có công phu và phước đức thật sự.

Các bậc cổ đức ngày xưa, trường học, nơi dạy học, Phật môn, nơi tu hành, vì sao phải chọn nơi rừng núi, chỗ ít có dấu chân người. Thực tế mà nói, mục đích này chính là tránh xa sự mê hoặc của xã hội, khiến tâm chúng ta dễ an định mà thôi, bây giờ rất khó. Tuy tôi học Phật giảng kinh nhiều năm như vậy, rất nhiều đạo tràng của Phật giáo, tôi đều chưa đến đó. Ở Trung quốc, tôi chỉ mới đến Cửu Hoa Sơn và Nga Mi Sơn. Những đạo tràng này hiện nay, có thể chạy xe đến tận nơi, du khách rất tiện lợi, ngày xưa không tiện lợi lắm.

Lúc nhỏ, tôi là người An Huy, quê ở Lô Giang, cách Cửu Hoa Sơn không xa lắm. Nhưng trước đây muốn lên núi phải đi ba ngày, bây giờ đi xe hơi ba tiếng đồng hồ. Trước đây đi ba ngày, đúng là cần phải có thành ý, vậy mà có người tam bộ nhất bái, như vậy mất khoảng bảy đến mười ngày. Từ quê nhà chúng tôi, rất kiền thành lạy đến Cửu Hoa Sơn. Chọn những nơi này, đều là giao thông không phương tiện, du khách không phương tiện, không thích người khác đến đây. Hoàn cảnh như vậy mới yên tĩnh, không bị người khác phá hoại. Bây giờ đường đi phương tiện, trong chùa đều cài đặt ti vi, vậy là xong. Sự ô nhiễm này đã xâm nhập vào trong rồi. Hiện nay tu đạo rất khó, khó vô cùng!

Tôi ở nước ngoài rất nhiều năm, mãi đến năm nay, chúng tôi mới chọn thành phố nhỏ Đồ Văn Ba của Úc Châu, trên núi, thành phố núi. Thành phố nhỏ này chỉ có tám vạn nhân khẩu, người ở đây lại rất bảo thủ, thời đại này mà nói quả là rất khó được, là một hoàn cảnh rất tốt để học tập và tu đạo. Không được chọn nơi đô thị, sức mê hoặc của đô thị rất lớn, không có định lực tuyệt đối không thể thành tựu. Thế giới sắc màu, làm sao tu hành được?

Năm 1977, tôi giảng kinh ở HongKong, đồng tu ở đó nói với tôi, hòa thượng Hư Vân từng đến HongKong. Đồng tu ở HongKong muốn giữ hòa thượng lại định cư ở đây, hòa thượng nói, đây là thế giới muôn màu, không thích hợp tu hành. Bởi vậy ở chưa được mấy ngày, hòa thượng liền trở về Trung quốc, vì sao vậy? Vì ở đó sức mê hoặc quá lớn, tâm danh lợi quá nặng, không phải nơi để tu hành.

Nếu thái độ giống như Liễu Phàm tiên sinh, vậy thì được, ông đã biết vận mệnh của mình, không thay đổi được. Vọng tưởng cũng vô ích, nên tâm ông rất an định. Nghe rõ nguyên do, thiền sư Vân Cốc bật cười lớn. “Vân Cốc tiếu viết: Ngã đãi nhữ thị hào kiệt, nguyên lai chỉ thị phàm phu”. Tôi vốn tưởng rằng ông là một bậc anh hùng hào kiệt. Thế nào gọi là hào kiệt? Là làm được việc mà người không làm được, người này chính là anh hùng, chính là hào kiệt. Ba ngày ba đêm không khởi một vọng niệm nào, không phải người bình thường có thể làm được, Liễu Phàm tiên sinh làm được. Hỏi tiếp nguyên nhân vì sao? Có người đoán chắc số mạng, vọng tưởng cũng vô ích, như vậy mới không vọng tưởng. Đây là phàm phu, là một phàm phu chuẩn. Chúng ta phải biết điều này, từ chỗ này mới thật sự tỉnh ngộ. Xem thiền sư Vân Cốc khai thị, giáo hóa ông như thế nào, làm sao xoay chuyển những quan niệm sai lầm này, đây là học vấn thật sự.

Liễu Phàm tiên sinh tiếp thu được là thiện căn của ông ta, nhà Phật nói thiện căn là có thể thấu hiểu, có thể tin sâu không nghi, y giáo phụng hành là phước đức của ông. Có thiện căn, có phước đức, lại gặp được một bậc thiện tri thức khai thị ông ta, đây là nhân duyên. Thiện căn, phước đức, nhân duyên, đầy đủ cả ba điều kiện này thì ông sẽ thành tựu, có thể thay đổi vận mệnh của mình, đạo lý là như vậy.

Thôi, hôm nay chúng ta học đến đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Linh Vũ Thiên Hạ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Liễu Phàm Tứ Huấn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook