Liễu Phàm Tứ Huấn

Chương 9: Liễu Phàm Tứ Huấn

Tiên Sinh Liễu Phàm - Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

26/07/2021

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Hựu tư huyết khí chi thuộc, giai hàm linh tri, ký hữu linh tri, giai ngã nhất thể. Túng bất năng cùng tu chí đức, sử chi tôn ngã thân ngã, khởi khả nhật tường vật mạng, sử chi cừu ngã hám ngã, ư vô cùng dã. Nhất tư cập thử, tương hữu đối thực thương tâm, bất năng hạ yên giả hỉ”.

Đoạn này nói rất hay! Chúng ta phải thường nghĩ đến, những động vật này có máu, có hơi thở. “Huyết khí chi thuộc”, đều là nói về động vật, động vật đều có linh tri, đều có tri giác. “Ký hữu linh tri, giai ngã nhất thể”, chúng ta biết vật chất là có giới hạn, linh tri không có giới hạn, không có giới hạn mới biết là nhất thể.

Đức Phật dạy, hư không pháp giới là hiện tướng của tâm chúng ta, là nhất thể với tâm chúng ta. Cũng chính là tâm hiển hiện ra như vậy, là hư không pháp giới. Vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng ta biến hiện ra chính là cõi nước và chúng sanh, bao gồm hiện nay gọi là hiện tượng tự nhiên.

Phàm phu tâm ý thô thiển, rất khó cảm nhận được hư không pháp giới với mình là nhất thể. Vì nó vốn là nhất thể, cho nên tất cả chúng sanh giữa người này với người kia đều có cảm ứng. Mức độ linh mẫn của cảm ứng, với tâm thanh tịnh, tâm ô nhiễm của chúng sanh, có thể nói là một tỷ lệ thuận. Tâm càng thanh tịnh, mức độ lân mẫn của cảm ứng càng mạnh. Cho nên trong cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với họ. Có thể nói máy thu sóng của họ rất linh mẫn, dao động cực kỳ vi tế họ đều có thể nhận được. Còn năng lực thu song của hàng phàm phu chúng ta rất kém. Năng lực tiếp thu của chúng ta vốn là tương đồng, bây giờ tại sao lại thua kém nhiều đến thế? Máy thu sóng của họ được bảo trì rất hoàn chỉnh, giống như mới vậy. Máy thu sóng của chúng ta, không biết bảo quản, rất nhiều trần cấu bám vào, dơ bẩn vô cùng, cho nên năng lực tiếp thu kém. Chỉ có dao động mạnh chúng ta mới cảm nhận được, dao động vi tế hoàn toàn không nhận được.

Tương tự giống như ví dụ này, nếu chúng ta thật sự có công phu tu dưỡng. Công phu tu dưỡng nghĩa là rửa sạch cấu uế trong tâm, khôi phục đến bản năng của mình, như vậy năng lực tiếp thu của chúng ta không có gì khác với Chư Phật Như Lai. Hư không pháp giới, quá khứ, vị lai, tất cả mọi hiện tượng cực kỳ vi tế, chúng ta đều rõ ràng minh bạch. Công cụ tiếp thu này không cần máy móc, không cần nhục thể. Chư vị phải biết rằng, năng lực tiếp thu không phải nhục thể, mà là linh tri.

Linh tri có tướng chăng? Thông thường chúng ta nói linh tri không có tướng, trong kinh Đức Phật cũng nói như thế. Cách nói này là nói với phàm phu, phàm phu có thể lý giải. Tức là tùy theo trình độ của họ, thường thức của họ mà nói, không phải Chư Phật Bồ Tát tự nói. Chư Phật Bồ Tát ở cùng nhau nói, linh tri có tướng. Sắc này chính là sắc tướng, sắc tướng này gọi là vô biểu sắc. Hay nói cách khác, nhãn nhĩ tỷ thiệt của chúng ta, cho đến ý đều không thể cảm nhận được, nên đây gọi là vô sắc. Thật ra vô sắc vẫn là có sắc, chúng ta không nhìn thấy sắc này, Phật Bồ Tát thấy được. Lời này rất khó hiểu, chúng ta dùng một ví dụ để nói.

Ví dụ con người đều nằm mộng, tôi hỏi quý vị trong mộng có sắc tướng chăng? Chúng ta thử nghĩ tường tận xem, không thể nói không có sắc tướng. Vì sao vậy? Vì sau khi tỉnh mộng, hồi ức về cảnh giới trong mộng này rất rõ ràng. Tôi mộng thấy những người nào, họ làm những gì, mộng thấy tình hình sinh hoạt trong cuộc sống, giống như thật vậy, sao không có sắc tướng được? Đã có sắc tướng, khi quý vị nằm mộng, người bên cạnh vì sao không nhìn thấy? Do đó chúng ta có thể lãnh hội được Đức Phật nói về vô sắc giới, vô sắc giới giống như cảnh giới trong mộng, cảnh giới trong định. Bản thân rất rõ ràng minh bạch, nhưng người ngoài không cảm nhận được. Người khác ở cùng với ta, bất luận họ tỉnh hay là cùng ngủ như mình, họ không thể nào đi vào trong mộng của ta, họ không thấy được cảnh giới trong mộng của ta, đạo lý chính là như vậy. Nhưng nếu là người có công phu, nghĩa là nói người tâm địa thanh tịnh, thanh tịnh đến trình độ nhất định, quý vị nằm mộng, họ ở bên cạnh có thể nhìn thấy.

Trong truyện ký hay tiểu thuyết chúng ta thấy, những lời này là thật không phải giả. Mọi người đọc sách có thể đều đã đọc tiểu thuyết truyền kỳ Hoàng Lương Mộng. Lão đạo này là một người tu hành, có định công, lúc ông nhắm mắt ngồi thiền, bên cạnh có vị tú tài đang ngủ say nằm mộng. Sau khi tỉnh mộng, đạo sĩ này nói với anh ta, trong mộng anh ta đã làm gì, làm gì, ông ta biết hết, làm sao biết? Ông ta nhìn thấy. Cảnh giới trong mộng là tâm biến hiện ra, ông nhìn thấy.

Từ những điều này chúng ta có thể lãnh hội được, sắc có sắc thô, có sắc hiển, rất rõ ràng, có sắc cực kỳ vi tế. Phàm phu chúng ta không thể thấy được, không thể lãnh hội được. Như vậy chúng ta mới có thể tin thiền định thậm thâm của Phật Bồ Tát. Tâm thanh tịnh của họ, mức độ thanh tịnh đó chúng ta không thể tưởng tượng được. Trong cảnh giới đó của họ, ý niệm cực kỳ vi tế của tất cả chúng sanh, hiện tượng cực kỳ vi tế, họ đều thấu triệt thông đạt. Cho nên biết linh tri và ta là nhất thể, linh tri đã là nhất thể, sắc tướng cũng là nhất thể.

“Túng bất năng cùng tu chí đức”, bản thân chúng ta không thể đưa tiêu chuẩn đạo đức của mình, tu đến cứu cánh viên mãn, vì sao vậy? Vì khi đạo đức đạt đến trình độ này, những động vật nhỏ này đều tôn trọng quý vị, đều yêu thương quý vị. “Thân ngã” chính là yêu thương, tuyệt đối không đến quấy nhiễu ta, chúng ta phải có đức hạnh để cảm hóa họ.

Sau khi đại sư Ấn Quang 70 tuổi, những loài động vật nhỏ trong phòng đều không còn, trùng, kiến, gián, bọ chét không tìm thấy con nào. 70 tuổi đạo đức tu dưỡng đạt đến tiêu chuẩn này, những loài động vật này đều rất kính ngưỡng đại sư. Đều đến bảo hộ ngài, sao có thể quấy nhiễu được? Chúng ta từng thấy cũng từng nghe, bản thân cũng phải nỗ lực tu tập. Hiện nay chúng ta tu vẫn chưa đủ, vì sao vậy? Vì trong môi trường sống của chúng ta vẫn còn các động vật nhỏ này. Chính mình cũng có thể nghiệm, có thể chứng minh những gì cổ nhân nói là sự thật. Vì chính mình đoạn ác tu thiện, tâm địa ngày càng lương thiện hơn, ngày càng thành khẩn hơn, ngày càng thanh tịnh hơn, ngày càng từ bi hơn. Chúng ta làm một cách rất siêng năng, rất nỗ lực. Nhìn từ đâu? Nhìn từ các loại động vật nhỏ nơi môi trường sống, chúng ít đến làm phiền chúng ta, số lượng ít, số lần ít. Đây là niềm an ủi lớn đối với chúng ta, thiện đức của mình đang tăng trưởng. Nhưng vẫn chưa đủ, vì sao vậy? Vì chưa hết hẳn. Nhưng mình có niềm tin, hai ba năm sau môi trường sống của chúng ta hết hẳn các loại động vật nhỏ này. Chúng ta tuyệt đối không được khởi ý niệm đuổi chúng đi, đương nhiên càng không có ý giết hại chúng, chúng ta yêu thương động vật. Mỗi ngày ta tụng kinh niệm Phật, tu tập tích lũy công đức cũng đều hồi hướng cho chúng, xem chúng giống như anh chị em của mình. Chúng ta quan tâm chúng, chúng cũng sẽ quan tâm chúng ta, đều có cảm ứng rất rõ ràng. Chúng ta tôn trọng chúng, chúng cũng tôn trọng chúng ta. Chúng ta kính yêu chúng, chúng cũng kính yêu chúng ta. Không chỉ là động vật, đến thực vật như cây cỏ hoa lá đều có cảm ứng. Chúng ta yêu thương chăm sóc chúng, chúng sinh trưởng thật tươi tốt, hoa nở rất đẹp rất thơm, nó dùng cách hồi báo này để cúng dường chúng ta. Rau và hoa quả chúng ta trồng, khi cần chúng ta có thể hái dùng, như vậy là sao? Đó là chúng cam tâm tình nguyện đến cúng dường. Chúng ta phải có tâm thương yêu đối với chúng.



Bây giờ chúng ta phát hiện, người phương tây thường nói, thực vật thích âm nhạc, đúng là như vậy. Cho nên trong vườn rau chúng tôi mở âm nhạc, âm nhạc là để cúng dường cho những thực vật này. Bây giờ chúng tôi đổi từ mở nhạc sang mở niệm Phật, mở băng giảng kinh, chúng cũng biết nghe.

Trên núi Đồ Văn Ba, chúng tôi tự trồng có mướp, đại khái cũng không ít chủng loại, pháp sư Ngộ Khiêm chuyên môn chăm sóc chúng. Có một tối mướp thác mộng cho sư nói: mướp rất lớn, rất già sao thầy còn chưa đến hái. Đến ngày thứ hai, thầy Ngộ Khiêm đến tìm quả nhiên tìm thấy một trái mượp rất lớn, thật sự nó đã già. Sau khi hái xuống, chỉ còn cách là để làm giống. Mướp cũng có thể thác mộng, kêu Ngộ Khiêm đi hái bởi nó đã già. Thực vật đều có linh tánh, huống gì động vật?

Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu, nhất định phải sống trong thế giới yêu thương, phải sống trong thế giới biết ơn, phải sống trong thế giới hợp tác lẫn nhau, cuộc sống này tốt đẹp biết bao! Chân thiện mỹ tuệ không phải là khẩu hiệu, chúng ta có thể thực hiện nó, chúng ta có thể khế nhập vào cảnh giới này, còn niềm vui nào bằng mà không làm? Vì sao ngày ngày sát hại sinh mạng để nuôi sống chính mình? Những động vật này không phải chúng cam tâm tình nguyện để quý vị ăn. Quý vị sát hại chúng, chúng hận quý vị, vậy là đã kết oán thù với chúng, oán thù này đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt.

Trong kinh Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta, ăn nó nữa cân đời sau trả tám lạng, người chết vì trâu, trâu chết vì người, đời đời kiếp kiếp trả nợ lẫn nhau, điều này đáng sợ biết bao! Đây là ngu si đến tận cùng. Cho nên một người tu hành, trên đường đạo bồ đề có rất nhiều chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có? Đều là từ vô lượng kiếp đến nay, cho đến trong đời này kết rất nhiều oan cừu oán hận với loài hữu tình và vô tình, tạo thành rất nhiều chướng ngại.

Ngày nay chúng ta may mắn, được đọc sách thánh hiền, được nghe giáo huấn của thánh hiền. May còn có một chút thiện căn phước đức, nghe xong, đọc xong, thâm tín không nghi, y giáo phụng hành, chân thành tinh tấn nỗ lực thực hành, mới chứng minh giáo huấn của cổ nhân chân thật bất hư. Đức Phật dạy chúng ta Tín, Giải, Hành, Chứng, sau cùng nhất định phải chứng thật, do đó chân tướng sự thật được rõ ràng. Chúng ta thường nghĩ đến điều này, đặc biệt là lúc ăn uống, quý vị nghĩ đến sẽ không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh, đây là đạo lý nhất định.

Liễu Phàm tiên sinh lại nói tiếp: “Như tiền nhật háo nộ, tất tư viết: Nhân hữu bất cập, tình sở nghi căng, bội lý tương can, ư ngã hà dữ, bổn vô khả nộ giả”. Điều này phải nhìn thật cởi mở, vì sao ta hay nổi giận? Đương nhiên là thấy người khác làm việc sai, đắc tội với mình mình mới nổi giận. Vì sao họ làm việc sai? Vì sao đắc tội với ta? Phải suy nghĩ tường tận, người này hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, tổn thương tôi, ta nên suy nghĩ xem vì sao họ có những hành vi này? Vì họ không hiểu nên mới hiểu lầm ta, giữa chúng ta không có sự câu thông tốt đẹp, mới sinh ra hiện tượng như thế. Điều này không thể trách họ, chính mình cũng có điều không phải. Dù mình đúng hoàn toàn, lỗi đều do họ, liên quan gì đến ta?

Trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật nói rất hay, đặc biệt là trong xã hội hiện tại của chúng ta, thấy rất nhiều người làm việc sai quấy, khiến bản thân chúng ta đôi khi cảm thấy không chịu đựng được. Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta, vì sao những người này có hành vi như thế? Tiên nhân bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, không thể trách họ. Đức Phật nói lời này ôn hòa biết bao! Những người này là cha mẹ họ, trưởng bối họ không hiểu nhân nghĩa đạo đức, không dạy dỗ họ thật tốt. Bởi vậy họ mới phạm lỗi lầm, mới làm những việc trái với pháp luật kỷ cương. Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy cần phải tha thứ cho họ, đừng trách cứ họ. Tâm như thế hòa bình biết bao, tâm lượng này vĩ đại biết bao! Chúng ta cần phải học tập, không được trách cứ họ. Cho dù đã dạy nhưng họ vẫn phạm lỗi, chúng ta cũng phải tự kiểm điểm lại. Ta dạy chưa tận tâm, ta dạy chưa đủ viên mãn, ta dạy họ vì sao họ không thực hành? Đừng đem hết lỗi lầm đẩy cho người khác, cần phải suy nghĩ kiểm điểm lại chính mình.

Như hiện nay có rất nhiều bậc làm cha mẹ gặp tôi đều nói, thầy ơi bây giờ con cái không biết nghe lời. Rất nhiều thầy cô giáo đến nói với tôi, thầy ơi học sinh bây giờ không chịu nghe lời. Tôi trả lời rằng, tôi nói con cái và học trò của quý vị không có lỗi, do quý vị chưa dạy thật tốt, sao có thể trách chúng được? Không sai, hoàn cảnh xã hội hiện nay vô cùng ác liệt, tà tri tà kiến dẫn đến tà hạnh nhan nhản khắp thế gian, làm gì có chuyện lớp trẻ không bị huân tập sự ô nhiễm? Đây là nhân tố ngoại tại khiến hiện nay lớp trẻ rất khó dạy, nhưng nhân tố ngoại tại này chúng ta làm sao dùng nội tại chân thành để khắc phục nó. Cổ nhân nói không sai: “dùng ý chí chân thành để làm, vàng đá nào mà không tan”. Chúng ta lại suy nghĩ xem, đến những động vật nhỏ như kiến và gián đều có thể cảm động, cây cỏ hoa lá cũng có thể cảm động, con người há không thể cảm động ư? Không thể cảm động là chân thành của chúng ta chưa đạt. Nếu chúng ta có thể tự kiểm điểm như vậy thì quá tốt, nhất định sẽ nâng cao đức hạnh của mình. Duy chỉ có nâng cao đạo đức của mình, mới có thể cảm hóa lớp thanh niên thời hiện đại này. Chúng ta không có đạo đức thanh cao, một mực trách cứ lớp trẻ, trừng phạt lớp trẻ, đây không phải cách. Phương pháp giáo dục này, trừng phạt không phải là phương pháp tốt nhất, cách tốt nhất là cảm hóa. Là chính mình phải dùng lòng yêu thương chân thành, lòng yêu thương thanh tịnh bình đẳng để cảm hóa tất cả chúng sanh. Phật Bồ Tát đối với súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều có thể cảm hóa họ, đều có thể dẫn dắt họ biết quay đầu hướng thiện, huống gì chúng sanh hữu tình của thế gian? Chúng ta phải nghĩ rằng, chỉ trách công phu đức hạnh của mình chưa đủ, tuyệt đối không được trách người khác không tiếp nhận cảm hóa. Như vậy mới có thể thành tựu chính mình, thành tựu người khác.

Trong kinh Đức Phật dạy: chưa tự độ được mà đi độ người, không có chuyện này. Câu này nói rất hay. Muốn hóa độ người khác, cần phải thành tựu đức năng của mình. Duy chỉ có đức năng mới có thể cảm hóa người khác, mới có thể hóa độ chúng sanh. Trong kinh điển Đức Phật nói viên mãn như thế, rốt ráo như thế, người đọc tụng kinh điển như chúng ta không được lơ là. Chúng ta không thể thành tựu, đúng như những gì ở đây Liễu Phàm tiên sinh nói, là “qua loa đại khái”, “tâm ý thô thiển”.

Tiến thêm bước nữa ông dạy chúng ta: “Hựu tư thiên hạ, vô tự thị chi hào kiệt, diệc vô vưu nhân chi học vấn, hành hữu bất đắc, giai kỷ chi đức vị tu, cảm vị chí dã”. Đây đều là những gì tôi vừa mới nói. Thiên hạ không có ai tự cho mình là hào kiệt, phàm những ai tự cho mình hơn người, ngoan cố, người này tuyệt đối không phải anh hùng hào kiệt. Khen họ là anh hùng hào kiệt, đó chỉ là khen ngợi mà thôi, hữu danh vô thực. Anh hùng hào kiệt thật sự, tuyệt đối không tự cho mình hơn người.

Chúng ta xưng Phật là đại anh hùng_trong chùa nơi đại điện thờ Phật gọi là Đại Hùng Bảo Điện, chúng ta xưng ngài là đại anh hùng. Phật có tự cho mình hơn người chăng? Không có. Ngài giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh, nhưng ngài nói bản thân mình không có nói một lời nào. Không nói một lời nào mà nói suốt 49 năm, đây là nguyên nhân gì? Những gì ngài nói đều không phải của ngài, là của ai? Của cổ Phật nói. Khổng phu tử dạy học một đời, cũng nói những gì ông dạy không phải ý của mình. Suốt đời ông chỉ là “thuật nhi bất tác”, những gì ông nói đều là giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Quý vị xem, họ đều khiêm tốn như thế! Tuyệt đối không tự cho mình hơn người, tuyệt đối không thêm ý mình vào trong đó, đây mới thật sự là anh hùng hào kiệt.



“Diệc vô vưu nhân chi học vấn”, “vưu” nghĩa là oán hận. Học vấn của thánh hiền nhân tuyệt đối không sanh khởi tự tư tự lợi của người khác, tuyệt đối không làm người khác sanh khởi tham sân si mạn, tuyệt đối không dạy quý vị hại người khác để lợi ích mình, học vấn của thánh hiền không có những điều này. Một cái nói từ “nhân”, một cái nói từ “học”. Quay lại chúng ta kiểm điểm bản thân, “hành hữu bất đắc, giai kỷ chi đức vị tu”. Chúng ta phải kiểm điểm lại mình, đích thực đạo đức của chúng ta không có tu, chúng ta không đủ chân thành, cho nên chúng ta không cảm hóa được người khác. “Ngô tất dĩ tự phản”, chúng ta phải siêng năng kiểm điểm lại những điều này. Muốn giúp xã hội, giúp người khác, giúp xã hội an định hòa bình, giúp tất cả chúng sanh hạnh phúc mỹ mãn. Bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ tu đức của mình. Quý vị không có đức học thật sự, làm sao để cảm hóa chúng sanh? Bản thân còn có một chút tự tư tự lợi, chưa buông bỏ ý niệm về danh văn lợi dưỡng, làm sao để cảm động chúng sanh? Làm sao có thể hành Bồ Tát đạo? Những lời này mỗi một câu đều là lời chân thật.

Chúng ta muốn giúp thế gian này giảm nhẹ hoạn nạn, bây giờ mọi người đều biết thế gian có không ít người đều tin vào những lời dự ngôn ngày xưa. Tôi nghe rất nhiều đồng tu từ Âu châu về nói, người Âu châu đều rất tôn kính, tin tưởng nhà dự ngôn Gassonet thế kỷ thứ 16, họ đều xem nhà dự ngôn này như thánh nhân. Dự ngôn của ông nói là nói thế kỷ này của chúng ta có đại thiên tai. Trong Thánh Kinh của Đạo Cơ Đốc gọi là tận thế, trong Kinh Cô-ran của đạo Islam cũng nói đến ngày tận thế, đại khái đều là ở trong giai đoạn này. Chúng ta xem những cuốn sách này, nghe những lời này, cũng âu lo bất an! Chúng ta làm sao có thể may mắn vượt qua thảm họa này, làm sao giúp người thế gian vượt qua cửa ải khó khăn này, có khả năng này chăng? Hôm nay chúng ta đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, biết rằng đáp án là khẳng định, có thể. Với đạo đức tu dưỡng của mình, chính mình có thể vượt qua. Nhà Phật nói: “trong cộng nghiệp có bất cộng nghiệp”, bản thân chúng ta có thể vượt qua. Bản thân chúng ta có năng lực vượt qua, vậy phải giúp rất nhiều chúng sanh khổ nạn. Giúp họ như thế nào? Nhất định phải lấy đức hạnh, phải lấy học vấn để cảm hóa họ, khiến họ giác ngộ, khiến họ thấu triệt, khiến họ sám hối, cũng có thể đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, như vậy có thể hóa giải thiên tai này. Mặc dù không thể hóa giải hoàn toàn, cũng có thể giảm nhẹ mức độ thiên tai, rút ngắn thời gian thiên tai. Hiệu quả này chính là công đức rất lớn, chúng ta cần phải siêng năng nỗ lực thực hành. Làm sao tu dưỡng đức hạnh của mình, trong sách này đưa ra rất nhiều ví dụ. Chúng ta lãnh hội tường tận, không ngừng cân nhắc.

Ở dưới ông lại đưa ra một ví dụ: “Tắc báng hủy chi lai, giai ma luyện ngọc thành chi địa, ngã tương hoan nhiên thọ tư, hà nộ chi hữu”. Điều này mỗi người chúng ta từng giây từng phút đều gặp, chúng ta có thể làm được chăng? Người khác ác ý hủy báng mình, nghe xong ta có thể không hề sanh khởi tâm oán hận chăng? Đây là công phu.

Có người ra bên ngoài nói lời thị phi hủy báng tôi, có đồng tu đến nói với tôi, người đó nói xấu thầy, hủy báng thầy. Họ vừa mở lời, tôi liền không cho họ nói thêm nữa, họ cảm thấy vô cùng kinh ngạc! Họ hỏi, vì sao vậy? Tôi nói với họ, tôi hy vọng tâm mình giữ được ấn tượng tốt nhất đối với người đó. Tôi không hy vọng đem bất thiện và nhiều ngôn hạnh của họ để trong tâm mình, tôi không muốn, tôi vĩnh viễn nhớ ưu điểm của người khác, nhớ điều thiện của người khác. Mắt tôi nhìn thiên hạ đều là người thiện, đều là người tốt. Tuyệt đối không để bất thiện của người khác vào tâm mình, biến tâm mình thành bất thiện, tổn thất này quá lớn. Người nói xấu tôi, người phá hoại tôi, trước đây đối với tôi rất tốt, tôi mãi mãi cảm ân họ, mang đức họ. Về sau vô số đều bất thiện, đó là có nhân tố khác, trong nhân tố này đa phần là hiểu lầm. Vì sao trước đây họ tốt với tôi, bây giờ lại không tốt với tôi? Vì trước đây tôi đối với họ có lợi ích, bây giờ hình như tôi đối với họ không có lợi ích gì. Từ phương diện lợi và hại, tâm lý, thái độ, ngôn hành đều thay đổi, sự thay đổi này tôi biết rõ. Trước đây tôi tốt với họ, bây giờ đối với họ càng tốt hơn, là do họ không hiểu. Vì sao vậy? Vì trong mắt họ chỉ có lợi và hại của danh văn lợi dưỡng. Hôm nay tôi đã tiến thêm một bước, bây giờ tôi hoàn toàn là nói về đức hạnh. Trên mặt đạo đức được nâng cao, về danh lợi tôi buông bỏ. Tôi đối tốt với họ nhưng họ không hiểu, lại sinh ra hiểu lầm, tôi cần phải tha thứ cho họ. Nói tha thứ cho họ, tâm tôi đã rất nhỏ, đã là sai, hoàn toàn không có như thế. Điều này có thể phát sinh ở nơi khác, trong mắt tôi vĩnh viễn chưa từng phát sinh. Chúng ta mới có thể trở về với tự nhiên, trở về với thiên tánh.

Vì sao cư sĩ Hứa Triết sống đến 102 tuổi mà mạnh khỏe như thế, mà còn trẻ như thế? Vì suốt đời không sanh bệnh, còn có thể phục vụ cho chúng sanh khổ nạn trong xã hội. Bà phục vụ cho những người già, thật ra những người già đó nhỏ hơn bà rất nhiều. Người già bảy tám mươi tuổi, còn bà hơn 100 tuổi lại còn phục vụ cho họ, nguyên nhân là gì? Vì trong tâm bà không xen vào chút ý niệm bất thiện nào, tuyệt đối không cho phép có chút bất thiện nào chạy vào tâm ta, ta cần phải phòng phạm. Trong tâm ta chỉ dung nạp tâm thiện, hành thiện, đức thiện của tất cả chúng sanh, đây mới là tu dưỡng đạo đức chính mình.

Chúng ta gặp người hủy báng, sỉ nhục, hãm hại, ta cảm kích, vì sao vậy? Vì từ trong cảnh giới này, khảo nghiệm công phu mình rốt cuộc đạt đến trình độ nào. Nếu như còn có một niệm tâm xấu ác, có một niệm không vui, bản thân lập tức quay đầu sám hối, mình chưa đủ đức hạnh, vì sao không chịu được thử thách. Cho nên chắc chắn là “hoan hỷ thọ tư, hà nộ chi hữu?” Người ta đối với tôi như thế, tôi dùng thái độ này đối với họ, dần dần truyền đến đối phương, đối phương sẽ cảm kích, sẽ quay đầu hướng thiện. Ta cứu mình, cũng đã cứu người khác. Nếu ta vừa nghe người khác hủy báng liền nổi nóng, liền có tâm báo thù, oan oan tương báo biết bao giờ dứt, tự hại hại người. Đạo lý này không khó hiểu, lợi hại được mất của điều này cũng không khó hiểu lắm. Thử suy nghĩ tư duy nhiều một chút, chúng ta có thể tự cứu cứu người, tự độ độ tha, như vậy còn có gì vui hơn mà không làm?

Một người ở thế gian, hy vọng suốt đời mình đều có thể duy trì được tâm chân thành, đều có thể mãi mãi duy trì lòng yêu thương, yêu thương tất cả chúng sanh. Người yêu thương mình, mình yêu thương họ không khó. Người hận mình, mình yêu thương họ, đây mới gọi là công phu thật sự, đức hạnh thật sự, học vấn thật sự. Chúng sanh tạo tội thập ác ngũ nghịch, ta vẫn chân thành bình đẳng yêu thương họ, vì ta biết họ có Phật tánh. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh nói: “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, ta biết tánh họ vốn thiện, chân tâm chân tánh của họ vốn thiện. Ta tôn kính họ, yêu thương họ. Họ nhiễm những tập khí bất thiện, đó không phải thật, điều này có thể sửa. Chỉ cần nhất niệm hồi đầu, họ chính là thiện nhân, khôi phục bản lai của họ. Những đạo lý và chân tướng sự thật này không thể không biết.

Liễu Phàm tiên sinh nói tiếp: “Hựu văn báng nhi bất nộ”, giống như không có việc gì xảy ra. “Tuy sàm diễm huân thiên, như cử hỏa phấn không, chung tương tự tức”. Từ lúc tôi còn trẻ đã học được, tôi hiểu rõ ràng minh bạch. Hình như là năm ngoái, pháp sư Ngộ Đạo fax cho tôi một số báo và tạp chí của Đài Loan, viết cho tôi một lá thư. Đây đều là những người xuất gia ở Đài Loan, chỉ thẳng vào tên tôi, hủy báng tôi, nhục mạ tôi. Nói tôi đề xướng bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ là tội rất lớn, khiến rất nhiều người niệm Phật đi vào mê lầm, họ viết một bài văn rất dài. Pháp sư Ngộ Đạo tìm một nhóm đồng học viết bài phản bác lại, tôi lập tức gọi điện nói với ông, cứ mặc kệ họ, chúng ta đừng nói gì cả, vì sao vậy? Vì họ nói mệt rồi sẽ không nói nữa, không liên quan đến tôi! Họ viết báo cứ mặc cho họ viết, họ viết rồi cũng có lúc mệt, chúng tôi hoàn toàn không có chút phản ứng nào. Thầy Ngộ Đạo cũng nhẫn nhịn, tốt, nghe lời, chúng ta cứ mặc kệ họ, bây giờ không phải không có chuyện gì ư?

Về việc mắng người, nên biết rằng hai người càng mắng càng hăng, nếu một người mắng còn một người không nói gì. Đến sau cùng mắng mệt tự nhiên họ không mắng nữa, còn người kia ngồi đó rất thoải mái, ở đó làm gì? Ngồi nghe nhạc. Người nào cao, người nào thấp? Người bàng quan nói, người đó có tu dưỡng, người kia kém phong độ, do người phê bình, chúng ta cần gì phải nói? Huống gì mắng người rất mệt, nổi giận tổn thương rất nghiêm trọng cho thân thể. Cư sĩ Hứa Triết nói, một lần nổi giận, ba ngày chưa hồi phục được, vậy tại sao phải nổi giận?

Nghe họ mắng mình quý vị cảm thấy rất khó chịu, vậy họ mắng người khác tại sao quý vị không thấy khó chịu? Họ mắng tôi Tịnh Không, Tịnh Không là giả danh, rất nhiều người đều có thể gọi Tịnh Không, tôi hà tất phải nhận? Người ta mắng, quý vị tiếp nhận, vậy là quý vị dại, ngu si! Nếu quý vị nghe xong, giống như họ mắng người khác vậy, không liên quan đến mình, tâm bình khí hòa. Nỗi oan này liền được hóa giải, hiểu lầm đối với mình cũng được hóa giải, không cần để ý đến họ.

Đánh nhau cũng như vậy, hai người càng đánh càng hăng. Nếu một người đánh còn người kia không đánh trả, người kia đánh mấy cái cảm thấy rất ngượng ngùng. Nếu đánh tiếp thì người ta không đánh trả, còn không đánh lại cảm thấy khó coi. Phương pháp này rất có hiệu quả đối với người thích đánh nhau, tôi từng dùng. Lúc trẻ tôi gặp một vài người bạn hay nổi giận, họ đánh tôi tôi không đánh trả. Họ đẩy tôi ngã, tôi liền nằm xuống đất không đứng lên. Người xung quanh nhìn thấy, họ ở đó rất khó coi không biết phải làm gì, muốn đánh cũng không đánh được, không đánh hình như cũng không cách nào thu hồi. Chiêu này của tôi rất cao minh, không cần tranh với người khác, nhất định duy trì tốt tình hữu nghị. Hy vọng thời gian lỗi lầm, ngộ nhận này rút ngắn lại, còn tình hữu nghị được vĩnh viễn trường cửu. Đây là đạo lý làm người, giúp chính mình, thành tựu người khác. Cho nên tất cả những lời sàm bậy đều không còn, không cần chúng ta biện minh. Càng biện luận càng rắc rối, không được biện minh, tự nhiên sẽ hóa giải, cách này rất hay!

Hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Liễu Phàm Tứ Huấn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook