Mộng Xưa Thành Cũ

Chương 29: Món quà đẹp nhất anh tặng em

Mặc Mặc An Nhiên

29/06/2017

Type: Dandelion

Kỳ thi đại học năm đó diễn ra trong cơn mưa tầm tã. Mọi người trên đường đều nói đây là cơn mưa lớn nhất, dài nhất trong nhiều năm nay ở Ly Thành. Rất nhiều phụ huynh đều kêu ca đường khó đi, khó bắt taxi, tiếng mưa quá to ảnh hưởng tới khả năng nghe của thí sinh…

Ba ngày trước kỳ thi, tôi gặp Trình Dặc Triết. Cậu ta đã rời khỏi đống sách vở, chỉ chờ ngày thi. Cậu ta hỏi tôi: “Rốt cuộc chị có muốn đi cùng em không?” Vẻ mặt như nắm chắc phần thắng.

Tôi nói: “Nếu em thi đỗ, chị sẽ đi cùng.”

Kết quả vào ngày kết thúc kỳ thi, cậu ta đến nhà tôi chơi, trước mặt mọi người tuyên bố cậu ta có thể dễ dàng đỗ vào khoa bất kỳ của trường đại học nào đó. Hôm đó, cả nhà mở tiệc chúc mừng cậu ta, không sai, là tất cả mọi người, bao gồm Thiệu Khải, cả Tiểu Triết cũng đưa Doanh Doanh tới. Doanh Doanh cũng đã thi xong, nghe nói thi tốt hơn lần trước. Mọi người cùng nhau uống rượu, hát hò, cả buổi tối quậy tưng bừng, người nào cũng giống như đã uống không ít, nhưng lại không ai say.

Vào tối đó, trong lòng tôi đã rõ, như Thiệu Khải từng nói, tôi hoàn toàn không co cảm giác gì với Trình Dặc Triết. Trong mắt tôi cậu ta chẳng qua chỉ là một đứa trẻ. Sau khi hiểu ra điều đó, tôi liền nghĩ thông suốt.

“Thiệu Khải!” Tối đó, tôi mượn rượu nói với Thiệu Khải. “Nếu như có một ngày em phải xa anh một thời gian, anh cũng đừng trách em. Em đảm bảo sau khi quay về em sẽ không bao giờ rời xa anh nữa, đây là lần cuối cùng.”

Anh yên lặng nhìn tôi, giơ tay vuốt tóc mái tôi, nhẹ nhàng “ừ” một tiếng.

Nhưng hôm Trình Dặc Triết tới, tôi vẫn thấy quá đường đột, là ngày thứ mười chín sau khi kỳ thi kết thúc. Cậu ta đến, mang theo hai tấm vé tàu tới trước mặt tôi, nói: “Đã mua xong rồi. Vậy hôm đó em sẽ đến đón chị sớm.”

Thiệu Khải đi tới từ phía sau lưng tôi, cầm lấy vé trong tay cậu ta, làm như không có chuyện gì, hỏi: “Là ngày nào?”

Tôi cúi đầu, ngón tay day day hốc mắt.

Hôm xuất phát, tôi vẫn chưa tỉnh hẳn, trong lúc mơ mơ màng màng mở mắt thì thấy Thiệu Khải đang quỳ gối trên nền nhà bỏ đồ vào ba lô. Anh lấy ba lô tôi cầm theo khi đến đây, lúc đó anh như muốn mang hết đồ đạc của tôi bỏ vào đó. “Thiệu Khải…” Tôi xuống giường quỳ trước mặt anh, nắm lấy bàn tay không có ý định dừng lại của anh. “Mấy giờ rồi?”

Anh không ngẩng lên, cũng không trốn tránh bàn tay của tôi. “Em ham ngủ thật đấy, đã trưa rồi, một lát nữa người ta sẽ đến, em còn định để người ta đợi sao?”

“Không vội mà, không phải mới chỉ trưa thôi sao?” Tôi định bụng kéo anh dậy. “Đừng làm nữa, chúng ta ra ngoài ăn cơm được không?”

“Được rồi, em thu dọn đồ rồi đi ra ngoài nấu cơm cho bọn anh đi.”

Tôi đứng đó, nhìn anh đang cúi đầu quỳ dưới nền nhà. Tôi có thể hiểu thời khắc này anh đang cố gắng đè nén tâm trạng của mình, bởi vì tôi cũng vậy. Tôi quay người lại gấp chăn, nhìn thấy ngón tay không chịu nghe tôi điều khiển mà run lẩy bẩy. Tôi muốn khống chế nhưng không thể.

Khi Trình Dặc Triết kéo vali vào trong sân, chúng tôi vừa ăn cơm xong. Tôi đang rửa bát, ánh mặt trời chính hạ gay gắt cực kỳ chói mắt. Tôi trông thấy cậu ta thì lặng người đi một lúc, không biết phải làm gì. Thiệu Khải bước lên từ phía sau tôi, bàn tay anh vỗ nhẹ lưng tôi, sau đó kéo tôi vào phòng. Tôi đóng cửa nhốt mặt trời gay gắt ở bên ngoài. Căn phòng chỉ có một khung cửa sổ nhỏ nên dù là giữa trưa hè vẫn rất mát mẻ. Tôi dựa vào cửa, nhìn Thiệu Khải mở chiếc ba lô đã được kéo khóa cẩn thận ra, sau đó lần lượt mở từng ngăn kéo và cửa tủ.

“Em nghĩ xem còn đồ gì để ở nơi nào mà anh không biết không?” Anh bỏ hết mọi thứ anh cho rằng tôi sẽ dùng đến vào ba lô, trong căn phòng vốn đã rất nhỏ này, ngoài quần áo ra thì toàn bộ đồ đạc còn lại chúng tôi đều dùng chung, thành ra hầu như không để lại cho anh thứ gì. “Tàm tạm rồi… Đi thôi!”

“Thực ra em không cần mang nhiều đồ như vậy. Anh xem mang nhiều đồ sẽ nặng thế nào, em sắp không đeo nổi rồi. Anh đã quên bộ dạng em lúc mới đến đây rồi à? Em gần như không mang theo đồ đạc gì.”

Thiệu Khải cười. “Không giống nhau!” Nói xong, anh kéo ba lô lại cẩn thẩn, đặt nó ở nơi gần tôi nhất, rồi chỉ ngồi đó chờ tôi đón lấy. Tôi đứng một lúc mới cầm lấy ba lô. Nó nặng đến mức kéo rã cả cánh tay tôi xuống. Tôi chỉ còn cách nắm chặt lấy quai xách mới không làm rơi nó xuống đất.

“Vậy…” Tôi đứng ở cửa, định dùng giọng điệu “buổi tối em sẽ về” để nói câu: “Em đi đây…”, nhưng cuối cùng vẫn bị nghẹn lại nơi cổ họng, không cách nào nói ra rõ ràng được. Đúng lúc tôi đặt tay lên nắm cửa, nghiêng người định mở thì một bàn tay giơ ra đóng chặt cánh cửa lại. Tôi nghe thấy miếng kính trên cánh cửa vang lên âm thanh leng keng đầy bất mãn.

Tôi biết tôi chần chừ không quay người chính là bởi đợi cái ôm này. Từ lúc biết tôi định rời đi, Thiệu Khải luôn giữ thái độ lặng im như không có chuyện gì xảy ra, đến tận lúc tôi xoay người chuẩn bị bước ra cửa anh mới xông tới ghì chặt tôi trong lòng. Tôi hiểu anh, anh nhất định sẽ làm như vậy. Anh dùng lực ấn đầu tôi vào sâu trong khuôn ngực anh. Trong khoảnh khắc, tôi như chỉ nghe thấy nhịp đập của trái tim anh. Bàn tay đang nắm lấy quai xách của tôi dần dần thả lỏng, cuối cùng cũng thả nó rơi xuống. Tôi vòng tay ôm chặt lấy anh, giống hệt như những lần chúng tôi ôm nhau trước đây.

“Xin lỗi, em không…”

“Đi đi!” Hai từ vẫn chưa được nói hết, anh đã mở cửa đẩy tôi và ba lô hành lý ra ngoài với tốc độ nhanh nhất. Tiếng cài chốt cửa khiến nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi. “Thiệu Khải… Anh mở cửa ra đi… Em vẫn còn lời muốn nói, anh mở cửa đi!” Tôi tận lực đập cửa, nhưng anh không nói gì, chỉ chậm chạp kéo rèm cửa lại, triệt để ngăn cách tôi và anh.

Tôi không rõ mình và Trình Dặc Triết đi ra khỏi nhà bằng cách nào. Tôi cứ cầu xin Thiệu Khải mở cửa, ít nhất cũng để cho tôi nhìn anh lần nữa. Tôi không biết lần này tôi sẽ đi bao lâu, tôi vẫn còn rất nhiều rất nhiều điều muốn dặn dò anh. Tôi còn muốn dặn anh đừng uống nhiều rượu quá, nếu cai được thuốc thì cố gắng cai. Tôi còn muốn dặn anh khi không có tôi ở nhà hãy chăm chỉ đun nước uống. Tôi còn muốn dặn anh chiếc quần chiếc áo nào của anh dễ phai màu thì không được giặt chung với quần áo khác.

Tôi còn muốn dặn anh, nếu không thì đợi tôi về giặt cho anh cũng được.

Không ai tiễn tôi, Tiểu Triết và A Mao trốn trong phòng tập nhìn tôi. Tôi nghĩ có lẽ trong lòng họ đã nghĩ rằng tôi sớm muộn gì cũng rời đi. Ngay cả mèo con, nó cũng hiểu nhưng chỉ chạy theo tôi mấy bước rồi lại chạy vào nhà. Hai tiếng kêu “meo meo” cuối cùng của nó khiến tâm tình cố gắng nén chặt của tôi lập tức vỡ òa.

“Xin lỗi, đợi một lát…”

Tôi gọi Trình Dặc Triết, sau đó ngồi sụp xuống, cuộn mình lại. Không cần để ý cậu ta nghĩ thế nào, cũng không cần để ý đến ánh mắt người đi đường, tôi hoàn toàn bị nỗi đau xé lòng, đau đến quá sức tưởng tượng của tôi đáng gục. Nó giống như cảm giác bị cắt mất một phần trên cơ thể, lúc đầu chỉ là kinh hoàng, nhưng đến khi các chất giảm đau trong thùy não dần dần bị dùng hết thì cơn đau đớn không thể sờ thấy đó bắt đầu khiến người ta không cách nào chịu đựng được.

“Nếu đã không nỡ như vậy thì vì sao còn quyết định đi?” Tôi nghe thấy Trình Dặc Triết ở gần tôi trong gang tấc, hỏi tôi câu không nên hỏi nhất. Tôi lắc đầu, khắc khoải đứng dậy, nói: “Đi thôi!”

Lần trước tôi không quay lại nữa, nỗ lực bước thẳng về phía trước, đến tận lúc không thể nhìn thấy căn nhà cũ kỹ kia. Hành lý trong tay tôi quả thực rất nặng, bên trong đựng những thứ gì tôi cũng chẳng biết. Sau khi ngồi lên trên một chiếc taxi, tôi mới mở ra xem. Quần áo, dép, đồ dùng thiết yếu, cốc… tất cả đồ dùng của tôi đều được anh bỏ vào hết. Cuối cùng tôi tìm thấy một chiếc thẻ ngân hàng và một tờ giấy nhắn trong ngăn túi ở tận bên trong.

“Anh đã chuyển hết tiền trong chiếc thẻ trước kia của em vào chiếc thẻ này, cộng thêm cả tiền anh để dành được. Tiền trong thẻ này tuy không nhiều nhưng chắc sẽ đủ cho em sống một thời gian ở bên ngoài. Đây vốn là tiền anh để dành để cưới em. Đây là điều cuối cùng anh có thể làm cho em.”

Tôi ôm ba lô khư khư, đến tận lúc tới nhà ga. Sau đó rời Ly Thành cũng vẫn với bộ dạng ôm khư khư chiếc ba lô đó.

Thế là, đôi mắt tôi chỉ biết khóc, không để ý tới xung quanh, nên đã không nhìn thấy vào lúc tôi quay người rời đi, có người vẽ một vòng tròn lớn màu trắng ở bức tường sau lưng tôi, bên trong đó là chữ “sát” – giết người.

Cuộc hành trình dài hơn tưởng tượng của tôi, hơn hai mươi tiếng ngồi tàu, phải ngủ đêm trên tàu, sau đó xuống tàu vào buổi tối. Điều này làm tôi mơ hồ nhớ lại buổi tối tôi và Thiệu Khải cùng tới Ly Thành. Đêm đó, trái tim tôi cũng lắc lư liên hồi cùng với tần suất lắc lư của tàu hỏa, nhưng lại mơ hồ ngủ thiếp đi. Còn đêm nay, tôi gục người trên chiếc bàn nhỏ ngoài hành lang, nhìn màn đêm đen kịt, thế nào cũng không ngủ được.

Sau khi tôi rời xa anh, cuối cùng tôi cũng có thể thừa nhận với bản thân là tôi đã dựa dẫm vào anh quá nhiều. Tính ra thì tôi mới xa anh mấy tiếng đồng hồ, nhưng mấy tiếng đó quả thật dài đằng đẵng. Từ thời điểm rời khỏi vòng tay anh, tôi đã bắt đầu nhớ anh rồi.

Anh đã không còn cùng tôi ở toa tàu này nữa, cũng không còn đổi giường với người khác vì lo lắng cho tôi nữa, không còn mơ hồ trả lời tôi mỗi khi tôi tùy tiện gọi tên anh nữa. Bây giờ đã là nửa đêm, tôi muốn biết, Thiệu Khải, anh đã ngủ chưa?

Cùng lúc đấy, ở đầu bên kia nỗi nhớ của tôi, ở căn nhà cũ kỹ mà tôi đã sống mấy năm nay, sau khi đuổi hết đám khách không mời đi, bọn họ lần lượt trở về phòng. Trong lòng mỗi người đều rõ rằng thật sự khó thích ứng với việc thiếu đi một người. Đó là chỗ trống mà không một ai biết phải làm thế nào để lấp đầy.

Thiệu Khải khóa mình trong phòng. Đã mười một giờ. Từ buổi chiều anh đã nhận ra ý thức của mình cứ mơ mơ hồ hồ, đến tận bây giờ vẫn không cách nào thoát ra được. Anh đối diện với bức tường trống trơn và chiếc giường lạnh lẽo, không biết lúc này đây nên làm gì. Chỉ đêm trước thôi, bên cạnh anh vẫn còn tồn tại một thứ biết hít thở, vậy mà giờ đây người đó không biết đã rời anh bao xa rồi.

Nghĩ đến đây, anh quay lại nhìn hai chiếc gối để trên giường, trên một chiếc còn lưu lại một sợi tóc dài. Anh nhặt lên, cẩn thận cuộn quanh đầu ngón tay, từng vòng từng vòng siết chặt, đến tận khi nó không chịu thêm được nữa, đứt ra.

Anh mở cửa chạy ra ngoài. Căn phòng này, lúc này, anh không thể ở thêm một phút nào nữa.

Xuống tàu hỏa, Trình Dặc Triết tìm thấy ngay nơi để ở. Cậu ta đã tra cứu hết mọi thông tin trước khi xuất phát, định sẵn kế hoạch, liên hệ trước nơi ở. Tôi nhìn dáng vẻ cẩn thận, không chút nao núng của cậu ta, thật sự không nghĩ rằng đây là một đứa trẻ vừa tròn mười tám tuổi. Ở tuổi mười tám, tôi hoàn toàn chẳng biết gì về cuộc sống, mang theo nhận thức hồ đồ và gàn dở về tình yêu, tự cho thế là đúng, mà tiến về phía trước, nhưng không ngờ lại sa chân xuống vực thẳm.

Nơi tôi đến là một thành phố biên thùy miền Tây, dân cư thưa thớt, khoảng không tự nhiên rộng mênh mông. Ít đồ đạc hiện đại, nhiều đồ đạc xưa cũ. Nhưng hơn hai mươi tiếng đồng hồ không hề chợp mắt, thêm vào đó là áp lực tâm lý, khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không còn lòng dạ nào ngắm phong cảnh, chỉ muốn nhanh chóng leo lên giường ngủ. Sáng sớm hôm sau, tôi bị cổ họng đau rát làm cho tỉnh giấc. Tôi xuống giường đi uống rất nhiều nước, nhưng vẫn cảm thấy hình như có rất nhiều cát tắc trong đó, ma sát vô cùng khó chịu.

Nơi này quá nóng và khô. Ban ngày đi trên đường, tôi uống nước liên tục, nhưng uống nhiều nước khi đi du lịch mang đến rất nhiều phiền toái. May mà chúng tôi không đi theo tour, không bị hạn chế về thời gian, thi thoảng còn có thể trà trộn vào các đoàn du lịch nghe ké. Bất kể khi nào tôi cũng là đối tượng nhận được sự săn sóc. Tôi cũng thử đi chăm sóc người khác, nhưng lần nào cũng khiến sự việc phức tạp hơn. Trên xe ôtô đường dài, Trình Dặc Triết ngồi cạnh tôi. Chúng tôi nói chuyện không nhiều, toàn là đột nhiên nghĩ ra chuyện linh tinh gì thì nói vài ba câu. Không ai nhìn chúng tôi với ánh mắt kỳ quái, bởi vì trong mắt người khác chúng tôi hoàn toàn là một cặp chị em. Tôi không thể không thừa nhận, tôi đã chẳng thể so sánh được với đám thanh niên trẻ tuổi nữa rồi.

“Chị hỏi em, tại sao em lại muốn chị đi cùng? Không phải em có rất nhiều bạn học hay sao?”

“Thực chất bố em luôn không yên tâm để em đi chơi xa một mình. Em đi với người nhiều tuổi sẽ khiến ông yên tâm hơn.”

“Thế tức là ông yên tâm về chị, trong khi ông còn chưa từng gặp chị.” Tôi cảm thấy lý do của cậu ta vô cùng vô lý. “Tại sao lại không sợ chị sẽ làm hư em, hoặc sẽ cướp em đi?”

“Ông ấy đã gặp chị. Chị còn nhớ có một hôm trời tuyết, chị ngồi ở dưới nhà em không? Hôm đó bố em đã nhìn thấy chị từ trên cửa sổ. Ông vốn gọi chị đi lên nhưng chị kiên quyết không lên. Bố em thoáng tính hơn phụ huynh thông thường. Ông nói năm xưa cũng hai bàn tay trắng đến Ly Thành, sau đó mới lập nghiệp thành gia ở đây. Ông bảo nhìn chị là biết chị không có ác tâm, còn bảo trẻ như vậy mà đã phải sống một mình ở ngoài thật không dễ dàng. Vì thế sau này khi em đến chỗ chị, ông ấy đều không quản nữa.”

“Bố em… “ Tôi quay đầu nhìn ra cửa, lần đầu tiên thấy sa mạc trải dài bất tận. “… thật giống bố chị.”

“Chị đã bao lâu không gặp bố rồi?”

Tôi cẩn thận nghĩ một lúc, tồi lắc đầu cười khổ: “Chị không nhớ rõ nữa.”

“Chị có nhớ ông ấy không?”

Ốc đảo có hồ nước và cây cối xanh mướt hiện ra giữa sa mạc khiến tất cả mọi người trên xe cùng xuýt xoa tán thưởng. Tôi ngắm nhìn những tia sáng phát ra dưới ánh nắng, nghe thấy mình trả lời: “Nhớ!”

Ở đây năm ngày, chúng tôi di chuyển từ thành phố lớn tới một thị trấn nhỏ. Trình Dặc Triết mang theo máy ảnh nhưng tôi không cho cậu ta chụp tôi. Đây là nơi có bề dày lịch sử và văn hóa, dường như mỗi tấc đất đều có thể kể lại một câu chuyện. Thi thoảng Trình Dặc Triết lại kể cho tôi nghe vài điển tích, còn tôi thì không thể mang ra bất cứ thứ gì để chia sẻ với cậu ta. Tôi bất lực nói: “Em xem sau này cậu chị phải dạy con thế nào đây? Thật là một người mẹ thất bại không tài cán không học thức.”



Buổi sáng ngày thứ sáu, khi từ giường bước xuống tôi liền cảm thấy trời đất đảo lộn, tôi cố nhịn chạy vào nhà vệ sinh, nhưng chỉ nôn khan, không ra bất cứ thứ gì. Thực chất, khi vừa đến đây tôi đã thấy cơ thể có chút khó chịu, nhưng tôi cho đó là bởi tinh thần bất ổn, cộng thêm cả mệt mỏi, không ngờ đã mấy ngày rồi mà vẫn không khá hơn. Đúng lúc đó, Trình Dặc Triết ở phòng bên cạnh chạy tới gõ cửa. Tôi mở cửa cho cậu ta rồi lại chạy vào nhà vệ sinh tiếp tục nôn.

“Chị sao thế?” Cậu ta sợ hãi nhìn bộ dàng tôi. “Có phải không hợp thủy thổ không?”

Tôi súc miệng, tiện thể nhìn mặt mình trong gương. Không hợp thủy thổ? Từ lúc nào tôi trở nên yếu đuối như thế? “Không sao, chị nhớ là gần chỗ này có bệnh viện. Em không cần đi cùng chị, tự chị đi được rồi.”

Trên đường tới bệnh viện, tôi đã dự liệu trước được mình làm sao rồi. Đó là một loại dự cảm, nếu nói lần đầu tiên tôi không có kinh nghiệm thì lần này phản ứng của cơ thể quả thật rất mạnh mẽ. Nhưng khi bác sĩ ngồi đối diện tôi, cầm kết quả xét nghiệm và thông báo: “Cháu có thai”, tôi vẫn không kiềm chế nổi mà dùng tay bịt chặt miệng, mắt đỏ hoe.

Có lẽ phản ứng của tôi không giống như vui mừng nên bác sĩ đã hỏi lại một cách đầy kinh nghiệm: “Muốn sinh hay muốn bỏ?”

Tôi không nói gì.

“Thực ra độ tuổi còn trẻ như cháu thế này sinh con là tốt nhất, tốt cho cả và người mẹ và đứa con. Cùng là một sinh mệnh, nếu như đã kết hôn rồi thì hãy cân nhắc giữ lại nó.” Vừa nói bác sĩ vừa nhìn bàn tay đang để trên bàn của tôi. “Đương nhiên, bác sĩ cũng sẽ tôn trọng quyết định cá nhân của cháu.”

Tôi không nghe rõ bà ấy nói gì, cũng nhìn vào ngón tay mình, cảm thấy hình như thiếu đi cái gì đó. Đến khi nhận ra là thiếu gì, tôi liền đứng bật dậy, lao nhanh ra cửa. Bác sĩ ở phía sau bị dọa chết khiếp, chỉ biết vội vàng gọi với theo: “Cẩn thận!”

Nhẫn của tôi… không thấy đâu.

Tối qua trước khi đi ngủ, tôi còn thấy nó. Tôi nhớ rõ nó ở trên ngón áp út bàn tay trái, tôi còn vuốt ve nó khi đi ngủ. Nhưng tại sao bây giờ lại không thấy đâu? Đáng chết nhất là tôi còn không nghĩ ra tôi có thể làm rơi nó ở đâu. Ở trên đường, hay ở trên xe? Tôi càng nghĩ càng tuyệt vọng, ngồi bên lề đường bật khóc.

“Chị ngồi đây làm gì?” Vẫn là Trình Dặc Triết không yên tâm để tôi một mình đến bệnh viện, thấy tôi chạy từ bệnh viện ra lại lảo đảo ngồi xuống vệ đường, liền chạy lại hỏi: “Sao thế?”

“Chị có thai rồi…”

“Ồ! Thật sao?”

“Em có nhìn thấy nhẫn của chị không? Chị không thấy đâu nữa, tối qua còn trông thấy nó, vừa rồi phát hiện nó không còn nữa.” Vật đó đã ở trên ngón tay tôi một thời gian dài, cả khi đi tắm tôi cũng không tháo ra, dần dần dường như đã quên mất sự tồn tại của nó. Nhưng kể từ khi đến đây, tôi bắt đầu coi nó như một niềm an ủi, ngày nào cũng phải nhìn nó. Bây giờ nó đột nhiên biến mất, tôi mới hiểu nó quan trọng như thế nào với mình. “Em giúp chị tìm được không, giúp chị tìm…”

“Nhẫn? Có phải cái này không?” Trình Dặc Triết xòe bàn tay ra, bên trong đó là một chiếc nhẫn vô cùng bình thường. “Em nhìn thấy nó trên giường chị.”

Tôi giống như giật lại nó từ lòng bàn tay của cậu ta, cầm thật chặt, để nó lằn sâu một vòng trong lòng bàn tay. “Cảm ơn em… cảm ơn! Đây là thứ duy nhất Thiệu Khải để lại cho chị, là thứ anh ấy cho chị…”

“Đứa bé này không phải cũng vậy sao?”

Một sợi dây thần kinh nào đó của tôi bị câu nói ngẫu nhiên đó của cậu ta chạm phải, tôi quên cả khóc.

“Chị muốn ở một mình một lát. Em có thể tự đi chơi, không cần để ý đến chị.” Tôi nói với Trình Dặc Triết. “Chị nhớ nhà nghỉ, chiều tối sẽ về đó.”

“Vậy em đưa chị cái này. Nếu em về nhà nghỉ mà chị vẫn chưa về thì em sẽ gọi điện đến số này.” Cậu ta đưa điện thoại cho tôi. Rất lâu trước đây, cậu ta đã dùng giọng điệu ngạc nhiên tột độ hỏi tôi: “Mấy người rốt cuộc có phải người trái đất không, điện thoại di động cũng không dùng.” Lúc đó tôi đã trả lời thế nào nhỉ, hình như tôi chỉ cười cười.

Tại sao lại không trả lời cậu ta? Chính bởi vì tôi thấy chúng tôi căn bản sẽ không tách xa nhau.

Tôi không đi quá xa, chỉ tìm một cửa hàng nhỏ yên tĩnh, mua một cốc nước rồi ngồi đờ đẫn một chỗ. Từ lúc biết trong bụng mang một hình hài bé bỏng, ngay cả đi bộ tôi cũng bắt đầu có ý thức cẩn thận hơn. Tôi thậm chí còn muốn quay trở lại hỏi bác sĩ xem mấy ngày gần đây tôi uống thuốc chống say, liệu có ảnh hưởng gì tới thai nhi không. Tôi biết, tôi không hề có ý muốn bỏ nó, tôi yêu nó hơn bất cứ ai khác.

Có điều con của tôi dường như di truyền tính cách tinh quái của bố nó. Cứ lúc tôi và bố nó rời xa nhau thì lại báo cho tôi biết về sự tồn tại của nó. Ha ha, thế thì có quan hệ gì, mẹ vẫn là mẹ, bố vẫn là bố.

Điều tôi lo lắng chỉ là rốt cuộc tôi có tư cách làm mẹ hay không? Tôi có thể khiến con mình lớn lên khỏe mạnh vui vẻ hay không? Tôi có thể khiến con mình lớn lên khỏe mạnh vui vẻ hay không? Tôi là đứa trẻ không có mẹ, tôi không biết một người mẹ phải đối xử với con của mình như thế nào. Khi đứa trẻ nghịch ngợm phải dạy dỗ thế nào, khi đứa trẻ tủi thân phải an ủi thế nào, khi đứa trẻ bị bệnh phải chăm sóc thế nào? Cuộc đời tôi không phải là một tấm gương tốt. Tôi rất sợ tôi không có thứ gì để tặng lại cho con chúng tôi. Tôi nằm bò trên bàn đón ánh mặt trời buổi trưa, càng nghĩ càng thấy sợ.

Sau đó tôi nghĩ đến Thiệu Khải. Mấy ngày nay, không ngày nào tôi không nhớ anh. Lúc ăn cơm thì nghĩ xem anh có ăn cơm không. Nếu bây giờ anh ở cạnh tôi, anh biết tôi có thai rồi thì sẽ phản ứng thế nào? Anh nhất định sẽ vui mừng tới mức ôm tôi lên xoay một vòng, rồi ra lệnh cho tôi không được làm bất cứ việc gì, cứ ngoan ngoãn ở yên là được. Lần sảy thai trước của tôi là một vết sẹo trong lòng anh. Bây giờ nếu biết tôi lại có thai, anh sẽ vui mừng thế nào đây? Sau đó, sau đó tôi có thể nói ra nỗi lo của tôi, nói xong hẳn là anh nhất định sẽ véo mũi tôi nói: “Vợ ngốc không được nghĩ linh tinh.”

Con, nhất định bây giờ con rất muốn gặp bố đúng không? Mẹ… cũng rất muốn.

Khi tôi trở về nhà nghỉ, Trình Dặc Triết vẫn chưa về. Cậu ta đi du lịch luôn luôn rất chuyên tâm. Tôi dựa lưng vào giường, tháo nhẫn ở tay ra ngắm chăm chú, kết luận là bởi vì tôi gầy đi nên nhẫn mới bị rơi ra. Nghĩ đến đây tôi lại ra ngoài mua rất nhiều đồ ăn.

Tôi nghĩ, có lẽ không lâu sau tôi sẽ sợ ăn, giống như lúc mẹ mang bầu tôi, vì vậy lúc này tôi phải ăn càng nhiều càng tốt.

Tối hôm đó, Trình Dặc Triết tìm tôi nói chuyện. Nhìn tôi làm tổ trên giường mà ăn uống, cậu ta cười nói: “Từ khi quen chị đến giờ chưa bao giờ thấy chị vui vẻ ăn uống như lúc này.”

“Chị vui vẻ sao?”

Vẻ mặt cậu ta dửng dưng hết mức, như kiểu muốn nói: chị đã biết rồi còn hỏi.

Tôi đem tất cả mọi suy nghĩ lúc chiều kể cho cậu ta nghe. Trong suốt thời gian ở cùng nhau, chưa từng có một khắc nào tôi coi cậu ta là trẻ con. Nhiều lúc, cậu ta có thể sắc bén thức tỉnh tôi. Nhưng lần này khi tôi nói xong một hơi dài, nửa ngày sau cậu ta mới nói một câu. Câu đó lại làm tôi mắt đỏ hoe.

Khúc Thành! Khúc Thành! Khúc Thành! Em chắc chắn đúng lúc đó em nghe thấy anh nói rằng: “Về đi! Về với anh ấy đi!”

Trong tim tôi nổi lên một trận cuồng phong, sau khi mặt đất rung lắc dữ dội, tất cả mọi thứ đều trở nên mới mẻ. Thế giới mới mẻ, trời, biển, đất, và cả con người.

Tôi đi cùng Trình Dặc Triết tới khi cậu ta kết thúc hành trình du lịch, tám ngày tất cả. Sau đó, chúng tôi chia tay nhau ở nhà ga. Cậu ta nói mình vẫn còn đủ tiền, muốn nhân cơ hội này sang thành phố bên cạnh chơi thêm hai ngày nữa. Tôi chỉ có thể nói với cậu ta hãy chú ý an toàn. Tôi nhìn cậu ta lên xe, sau đó vẫy tay tạm biệt.

Tôi tin chắc thằng nhóc này sẽ có một tương lai tốt đẹp. Cậu ta khỏe mạnh, thông minh, tràn đầy sức sống, có ước mơ. Gặp tôi chỉ là một nốt nhạc thêm vào trong giai điệu cuộc đời của cậu ta, không gây ra bất cứ trở ngại nào. Như vậy là tốt rồi.

Còn tôi, từ đây, sẽ về nhà.

Về An Thành. Về ngôi nhà đầu tiên của tôi.

Khi bến tàu hiện ra trước mặt, tôi nhắm chặt mắt nói với đứa bé trong bụng: “Có con đi cùng mẹ, mẹ không sợ bất kỳ điều gì.”

Sau quãng thời gian xa cách lâu như vậy, cuối cùng tôi cũng quyết định đặt chân trở lại mảnh đất này. Có được dũng khí như vậy có lẽ bởi vì tôi đã không còn là tôi của trước kia nữa.

Bố, đợi con trở về.

Khúc Thành, đã lâu không gặp.

Trở lại An Thành cũng là lúc tôi đã rời xa Thiệu Khải tròn mười ngày. Thời gian quả thật trôi rất nhanh. Nhưng An Thành vẫn vậy, không hề thay đổi. Ga tàu, cầu vượt, đường phố, bao gồm cả màu sắc của xe taxi vẫn là dáng vẻ trước đây. Nó khiến tôi cảm thấy hình như thời gian đã bỏ qua nơi này. Tôi giống như buổi sáng khoác ba lô đi khỏi, buổi tối quay lại mà thôi.

Nhưng vẫn có điểm không giống, mà điểm không giống lớn nhất là cảm giác mới mẻ ở tôi. Trước kia, tôi đã ghét vẻ đơn điệu của An Thành, ghét vẻ chậm chạp của nó, ghét những con đường không đủ bằng phẳng, ghét những cửa hiệu nho nhỏ ở khắp nơi. Nhưng bây giờ tôi lại thấy tất cả đều rất đẹp, tôi còn muốn tìm ngay một cửa hàng sạch sẽ để ăn cái gì đó.

Sau khi tìm được một cửa hàng và ăn xong thì trời đã tối. Tôi nghĩ một lúc rồi quyết định tìm nhà nghỉ để ngủ một đêm, tuy tôi đang ở gần ngay nhà, nhưng tôi cần thời gian chuẩn bị một chút. Hơn nữa, phải ngồi tàu hỏa lâu như vậy, em bé nhất định đang rất mệt. Ngày hôm sau, khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Đây có lẽ là giấc ngủ ngon mà rất lâu rồi tôi mới có. Lúc tỉnh dậy tôi vẫn có cảm giác buồn nôn. Tôi nắm chặt vào bồn rửa mặt, cố chịu đựng một lúc, sau đó nhanh chóng đánh răng rửa mặt rồi đi vào phòng. Tôi đi đến trường cấp hai trước. Khi đến cổng trường, học sinh đang tập thể dục. Tôi đặt tay lên cổng nhìn bộ dạng lười biếng không muốn nhấc tay lên của chúng, cảm thấy vô cùng buồn cười. Những đứa trẻ mười mấy tuổi cùng mặc đồng phục giống nhau, nhìn chúng thật nhỏ bé. Thì ra con người cứ nghĩ đã trưởng thành là tôi đây khi đứng trước mặt người lớn cũng sẽ trẻ con như thế này, cũng trẻ con đến mức liếc qua đã nhận ra. Điểm dừng chân tiếp theo là trường nghề cũ của tôi và trường cấp ba của Khúc Thành. Cửa hàng ăn mà chúng tôi vẫn thường đến không biết đã đổi chủ từ lúc nào, biển hiệu và chữ trên đó đều rất mới, là kiểu thịnh hành bây giờ. Có lẽ là để thu hút học sinh. Tôi cười cười, vẻ xúc động khi bước vào đã biến mất. Cuối cùng, tôi đứng ở đối diện công viên năm nào.

Lúc đầu, tôi còn không dám chắc mình có dũng khí đến đó không, nên cố gắng sang đường ở nơi cách đó rất xa rồi đứng ở bên kia đường. Nhưng đi chưa được bao lâu, tôi liền phát hiện ra bên trong đã không còn thứ làm tôi sợ. Nơi vốn là công viên bây giờ là công trường xây dựng, đất được xới lên, đắp thành từng đống lớn. Trên cổng treo một tấm biển to: Đường tàu điện ngầm số 3. Những ký ức tốt đẹp nhất cũng như đáng sợ nhất của tôi đều bị chôn vùi xuống. Không lâu nữa, nó sẽ trở thành trạm tàu điện ngầm mà rất nhiều người phải đi qua. Cứ cho là những người trước kia tận mắt nhìn thấy một chàng thanh niên choáng váng ngã vật ra đất và một cô gái ngồi cạnh khóc lóc có đi qua nơi này chăng nữa, chưa chắc họ đã nhớ lại chuyện năm xưa.

Nhưng tôi vẫn có thể nhớ ra đó là vị trí nào. Tôi đứng bên kia đường nhìn chăm chăm vào nơi tôi không trông thấy, quyết định sau khi tàu điện ngầm đi vào hoạt động sẽ lại đến một lần nữa.

Vào ba giờ năm mươi phút buổi chiều, tôi đứng bên đường vẫy một chiếc taxi. Tôi chỉ đường cho lái xe đi, bởi tôi không nhớ nơi đó có tên là gì. Lái xe nhất định không biết rằng trước khi gọi xe của ông ta, tôi đã bỏ qua rất nhiều chiếc xe khác. Tôi đã đứng bên đường do dự hai mươi phút, cuối cùng mới quyết định giơ tay vẫy xe. Đi thẳng, rẽ trái, đi thẳng, rẽ phải, đi thẳng, đỗ lại bên đường. Cảm ơn trời đất, ngôi nhà trước kia vẫn ở nguyên chỗ cũ, không khác gì, nhưng ben trong còn có người ở không?

Tôi đứng dưới nhà, lại do dự thêm mười phút, cuối cùng lấy hết dũng khí đi vào bên trong, ấn chuông - chuông cửa nhà Khúc Thành.

Tôi luôn nhớ lần đầu tiên Khúc Thành đem cô gái bị thương là tôi về nhà cũng chính là trong hoàn cảnh này. Anh quyết đoán bấm chuông cửa, không cho phép tôi bỏ chạy. Nếu như không có lần đó, có lẽ chúng tôi đã không quen nhau nhanh nhưng thế. Vào lúc tôi vẫn chìm trong ký ức, cửa bật mở. Tôi lặng lẽ nhìn người phụ nữ trung tuổi vừa quen vừa lạ trước mặt. Tóc bà đã bạc đi một nửa, rõ ràng đã già hơn trước rất nhiều. Nhưng bà vẫn là người mẹ đẹp nhất mà tôi từng gặp.

“Cháu… “ Bà nhận ra tôi ngay cái nhìn đầu tiên. Tôi có thể nhìn ra tâm tình phức tạp hiện lên trong mắt bà, bởi bà mở miệng nhưng không thể thốt ra lời nào.

“Cô, xin lỗi, cháu về muộn quá!”

“Cháu đừng như vậy, vào nhà trước đã.” Tôi đột ngột quỳ xuống, khiến bà đang hết sức ngạc nhiên chợt bừng tỉnh. Bà lấy hết sức kéo tôi dậy. “Cháu à, cháu đứng dậy đi, cô không cần cháu làm thế này.”

“Cô, đây là việc cháu phải làm, cô hãy để cháu hoàn tất nó.” Lúc này, nghe thấy tiếng nói chuyện, bố Khúc Thành cũng đi tới nơi, nhìn thấy tôi đang quỳ trước cửa nhà mà kinh ngạc há hốc miệng. Tôi chầm chậm cúi dập đầu. “Cô chú, xin lồi!”



“Con bé này, đứng dậy đi, vào nhà nào!” Bố Khúc Thành bình tĩnh nói.

Sau khi Khúc Thành ra đi, tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày nào đó mình lại đứng trong căn nhà này, đối diện với hai con người này. Nhưng bây giờ, tôi đã thực sự lựa chọn làm như vậy, và phát hiện ra nó không khó khăn chút nào. Trước khi đến đây, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị đánh, nhưng không ngờ mẹ Khúc Thành lại cho tôi vào nhà ngồi, còn rót nước cho tôi.

Một lúc lâu mà hai bên đều không biết phải mở lời thế nào. Tôi căn bản không dám yêu cầu họ tha thứ cho tôi. Tôi ngẩng lên, nhìn thấy ảnh Khúc Thành ở trên tường và trên bàn, nhưng kỳ lạ ở chỗ trái tim tôi lại không mất kiềm chế như trong tưởng tượng.

“Mấy năm nay cháu sống tốt không?” Mẹ Khúc Thành mở miệng hỏi câu đó, tôi thậm chí không dám tin, đến tận khi bà lặp lại lần nữa. “Cháu sống ở đâu? Có tốt không?”

“Cô không trách cháu chứ…”

Bà cúi gằm xuống, cắn môi dưới, vừa cười vừa lắc đầu, nhưng trong mắt vẫn xuất hiện những tia máu đỏ. “Nếu nói trách thì đúng là lúc đầu thật sự có trách. Lúc đó ở bệnh viện, cô hận không thể mang cháu đi đền mạng cho con trai cô. Đặc biệt sau này, cháu lại còn không xuất hiện trong tang lễ của nó. Nhưng đến khi ngôi nhà này chỉ còn lại cô và bố Khúc Thành, cô bình tĩnh lại mới phát hiện ra rằng không thể trách cháu. Cô hiểu rõ sức khỏe con trai mình. Ngày đó chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Haizz, nói thẳng ra, ai lại không có ngày đó. Chỉ có điều ngày đó của nó lại đến sớm quá… Nó nỡ để cô và bố nó phải sống cô quạnh nhiều năm như vậy…” Đến cuối cùng, bà không thể nói tiếp được nữa mà bật khóc thành tiếng.

Nước mắt tôi cũng lăn dài khi nghe bà nói được một nửa. Bàn tay tôi cứng ngắc đưa ra định nắm tay bà, nhưng lại dừng ở giữa không trung, không biết phải hạ xuống thế nào.

“Được rồi, được rồi, đã nhiều năm như vậy, em còn nói chuyện này ra làm gì.” Bố Khúc Thành ngồi gần lại vỗ vỗ lưng vợ. Tôi phát hiện ra ông cũng lén quay mặt đi lau nước mắt. “Những năm này, em không ngừng nhắc tới con bé. Cuối cùng nó cũng trở về rồi. Cứ nói chuyện cho thật nhiều vào.” Nói xong ông quay sang tôi, nói một cách rành mạch: “Thực ra mấy năm nay, chúng ta rất lo cho cháu.”

“Sau này cô hỏi ra địa chỉ nhà cháu, đi tìm cháu.” Mẹ Khúc Thành nén tiếng khóc, ngẩng mặt lên từ lòng bàn tay. “Nhưng bố cháu nói cháu đã bỏ đi mất. Ông ấy cho cô xem tờ giấy cháu để lại, lúc đó cô đã bị dọa cho chết khiếp. Mấy năm nay lúc nào cô cũng ngủ không ngon, nửa đêm còn hốt hoảng tỉnh dậy. Cô lo cháu xảy ra chuyện. Những lúc không ngủ được cô thường nghĩ, lúc ở bệnh viện cháu đã có bộ dạng đấy, ngộ nhỡ cháu nghĩ quẩn thì làm thế nào? Sau khi chết cô còn mặt mũi nào nhìn con trai nữa…”

“Cô ơi, cô đừng nói nữa, cháu chưa từng oán trách cô.” Tôi không kiềm chế được nữa, quỳ xuống trước gối bà. Tôi nhìn thấy nước mắt mình rơi từng giọt xuống bàn tay đầy nếp nhăn của bà. Bà khẽ run lên rồi đưa tay lau nước mắt cho tôi. “Được rồi, chúng ta đều không khóc nữa, không khóc nữa. Cháu nói cô nghe những năm này rốt cuộc cháu đã đi đâu, sống như thế nào?”

Tôi kể cho bố mẹ Khúc Thành tất cả mọi chuyện ở Ly Thành. Tôi kể hết mọi chuyện mà tôi còn nhớ được, tôi kể về Thiệu Khải, cuối cùng cũng kể về đứa con trong bụng mình. Khi bà nghe tôi nói tôi đã có thai liền lập tức trách tôi không chịu chăm lo cho mình, đã mang bầu sao vừa nãy lại còn quỳ dưới đất lạnh như vậy. “Nghe cháu kể, cô yên tâm rồi… yên tâm rồi!” Bà kéo tay tôi, vỗ nhẹ. “Thực ra cô luôn sợ cháu… Haizz, cuối cùng cũng coi như cô đã an lòng rồi.”

Tôi biết rõ những điều bà muốn nói. Điều bà lo lắng nhất cũng chính là kết cục mà tôi luôn luôn cho rằng mình đáng phải nhận, đó chính là mất đi khả năng yêu thương người khác.

“Cháu… có muốn nói chuyện với nó không?” Có lẽ lo sợ không khí lại trở nên yên tĩnh, bố Khúc Thành dò hỏi tôi. Tôi ngẩng lên, nhìn bức ảnh đen trắng treo trên tường. Mười sáu tuổi. Gương mặt Khúc Thành.

Bố mẹ Khúc Thành cùng nhau vào phòng, để tôi một mình ngồi đối diện với di ảnh Khúc Thành. Tôi đứng rất gần anh, chỉ cần giơ tay là có thể chạm vào gương mặt anh. Tôi luôn nhớ rất rõ tướng mạo của anh, vì vậy tôi mới không thể kiềm chế bản thân khi lần đầu nhìn thấy Trình Dặc Triết. Nhưng tôi đã quên, người giống Trình Dặc Triết có lẽ chỉ là Khúc Thành khi mười sáu tuổi đang ở trước mặt tôi lúc này, Khúc Thành trong tim tôi cũng chỉ dừng lại ở tuổi mười tám, anh sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng chính tôi lại thay đổi.

“Em về rồi!” Tôi nhìn gương mặt trẻ trung của anh, nhưng lại không ảo tưởng xem tôi đang là tôi của hiện tại hay là tôi của trước kia. “Anh xem, anh vẫn còn trẻ thế này, mà em thì .già mất rồi.”

“Em nên về thăm anh sớm hơn. Xin lỗi, lúc đó em đã bỏ trốn, không đi tìm anh. Anh có trách em không?”

“Anh sẽ không trách em đâu, em biết. Đúng rồi, em phải nói cho anh biết một việc, em sắp làm mẹ rồi. Đợi khi bảo bối được sinh ra, em sẽ đưa nó đến gặp anh.”

“Khúc Thành, nếu như thật sự có kiếp sau, nếu như thật sự có kiếp sau, chúng ta sẽ gặp lại nhé! Được không?”

Đầu ngón tay khẽ chạm vào gò má và mắt anh trong khung ảnh, nhưng tất cả chỉ là cảm giác lạnh lẽo của tấm kính. Cuối cùng tôi cũng có thể tự nói với mình rằng, anh sẽ không quay trở lại nữa, nhưng bất giác lại cảm thấy chiếc động không đáy trong tim bắt đầu được lấp đấy từng chút một. Hoặc giả, một Trần Mộng mười tám tuổi đã bị tôi phong kín ở nơi sâu nhất trong tim. Cô ta sống ở một ngăn có tên gọi dĩ vãng mà ai cũng có, cùng trải qua những năm tháng thanh xuân tươi đẹp với Khúc Thành mười tám tuổi.

Còn tôi hiện tại, là một người vợ, người mẹ và cả người con đang cần phải kiên cường hơn.

Lúc cáo từ ra về, bố mẹ Khúc Thành cứ giữ tôi lại ăn cơm tối, nhưng tôi thấy mình phải trở về thăm Trần Niên. Tôi sống ở bên ngoài lâu như vậy, bây giờ không có lý do gì không về nhà. “Cô, chú, nếu như cháu kết hôn, hai người có đến dự không?” Tôi đứng ngoài cửa, dè dặt hỏi.

“Chúng ta sẽ đi, đương nhiên chúng ta sẽ đi!” Mẹ Khúc Thành một lần nữa nắm lấy tay tôi. “Thực ra lúc đó, cô gần như đã coi cháu là một thành viên trong gia đình rồi…”

“Cô, thực chất cháu luôn có một ước nguyện, đó là có thể gọi cô một tiếng mẹ. Cháu không dám nói đến chuyện báo đáp hay bù đắp. Nếu cô và chú không chê, đợi sau khi cháu sinh con xong, có thể nhận cô chú làm ông bà ngoại cho đứa bé không?”

“Được, rất tốt, đúng không?” Mẹ Khúc Thành vui vẻ kéo tay bố Khúc Thành nói. “Đợi khi đứa trẻ được sinh ra, nhớ bế nó về cho chúng ta xem.”

Cuối cùng, tôi lấy máy nghe CD của Khúc Thành từ trong ba lô ra. “Cái này là của Khúc Thành. Lúc đó cháu tự ý giữ lấy nó. Bây giờ, là lúc nên trả lại.”

Lúc rời khỏi nhà Khúc Thành, trời đã sẩm tối. Tôi bước vài bước lên phía trước, lại quay đầu nhìn khung cửa sổ có ánh đèn màu vàng kia. Tôi giơ tay, vẫy vẫy trên không trung.

Tạm biệt nhé! Tạm biệt!

Lúc đứng trước cửa nhà thì trời đã tối đen. Tôi gõ cửa mấy tiếng, chỉ sợ Trần Niên không có ở đó. Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân từ xa tiến đến gần, ánh đèn trong phòng từng chút từng chút chiếu sáng khuôn mặt tôi.

“Bố, con về rồi!”

Cách bài trí trong nhà giống hệt như lúc tôi rời đi. Tôi nhìn căn phòng của mình, ga giường và bệ cửa sổ đều sạch sẽ. Cứ nghĩ đến việc Trần Niên giúp tôi lau dọn phòng khi tôi không có ở đây, tô bất giác cảm thấy nhói đau trong tim. Tại sao trước kia tôi không có cảm giác này? Tôi của trước kia luôn coi sự bao dung nhường nhịn của Trần Niên với mình là lẽ đương nhiên, nhưng nghĩ kỹ ra, trước khi Khúc Thành và Thiệu Khải xuất hiện, chỉ có Trần Niên là cho tôi tình yêu và sự an tâm. Hơn nữa, tôi biết, tình yêu của ông vẫn giống trước đây, chưa bao giờ thay đổi. Giống như đồ ăn thức uống đang bày trước mặt tôi bây giờ, tất cả đều là thứ tôi thích ăn, cũng là thứ đã nhiều năm nay chưa được ăn.

Tôi gắp một miếng đưa lên miệng. Cảm giác quen thuộc khiến cổ họng tôi nghẹn lại, theo đó là cảm giác buồn nôn. Tôi chạy vào nhà vệ sinh nôn, sau đó nói với Trần Niên đang lo lắng bên ngoài: “Bố không sao đâu, con đang mang thai.”

Tôi nhìn thấy một tia sáng ánh lên trong đôi mắt già nua kia, càng ngày càng sáng, giống như quá trình một ngôi sao hiện ra trên nền trời đen thẫm.

“Bố, có một vấn đề con luôn muốn hỏi. Bố ngồi trước đi, con rửa bát nhanh thôi.” Sau khi ăn cơm xong, tôi ngăn Trần Niên đang định đi rửa bát lại. Những việc này từ giờ trở đi có thể giao cho tôi làm được rồi.

Đợi tôi rửa xong bát đũa quay trở lại phòng khách, Trần Niên đã cất lời trước: “Muốn hỏi gì thì hỏi đi.”

“Bố, sau khi mẹ ra đi, bố có buồn không?”

“Đương nhiên rất buồn.”

“Bố mất bao lâu mới có thể thoát khỏi nỗi buồn đó?”

Ông cúi đầu cười, những nếp nhăn ở khóe mắt càng thêm sâu hơn. “Thực ra vào lúc con hỏi câu đó, bố vẫn có chút buồn.”

“Đây có phải là lý do bố không đi bước nữa?”

“Không phải!” Ông lập tức phủ nhận chắc như đinh đóng cột. “Lý do chính là con. Mộng Mộng, từ nhỏ con đã là một đứa trẻ có trái tim yếu đuối hơn bất kỳ ai. Muốn con chấp nhận một người khác thật sự rất dễ dàng. Nhưng con cũng lại nhạy cảm hơn bất cứ ai, một việc nhỏ nhặt cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều lần trong suy nghĩ của con. Mẹ con sinh con ra lại không kịp nhìn con một lần, dạy dỗ con. Người bố như ta có những điều cũng không biết có nên nói ra hay không, vì vậy đã khiến con cảm thấy như mình đã lớn lên một cách cô độc. Cái con cần không chỉ là chút tình yêu, mà phải là cả một suối nguồn tình yêu. Nhưng bố lại không có cách nào bảo đảm có người nào đó sẽ luôn coi con của người khác như chính con đẻ của mình hay không.”

Tôi trầm lặng cúi xuống nhìn bàn tay đang vô thức đặt lên bụng của mình, không biết nên nói gì. Dường như từ thời khắc sinh mệnh nhỏ bé này đến với thân thể tôi, tôi đột nhiên hiểu ra rất nhiều điều mà trước giờ mình luôn luôn không thể nhìn thấu. Ví như sự trả giá, hóa ra trên thế gian này không phải chỉ có duy nhất một cách trả giá như cái cách móc ruột móc gan phơi bày ra cho cả thế giới chứng kiến.

Thấy tôi không nói gì, Trần Niên uống một ngụm nước rồi tiếp tục: “Mộng Mộng, bố biết con muốn hỏi gì. Có phải con muốn hỏi rốt cuộc phải làm thế nào mới có thể từ bỏ một cách triệt để đúng không?”

Tôi gật đầu.

“Kỳ thực sau khi biết cậu thanh niên kia đã ra đi, bố cũng rất thương xót. Một đứa trẻ tốt như thế, cuộc sống còn chưa kịp bắt đầu đã kết thúc. Vì vậy lúc đó bố đã không ngăn cản bất cứ lựa chọn nào của con. Con lựa chọn không đi đến trường báo danh, lựa chọn không về nhà, tuy bố có lo lắng nhưng bố không có cách nào ép con. Bởi vì bố biết giả dụ lúc đó bố ép con phải đi làm việc khác thì con sẽ thật sự tuyệt vọng đối với thế giới này. Nhưng điều bố không ngờ tới là cuối cùng con lại lựa chọn bỏ đi. Bố đã mấy lần chạy đến trước cửa đồn cảnh sát rồi lại quay về. Bố luôn nghĩ ràng một ngày nào đó con sẽ trở lại.”

“Thực ra bây giờ nghĩ lại con cũng không hiểu mình đã trải qua quãng thời gian đó như thế nào. Cảm ơn Thiệu Khải, may mắn vì đã có anh ấy ở bên cạnh con. Bố, con đã gặp được một người tốt, là anh ấy đã khiến con sống lại.”

“Bố cũng phải cảm ơn cậu ấy…” Nói đến đây, tâm trạng Trần Niên dường như có chút xúc động. Ông giơ tay ra định đặt lên bàn tay tôi, nhưng nửa chừng lại cứng đờ dừng lại, giống hệt như động tác của tôi với mẹ Khúc Thành. Tôi nhìn ông, người cha chưa từng được hưởng chút tình cảm nào từ con gái, sự cẩn thận của ông lúc nào cũng làm trái tim tôi đau đớn. Lần đầu tiên tôi chủ động đưa tay ra nắm lấy bàn tay đầy nếp nhăn của ông. Giọng ông run run: “Cảm ơn cậu ấy đã đưa con gái tôi trở về bên cạnh tôi một cách tốt đẹp như thế này.”

“Nhưng con đã làm đau trái tim anh ấy. Con vẫn lựa chọn bỏ anh ấy ở đó một mình. Bố, con không biết anh ấy có còn ở đó đợi con quay lại hay không?”

“Mộng Mộng, khi thật sự yêu một người nào đó thì trong mắt chúng ta sẽ chỉ có người đó. Chúng ta tự nhiên sẽ cho rằng cả đời này ngoại trừ người đó ra mình sẽ không thể yêu bất kỳ ai khác. Cậu ta là bầu trời, cậu ta là cả thế giới. Khi cậu ta rời đi, cả thế giới sẽ bị hủy hoại. Nhưng cuộc sống vốn tàn khốc, có gia đình viên mãn, có gia đình mà cả hai người cùng vun đắp hạnh phúc, nhưng không thể đạt được tỉ lệ một trăm phần trăm. Con hãy quan sát kỹ những người bên cạnh con, có mấy người được sống cả đời với người đầu tiên mà mình yêu. Tuy khó chấp nhận nhưng nó là sự thực. Mộng Mộng, là con đã sai, là con luôn muốn quên đi thứ tình cảm đã thực sự xảy ra này. Nhưng giả dụ các con đã thật sự yêu nhau thì sự mãnh liệt, sự tự tin đó làm sao có thể quên được? Thực chất chết không phải là mất đi tất cả, chỉ cần những người nhớ đến cậu ta vẫn còn sống, vẫn nhớ đến cậu ta, tức là cậu ta vẫn đang tồn tại. Con hiểu không?”

“Bố, vừa nãy con đến nhà Khúc Thành. Con đã cầu xin bố mẹ anh ấy tha thứ. Con không ngờ ràng họ thật sự tha thứ cho con. Từ lúc ra khỏi nhà Khúc Thành, con đã nghĩ rất nhiều. Lúc ở Ly Thành, con luôn cho rằng mình không có cách nào đối diện với Khúc Thành, mình không thể nhìn mặt anh ấy, nhưng lúc con thật sự đối diện với di ảnh cảu anh ấy, con mới phát hiện ra, con thực sự vẫn yêu anh ấy, nhưng chỉ là con của hồi mười mấy tuổi vẫn còn yêu anh ấy.”

“Điều con cần làm là nhớ tới cậu ta, nhớ tới những điểm tốt đẹp của cậu ta, rồi đem cậu ta cùng tình yêu của các con đặt vào một góc trong tim. Đây không phải hai lòng hai dạ, đây chỉ là sự thành thật và thẳng thắn. Con sẽ dần dần nhận thấy cậu ta giống như luôn ở bên cạnh con, cậu ta sẽ không can thiệp vào cuộc sống của con mà trái lại, sẽ làm con có thêm dũng khí để tiếp tục sống.”

Tôi nghĩ tôi hiểu những gì Trần Niên nói. Tôi nghĩ cuối cùng tôi đã hiểu một cách triệt để. Dù sao hình ảnh Khúc Thành vĩnh viễn không thể phai mờ trong tim tôi, vậy thì tại sao tôi lại không cố gắng nhớ tới anh, nhớ tới quãng thời gian chúng tôi bên nhau, tuy vẫn chưa trưởng thành nhưng đã dám khẳng định đó chính là tình yêu?

Thời gian sẽ che chở cho mỗi chúng ta.

“Bố, con sẽ ở nhà cùng bố vài ngày, sau đó con vẫn phải quay về Ly Thành. Con muốn đưa Thiệu Khải về.”

Khúc Thành, em thành tâm hy vọng sẽ có kiếp sau. Kiếp sau, em nhất định sẽ gặp lại anh, anh không được phép bỏ chạy giữa chừng nữa đấy. Còn kiếp này, em đã quyết định sẽ cùng Thiệu Khải và con của chúng em, sống tới hết kiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mộng Xưa Thành Cũ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook