Người Bình Xuyên

Chương 45: TƯ TỴ THỦ TRẠI BỊ BẮT SỐNG LÂM NGỌC ĐƯỜNG THỌ NẠN THẢM THƯƠNG

Nguyên Hùng

10/07/2014

Ngay khi Bảy Viễn rời Rừng Sác xuống Đồng Tháp Mười, bí thư phân khu Duyên Hải Nguyễn Đức Huy được điện của bí thư Khu 7 Hai Trí tiến hành tảo thanh, tóm bắt bọn tay sai của Bảy Viễn tại Chi đội 9, 21 và 25. Trung đoàn 300 và các Chi đội 2, 3, 7 được lệnh yểm trợ cuộc thanh trừng này. Nguyên tắc hành động là ban thanh trừng ở chi đội nào lo tóm bắt các tay phản động trong chi đội mình.

Từ lâu Tám Tâm đã "ghi sổ lòng" những tên "ác ôn" trong Chi đội 9 và những "chính khách xôi thịt" thường lui tới Bảy Viễn như Lâm Ngọc Đường, Môrit Thiên, giáo sư Lê Văn Hanh… Khi được lệnh, Tám Tâm cho họp các đơn vị lại diễn thuyết động viên anh em tiếp tay bắt cho kỳ được, không để sót một tên nào. Mục tiêu số một của anh là tên Lâm Ngọc Đường. Tên này nhanh chân chạy trốn, nhưng vẫn còn kẹt trong Rừng Sác. Tám Tâm huy động các ghe củi, nhờ đồng bào bắt cho được tên "Tây lai to cao, râu rậm, ăn mặc sang trọng"…

Tại Chi đội 25, mục tiêu số một của Lưu Quý Thoái là chi đội trưởng Tư Tỵ, tay chân thân tín của Bảy Viễn, có nhiệm vụ chăm sóc "sơn trại"…

Lệnh thanh trừng ban ra vào 4 giờ ngày 28-5 nhưng ngày 27 Tám Tâm đã nhận được tin Tư Tỵ đưa vợ con mới sinh về Sài Gòn. Tám Tâm hỏi ý kiến Lưu Quý Thoái:

- Trạm gác ở Tắt Cây Mắm thuộc đại đội nào?

- Đại đội của tao. - Lưu Quý Thoái đáp, giọng miên Trung nằng nặng…

- Đại đội mày có dám bắt Tư Tỵ?

- Đại đội này thường liên quân với Chi đội 25 của Tư Tỵ, tao sợ anh em không dám bắt hết.

- Vậy thì mày rút đại đội của mày đi, để tao đưa đại đội của tao tới. Thằng Trần Công Đức của tao chì lắm. Ai nó cũng dám bắt hết.

Đại đội của Trần Công Đức được đưa tới Tắt Cây Mắm trong đêm ấy. Đến nửa đêm, Tư Tỵ đưa vợ về thành rồi trở về tổng hành dinh. Lính gác trên trạm hỏi: "Tảo phải không?", trên ghe đáp: "Thanh đây".

Trần Công Đức hoang mang: "Vậy là Tư Tỵ đã biết mật lệnh của ban thanh trừng rồi. Làm sao đây?". Anh bấm đèn pin rà theo tam bản, thấy Tư Tỵ ngồi trên đó "Phải ghe anh Tư Tỵ không?"

Tư Tỵ chửi ầm lên:



- Đ.m thằng nào dám kêu tên tao vậy?

Trần Công Đức dịu giọng:

- Xin lỗi anh Tỵ, em đây mà. Đại đội trưởng Trần Công Đức đây. Nãy giờ em canh anh về để đưa thư. Có thư gấp,và mật.

Tư Tỵ cho ghé lại, bước lên trạm. Lá thư chỉ có tờ giấy trắng, bỏ trong phong bì đề mấy chữ "Kính gửi Tư Tỵ". Phía trên có ghi thêm bằng mực đỏ "Mật và gấp".

Trần Công Đức bưng đèn con cóc cho Tư Tỵ xem. Bọn bảo vệ của Tư Tỵ muốn vô trong trạm nhưng lính gác không cho, giữ lại bên ngoài. Trong khi Tư Tỵ mở phong thư, Trần Công Đức nhanh tay tước súng sáu. Tám Tâm từ trong buồng nhảy ra hô to:

- Trói thằng này lại!

Tư tỵ bị bắt gọn bất ngờ. Hắn lồng lồn la hét:

- Tụi bây muốn đứt đầu hả? Tụi bây phản động hả?

Lưu Quý Thoái cũng từ trong buồng bước ra:

- Trung kiên hay phản động gì, sau này sẽ rõ.

Lúc Trần Công Đức tước súng Tư Tỵ thì lính bên ngoài cũng tước súng bọn vệ sĩ. Có tên chống cự bị đá văng xuống sông.

Sáng hôm sau Chi đội 25 nghe tin chủ tướng bị bắt toan nổi dậy, nhưng Tám Tâm đã cho mời đại diện cấp tiểu đoàn đến giải thích:



- Đây là thư của Tư Tỵ gởi cho các anh. Ông ta vẫn sống nhăn chứ có bị thủ tiêu đâu nào!

Bức thư ấy, đêm qua Tư Tỵ viết theo lệnh của Tám Tâm, nội dung như sau:

"Kính gởi ban chỉ huy Chi đội 25,

Tôi là Lâm Văn Đức, tức Tư Tỵ, xin cho ban chỉ huy biết là tôi vẫn bình yên và đang thảo luận với ban chỉ huy thanh trừng. Không ai động tới sợi lông chân của tôi được. Các anh hãy tin như thế.

Ký tên:

Lâm Văn Đức tức Tư Tỵ.

Tái bút:Ban chỉ huy Chi đội 25 phải nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh của tôi, cho tập hợp gấp toàn bộ Chi đội, đả thông cho anh em bình tĩnh. Trước khi trở về đơn vị, anh em phải gom vũ khí để ta chuyển đi nơi khác. Sẽ có người hướng dẫn các anh".Cuộc tảo thanh ở Chi đội 25 tiến hành không tốn một phát súng. Nhờ có mưu trí của Tám Tâm và lòng dũng cảm của Trần Công Đức.

° ° °

Tại Chi đội 21, hai anh Nghiệp và Dư kéo đại đội về bắt bọ phản động. Mục tiêu là Ký Huỳnh và Tư Hoạnh. Ký Huỳnh bị bắt gọn. Tư Hoạnh đi công tác, ai cũng nghĩ Tư Hoạnh số đỏ. Bất ngờ Tư Hoạnh nhận được điện của Xứ ủy, bảo ngừng cuộc tảo thành, vội vã về Rừng Sác, đinh ninh sẽ lập được kỳ công với Bảy Viễn. Về tới Phước An, ghé trạm gác thứ nhất. Ghe Tư Hoạnh võ trang FM cộng thêm hai tiểu đội hộ vệ. Theo kế hoạch của Tám Tâm, trạm gác 1 chỉ cho Tư Hoạnh và ba vệ sĩ vô, còn bao nhiêu ở lại trạm ngoài. Tại trạm 2, ba vệ sĩ bị giữ lại, Tư Hoạnh chỉ được chập nhận đi sâu vô "mình ên". Trạm gác thứ ba đã có Tám Tâm. Anh ra lệnh tước súng và trói Tư Hoạnh lại. Không ai thèm đọc bức điện mà Tư Hoạnh cắc ca cắc củm mang theo như lá bùa hộ mệnh.

Nhưng Tám Tâm vẫn chưa hài lòng khi Lâm Ngọc Đường vẫn còn ngoài vòng bủa lưới. Đã bảy ngày qua, họ Lâm sống lang thang trong rừng, ăn đọt chà là, uống nước sương đọng trên lá. Đến ngày thứ tám. Đường thấy hai người đi ghe củi, lật đật cởi chiếc Omega vàng, cả dây đồng hồ cũng bàng vàng trao cho họ, nhờ đưa về Sài Gòn. Sợ dân quê không hiểu giá trị của đồng hồ quý nhất thế giới ấy, Đường móc bóp đưa thêm năm chục ngàn đồng cho chắc ăn. Hắn yêu cầu khi trở ra, họ nhớ mang theo cơm nguội vì cả tuần hắn không có hột cơm… nhất là nước uống…

Hai người đi ghe củi này - vô phúc cho Lâm Ngọc Đường - lập tức về báo tin. Vậy là họ Lâm cùng chung số phận với hai chi đội trường 21 và 25.

Mục tiêu số hai của Tám Tâm là giáo sư Lê Văn Hanh, một trí thức thường lui tới Bảy Viễn. Chỉ huy phó ban tảo thanh đại đội trường Vũ Văn Hiệp bắt được Hanh nhưng thả khi Hanh trình giấy tờ của Trung tướng Nguyễn Bình. Tám Tâm lật đật cho người chạy theo bắt lại. Xem kỹ giấy giới thiệu, thấy đã quá hạn một năm rồi. Vậy là "quan tha ma bắt", Lê Văn Hanh nằm lại vĩnh viễn trong Rừng Sác, mang theo cả bí ẩn ý đồ lôi cuốn Bảy Viễn làm trò gì đó. Vở tuồng chưa kéo màn đã sớm vãn hát.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Người Bình Xuyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook