Mộng Ngàn Năm

Chương 5: Tây Hồ

Mộc Thư

04/02/2021

Đầu năm Đinh Hợi (1227), Hoàng hậu Lý triều Trần Thị Dung bị giáng xuống làm Thiên Cực Công chúa, sau đó được cưới làm chính thất của Trần Thủ Độ, trở thành Quốc mẫu chính thức của Đại Việt.

Thuận Thiên Công Chúa dời về Phủ đệ ở ngoài cung, tuy nhiên nàng ta lại rất lui tới chỗ Lạc Anh, một phần là vì những món bánh mà nàng làm rất ngon, phần còn lại là vì Trần Cảnh rất hay ở đó.

Lý Oanh nhớ lần đầu tiên gặp Trần Cảnh là lúc nàng ta mới có tám tuổi, còn Cảnh mới chỉ lên bảy. Tuy nhiên Lý Oanh lại thấy vô cùng thân thiết, đặc biệt là đôi mắt đẹp như xuân tháng Ba đó, trong xanh, thuần khiết như bầu trời, nàng ta lấy làm thiện cảm lắm.

Sau này vì Phụ hoàng quá yêu chiều Chiêu Hoàng mà đã không để lại ngôi báu cho trưởng công chúa Lý Oanh, nàng ta cũng có chút hụt hẫng, nhưng khi đó mới chỉ là đứa trẻ bảy tám tuổi, cũng không hề nghĩ ngợi nhiều. Sau này hằng ngày thấy Trần Cảnh hầu hạ Chiêu Hoàng, lại thân thiết như thế, Lý Oanh đâm ra ấm ức lắm. Có một hôm nàng ta nói với mẹ Dung Thị:

- Mẫu hậu, tại sao Phụ hoàng lại truyền ngôi cho Chiêu Hoàng mà không phải con? Tại sao Trần Cảnh lại không thích chơi chung với con như chơi chung với Chiêu Hoàng? Tại sao con không có bạn hữu?

Dung Thị khi đó thấy rõ được ánh mắt ghen tỵ của Lý Oanh, lại sợ nàng ta làm loạn, bà đành phải an ủi:

- Sau này con sẽ có nhiều bằng hữu thôi! Sau này con sẽ làm Hoàng hậu được không? Oanh Nhi, mẫu hậu sẽ không để con chịu thiệt mà!

Năm đó, khi Trần Cảnh lên ngôi, chính tay Chiêu Hoàng mặc áo Hoàng bào cho chàng, Lý Oanh bên dưới mặt đã nhăn tới tột độ. Thêm vào đó, Lý Oanh rõ ràng nhìn thấy Trần Cảnh thì thầm gì đó với Chiêu Hoàng, đến lúc tra hỏi lại thái giám và cung nữ thì họ lại bảo không biết gì, ngọn lửa hận thù đã được nhen nhóm trong lòng đứa trẻ mới chỉ chín tuổi.

Nhưng nói chung khi đó Lý Oanh vẫn là trẻ con, nhưng ghen ghét đó cũng chỉ giống như những đứa trẻ bình thường, nghĩ xong rồi quên ngay mà thôi. Thế nên cho đến hôm Dung Thị dẫn Lý Oanh đến Lạc Anh Cung chơi, nàng ta nhanh chóng bị mấy cái bánh hoa mai và bình nước cam thu phục, cũng từ đó thường xuyên đến chỗ Hoàng hậu chơi.

Chiêu Hoàng cũng chẳng ngần ngại gì, ngồi kể chuyện trên trời dưới biển cho nàng ta và đám nô tài nghe, đến mức chẳng muốn về. Trần Cảnh cũng thường xuyên ở đó, nghe những câu chuyện chẳng biết thực giả của Chiêu Hoàng, mà bản thân Lý Oanh cũng bị những câu chuyện đó cuốn hút. Nghe suốt cả nửa năm nhưng những câu chuyện của Chiêu Hoàng kể chẳng bao giờ lặp lại, Lý Oanh thầm cảm thán con người Chiêu Hoàng, vốn tưởng rằng Chiêu Hoàng được nuông chiều từ nhỏ chẳng biết gì, thế nhưng những điều này lại làm Lý Oanh hết sức bất ngờ: một tiểu công chúa từ nhỏ còn chưa ra khỏi cung thì lấy đâu ra nhiều chuyện như thế? Nhưng Lý Oanh cũng sớm nhận ra Lạc Anh Các rộng lớn đằng kia, bảo sao văn võ bá quan lại thường xuyên đến đây như vậy, hóa ra tất cả các loại sách Chiêu Hoàng lấy về đều đã đọc qua, lại nhớ rất kỹ, văn võ bá quan được nhờ, vô cùng khâm phục vị Hoàng hậu nhỏ tuổi.

Đến Lạc Anh cung lâu, Lý Oanh cũng biết sở thích của Trần Cảnh là đọc sách. Thế là nàng ta cũng thường xuyên ở lại Lạc Anh cung đọc sách. Chiêu Hoàng cũng lấy làm vui vẻ: khi thì đọc sách cùng, lúc lại rủ cùng chơi xích đu, khi lại nấu một vài món ngon cho Lý Oanh ăn… Thế là Lý Oanh cứ ở đó vui chơi với Hoàng hậu, có khi ở cả tháng không rời khỏi.

Từ ngày Lý Oanh lấy làm thân thiết với mình, Lạc Anh cũng có chút kinh ngạc. Thông qua lời của cung nhân lớn tuổi ở đây, nàng biết trước kia Lý Oanh không mấy ưa gì Lý Chiêu Hoàng, thế mà giờ lại suốt ngày ở đây thế này, quả thật cũng làm cho nàng có chút khó hiểu. Nhưng mà kệ thôi, dù sao giờ nàng ta cũng chưa làm hại được nàng, thế là cứ để nàng ta ở lại!

Đối với đội “phục vụ” ở Lạc Anh cung, Lạc Anh đã nắm chắc tới chín mươi phần trăm sự trung thành của bọn họ rồi. Qua hơn nửa năm điều tra, Lạc Anh biết được hoàn cảnh của các cung nhân, hộ vệ này: có người thì mồ côi, có người vẫn còn cha mẹ già, mỗi kì lại gửi chút tiền về nhà cho họ sống qua ngày. Biết vậy, Lạc Anh chủ động lấy nửa phần bổng lộc của mình đem chia cho tất thảy hơn bốn chục người, tháng nào được ít thì chia ít, tháng nào được nhiều thì chia nhiều; nửa phần bổng lộc còn lại nàng cất đi để sau này bị tống khỏi cung còn có cái mà sống.

Thế là cung nhân hộ vệ trong Lạc Anh cung được thưởng thêm mỗi tháng gấp tới cả chục lần “lương cứng” của bọn họ. Mới đầu ai nấy cũng sợ hãi không dám nhận, nhưng sau này Lạc Anh kể từng hoàn cảnh của mỗi người, phân tích từng chút một số tiền đó cần thiết như thế nào, rồi bảo chỉ trong cung chúng ta biết với nhau thôi thì họ mới dám nhận. Và điều Lạc Anh mong muốn cũng đến, ai nấy đều cảm tạ Hoàng hậu hơn gấp bội, nàng không chỉ thông minh, học rộng mà còn rất quan tâm đến đám nô tài, cuối cùng đồng lòng nhất mực nghe lời nàng.

Có một hôm, Lạc Anh gọi Trác Lâm đến, nói với chàng ta:

- Huynh cầm ba ngàn lượng bạc, sang bên kia sông Cái mua cho ta hai căn nhà sát nhau, tìm thêm một vài gia nhân trông coi, nói là nhà của A Thành Công Tử, là lái buôn!

Trác Lâm ngớ người hỏi lại:

- Chủ nhân, người muốn làm gì?

- Cứ đi mua đi, sau này sẽ cần dùng tới! Thêm nữa, huynh cử hai huynh đệ ra Vạn Kiếp, tìm mua cho ta thêm một căn nhà lớn nữa, tốt nhất là tìm chỗ gần sông là đẹp nhất, huynh đưa phụ mẫu đến đó trước đi! – Sau đó nói với A Liên – Vào lấy thêm cho Trác huynh thêm năm ngàn lượng!

- Người đang sắp xếp chuyện gì vậy?

Lạc Anh chầm chậm quay đầu nhìn Trác Lâm, nhẹ giọng:



- Nếu ngày mai chủ nhân của huynh bị đuổi cùng giết tận, huynh có muốn sắp xếp cho ta chạy trốn không?

Chỉ nghe đến đấy, Trác Lâm quỳ xuống, dõng dạc nói:

- Chủ nhân có ơn với cả gia đình của thuộc hạ, thuộc hạ sẽ bảo vệ người, có chết cũng không từ!

- Thôi được rồi huynh đứng dậy đi! – Lạc Anh đỡ Trác Lâm dậy mà thở dài – Đừng có động tý lại hành lễ như thế, ta không muốn nhận nhiều như vậy đâu! Ta coi huynh như người nhà, giờ ta cần huynh làm những chuyện này. Nhớ kỹ, nhất định không được để ai biết, kể cả Trần Cảnh! – Sau đó đưa lệnh bài Lạc Anh cung của mình cho Trác Lâm – Huynh Cầm lấy, đi đường Cửa Nam!

- Thuộc hạ đã hiểu, nhất định sẽ không phụ sự ủy thác của chủ nhân!

Nhìn theo bóng lưng Trác Lâm, Lạc Anh lại thở dài, nàng thấy như mình đang sắp xếp chính hậu sự của mình vậy. Người ở đây tuy có hơi cứng nhắc, nhưng được cái khi đã thuần hóa được thì vô cùng trung thành.

A Liên đứng bên cạnh, hỏi:

- Chủ nhân, người đang tính chuyện gì vậy ạ?

- Ta tính sẽ đưa tỷ cùng đi du ngoạn khắp đất Đại Việt!

A Liên cười cười, nàng ta nói:

- Chủ nhân, người lại gọi ta như vậy, nhỡ Quốc mẫu mà nghe được thì ta bay mất đầu như chơi ạ!

Lạc Anh cười cười, ở lâu với nàng, A Liên cũng nhiễm chút hương vị của con người hiện đại rồi đây, thật là một a đầu dễ đào tạo nha!

***

Thanh Minh tháng Ba, triều đình tổ chức yến hộ ở ven Tây Hồ. Cái hồ này ở thời nhà Trần rộng hơn so với hiện đại. Mặc dù đã từng đến đây một lần với Trần Cảnh rồi, nhưng chỉ là đi có một ngày, nên vẫn chưa đi hết. Lần này triều đình làm to quá nhỉ, nhà gỗ, lều bạt đã được xây xong từ khá lâu rồi.

Ngồi trong kiệu lớn với Trần Cảnh, Lạc Anh thò đầu ra ngắm khung cảnh bên ngoài. Trời ơi trồng nhiều hoa thế này, đây là Làng hoa Nghi Tàm, Tứ Liên hay vườn thung lũng hoa sau này đây. Có nhiều loại hoa đến chính Lạc Anh cũng chẳng biết nó là hoa gì cả, vì ở hiện đại ngoài mua hoa cúc vàng cho bà để thắp hương ngày rằm mùng một thì làm gì Lạc Anh có hứng thú với hoa hòe đâu.

- Cảnh, huynh xem kia là hoa gì?

- A nhiều thế này, để ta xem! À để xem kia là hoa linh lan trắng, hàng kia là mẫu đơn, bên dưới là cúc hoa các màu, hoa cải nữa kìa!

- Hoa cải có thể chiết thành dầu thực vật đấy huynh biết không? Ăn dầu thực vật sẽ tốt hơn ăn mỡ động vật rất nhiều!

- Sao? – Trần Cảnh trố mắt – Cái gì mà dầu thực vật với mỡ động vật! Trước giờ ta chỉ biết đến mỡ lợn để nấu ăn thôi!

Lạc Anh cười, lòng thầm nghĩ đương nhiên là Bệ hạ người không biết rồi, đến thế kỷ XIX dầu thực vật mới được sản xuất, bây giờ người không biết cũng đúng thôi!

- Vậy để khi nào trở về Lạc Anh cung chúng ta cùng chiết dầu thực vật, nha!



Trần Cảnh gật đầu một cái chắc nịch, vô cùng vui vẻ khi thấy Chiêu Hoàng lại nghĩ ra thêm trò mới. Trần Cảnh luôn cảm thấy vui như thế khi ở cạnh Chiêu Hoàng, nàng thực sự là người vô cùng, vô cùng thú vị luôn! Nàng hiểu biết nhiều, lại có khiếu kể chuyện rất giỏi, hoạt bát và nhanh nhẹn.

- Chiêu Nhi, tối nay chúng ta lẻn ra vườn hoa nam Hồ chơi nha, ta đã để A Tháp ra đó chuẩn bị trước rồi, tối nay Trác Lâm đưa muội ra chỗ đó trước, ta sẽ ra sau. Ở đó nhiều đom đóm, đẹp lắm!

Lạc Anh gật đầu luôn, trong lòng thấy vui vẻ lắm vì lại có cảm giác được trốn đi chơi! Cũng không biết từ bao giờ Lạc Anh lại như vậy nữa. Trước đây, nếu không phải đi học thì Lạc Anh sẽ ở nhà đọc sách lịch sử, chán chút thì lên mạng tán gẫu với mấy vị yêu thích lịch sử trên diễn đàn. Hoặc nếu bị ông bắt đi khảo nghiệm thì nàng mới lết ra khỏi nhà mà thôi! Nàng vốn là người lười nhác đến bất tận, thế mà giờ lại nhiều trò như vậy, có lẽ vì ở nơi này chán quá, não nàng cần hoạt động nhiều để nghĩ ra nhiều trò vận động mới hơn chăng?

Nghĩ đến ông bà ở nhà, nàng mới nhận ra mình đã ở đây được hơn một năm trời rồi, không biết ở nhà bây giờ ông bà như thế nào, có buồn, có hụt hẫng lắm không, có nhớ nàng không? Liệu nàng có thể trở về thế giới đó được không đây? Lạc Anh bất giác thở dài.

Trần Cảnh ở bên cạnh thấy nàng vừa vui như mặt trời lại đang có dấu hiệu chuyển sang mưa rào, chàng lập tức xoay người nàng lại, hỏi:

- Chiêu Nhi, sao thế, muội không khỏe chỗ nào ư?

Lạc Anh nhìn Trần Cảnh, lắc đầu:

- Không có, muội chỉ sợ nhỡ huynh không trốn được đi thì hỏng!

- Yên tâm, ta nhất định sẽ đi được!

Yến hội năm này được mở rất lớn bên Tây Hồ, lầu các được xây dựng đầy đủ các gian nhà, phòng ốc như trong hoàng cung. Trần Cảnh ở khu Tây cùng với văn võ bá quan, còn Lạc Anh ở khu Đông cùng với gia quyến, người nhà quan, khu này chủ yếu là phụ nữ, nếu có nam nhân thì cũng chỉ là những đứa trẻ độ dưới mười lăm tuổi chưa được phong quan tước mà thôi.

Ngôi nhà Lạc Anh ở bằng với Lạc Anh các của nàng, Lạc Anh cũng thấy khá hài lòng khi đã được sắp xếp khá nhiều sách vở để thỏa lòng vị Hoàng hậu nhỏ tuổi. Lạc Anh lại bất giác nhớ đến câu nói thần thần bí bí của Trần Cảnh lúc trên kiệu: “Ta sẽ cho muội một sự bất ngờ!”

Nghĩ lại, chàng ta cũng khá chu đáo nhỉ, đều là những thứ nàng thích, đến bố trí trong ngôi nhà này cũng được sắp xếp giống với Lạc Anh cung. Lạc Anh lại bất giác cười một cái, lòng vô cùng thỏa mãn. A Liên bên cạnh nhìn thấy sắc xuân rạng rỡ của chủ nhân cũng lấy làm vui lắm. Sắp xếp giống như Lạc Anh cung thế này thì Bệ hạ của bọn họ cũng chiều Hoàng hậu lắm chứ nào có chơi đâu.

***

Mặc dù Hoàng hậu còn khá nhỏ tuổi, nhưng có học thức khá rộng, các quan văn thường xuyên đến Lạc Anh cung để đọc sách nghe chuyện. Mới đầu bọn họ cũng bán tín bán nghi lắm, nhưng khi nghe được những đạo lí hợp lòng người từ Hoàng hậu, ai nấy cũng đều ngạc nhiên lắm. Trước đây khi còn là vua một nước thì lại tỏ ra tư chất tầm thường, cái gì cũng không biết, chỉ suốt ngày chơi đùa với Trần Cảnh. Sau khi thành Hoàng hậu thì lại như thế này! Văn võ bá quan cũng không dám nghĩ nhiều, dù sao bây giờ cũng là thiên hạ của nhà Trần rồi, Lý Huệ Tông cũng đã chết, Chiêu Thánh Hoàng hậu muốn lấy lại giang sơn cho họ Lý cũng đã là chuyện khó có thể xảy ra.

Thế là từ đó chẳng ai bảo ai, mỗi tháng đều đến Lạc Anh cung ít nhất một lần, vừa đọc sách vừa nghe chuyện của Hoàng hậu. Bệ hạ cũng chẳng phàn nàn gì họ cả, lại còn khuyến khích đến Lạc Anh Các đọc sách, bởi vì bao nhiêu sách hay đều đã ở đó cả rồi.

Có một hôm, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa cùng với Hàn lâm viện Học sĩ Phụng chỉ (5) Trần Giáp đến Lạc Anh cung, thấy Hoàng hậu đang nói say sưa về lịch sử, Thái Thượng Hoàng cũng không nỡ phá hỏng, đứng gần gốc cây hòe trước Cung, nghe về lịch sử của nhà Thanh sau này, cảm thấy vô cùng thú vị. Từ đó, Thái Thượng Hoàng cho Lạc Anh tự nhiên ra vào Hàn Lâm Viện (6), có khi thì nghiên cứu lịch sử, lúc lại đối đáp cùng với Thượng Hoàng và Trần Giáp, khiến các quan cứ thế mà nể phục hơn.

Văn võ bá quan cũng kể chuyện này cho gia quyến của họ nghe, thế là có kẻ thì ngưỡng mộ Hoàng hậu, có kẻ thì ghen tỵ, kẻ lại cười khẩy vì cho rằng đó chỉ là những câu chuyện của trẻ con, vậy mà người làm quan cũng có thể nghe lọt. Tuy nhiên họ nhanh chóng đánh bay bao nhiêu suy nghĩ khi nhìn thấy vị Hoàng hậu nhỏ tuổi với khí chất ngời ngời sáng lạng, đến cách ăn nói cũng dễ nghe như vậy, bảo sao đến cả Thượng Hoàng cũng cảm thấy nể phục, quả nhiên là không sai. Sao một đứa trẻ nhỏ tuổi thế này đã có cái tài đó, thật sự là kỳ lạ lắm!

*Chú thích:

(5) Hàn Lâm Học sĩ Phụng chỉ (hay còn biết đến là chức Hàn Lâm học sĩ thừa chỉ): là một chức quan thời Trần. Theo Lịch triều Hiến chương Loại chí, mục Quan chức trí, quan chức ở Hàn Lâm Viện thời Trần có chức Hàn Lâm học sĩ phụng chỉ và chức Hàn Lâm viện học sĩ.

Chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ có lẽ được đặt như Hàn lâm học sĩ thừa chỉ nhà Đường, Tống, là chức chưởng quan trong các vị quan Hàn lâm học sĩ, chứ không phải là chức được đổi tên hoặc dùng một cách vô tội vạ trong triều Trần. Vì vậy, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Quan chức chí, viết quan chế đời Trần có Hàn lâm học sĩ phụng chỉ và Hàn lâm học sĩ, cần được hiểu là 2 chức khác nhau.

(6) Hàn Lâm viện: là một tổ chức trong các triều đại quân chủ Á Đông xưa gồm các học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách việc soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế và ghi chép lịch sử.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mộng Ngàn Năm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook