Nhân Duyên Của Chúng Ta

Chương 199: TỪ HÀ NỘI ĐẾN STOCKHOLM VÀ BẮC KINH

Bất Lực

10/10/2019

Hai mươi bảy tuổi, tôi trở về Hà Nội - nơi tôi sinh ra và lớn lên, có một công việc ổn định, mua được một căn hộ chung cư tặng ba mẹ.

Nhiều người bạn cấp hai của tôi đều nói, tôi rất may mắn. Tôi lặng lẽ mỉm cười, không nói gì.

Có thể, năm mười bảy tuổi đạt được học bổng đến Thụy Điển học tập là may mắn của tôi.

...

Mỗi sáng ở cổng trường, dù nắng hay mưa, đông hay hạ, các bạn chắc chắn sẽ thấy tôi đứng trong hàng ngũ 'những kẻ đi học muộn'. Chưa hết, sau khi tập thể dục bằng việc bị phạt nhổ cỏ trong khuôn viên trường đến hết tiết, tôi tiếp tục gây đau đầu cho bạn học và thầy cô vì đủ thứ tội lỗi có trên trời dưới biển. Hôm thì oánh lộn với người lớp bên, hôm thì gây sự cắn bạn cùng lớp, hôm thì quên không mang cặp sách đi học,...

Không phải ba mẹ không quan tâm đến tôi, mỗi lần phải đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm hay đi họp phụ huynh về, chắc chắn tôi sẽ được 'xơi' ít nhất vài cái roi.

Ở cái tuổi thanh niên bẻ gãy sừng trâu ấy, một trận đòn chẳng thể cản tôi hăm hở chạy theo đám con trai cùng xóm đi đá bóng, càng không ngăn nổi tôi 'ngựa quen đường cũ' táng cho đám ranh con xóm bên vài phát khi chúng nó dám 'láo' với tôi. Cứ như vậy, bốn năm cấp hai của tôi lướt qua nhanh như một cơn gió.

Kỳ thi tuyển sinh sắp đến, mặc cho người người ôn ngày cày đêm, tôi vắt tay lên trán ngủ đến mười một giờ trưa mới dậy. Tôi nghĩ, ngủ thêm mấy tiếng chẳng có gì phí phạm, có khi tinh thần sảng khoái, tôi còn làm bài thi tốt gấp mấy lần người khác ấy chứ.

Nhưng, thế mà tôi lại thi trượt... Trong khi đó, đứa kém cỏi nhất đội bóng cũng đỗ vào trường chuyên công lập nổi tiếng.

Kể từ sau khi nhận kết quả, chúng nó chẳng thèm chơi với tôi nữa. Vị trí đội trưởng vốn là của tôi bấy giờ liền thuộc về tay kẻ khác. Và... ba mẹ chẳng thèm đánh mắng tôi nữa.

Không có đồng bọn, không có người để ý đến, tôi giống như một kẻ vô danh, vô hình, sống một cách vô định. Với bọn họ, dường như không đáng để chấp vặt với một đứa vô giáo dục như tôi.

Tháng chín, ai ai đều nô nức bắt đầu năm học mới, mặc trên mình bộ áo đồng phục trắng tinh, nói cười vui vẻ.

Chỉ có tôi là khác biệt, đứng từ xa nhìn khung cảnh rộn ràng náo nhiệt ấy, dõi theo những người ngang hàng đồng lứa với mình được hoan nghênh chào đón nồng nhiệt.

Nếu cho tôi một cơ hội được quay lại thời điểm ngày khai giảng ấy, dù rất khó chịu khi chỉ được nhìn chứ không được cùng tham gia ngày Tựu trường đầu tiên trong cuộc đời học sinh trung học phổ thông, tôi nhất định vẫn sẽ chọn đến cổng trường ngắm bọn họ. Bởi vì, tôi đã gặp cậu.

Ở tuổi mười lăm, lần đầu tiên trong đời, tôi biết mình phải làm cái gì. Kỳ thực, nghĩ cũng thấy buồn cười, đôi khi 'mê trai' cũng tốt, như tôi đây này. Lỡ dại đắm say nhan sắc cậu học sinh áo trắng cao ráo, lỡ dại đắm say nụ cười tỏa nắng của cậu, lỡ dại đắm say cách mà cậu trở thành trung tâm của mọi đám đông...

Ái chà, tôi tựa vào gốc cây đối diện ngôi trường trung học phổ thông, ngẩn người mất một buổi sáng, tự hỏi làm thế nào mới gặp được cậu lần nữa đây. Dù sao thì... tôi đâu có thi đỗ đâu nhỉ, tiếc thật đấy!

- Cháu nhìn cái gì mà chăm chú thế? _ Một bác phụ huynh trung niên ngồi xuống vệ đường cạnh tôi, đưa mắt về phía cổng trường sơn xanh đã khép lại.

Tôi chép miệng:

- Có bạn đẹp trai quá, nhưng cháu ngắm chưa đủ...

- Cháu không phải học sinh trường này à?

- Tất nhiên là không ạ, cháu trượt rồi.

Nói xong, tôi quay sang quan sát người trò chuyện với mình. Đây là người đầu tiên sau ba tháng hè chịu nói chuyện với tôi.

Bác trai híp mắt cười:

- Trượt thì thi lại, hết học kỳ một có thể tuyển ngang hay năm sau thi lại vẫn được mà!

- Bác có tin cháu sẽ đỗ trường này không?



- Bác tin hay không tin chẳng có nghĩa lý gì với cháu. Quan trọng là cháu có tự tin và cố gắng hết sức hoàn thành mục tiêu của mình hay không mà thôi!

Tôi thở dài, im lặng suy nghĩ. Hóa ra trước đây cái tôi có không phải là 'tự tin' mà là 'tự kiêu'. Hơn nữa, kỳ thi vừa rồi tôi hoàn toàn không bỏ ra chút cố gắng và bất kỳ mục tiêu cụ thể nào.

Tôi ngồi đợi đến giữa trưa dưới ánh nắng có chút chói chang của tiết trời cuối hạ đầu thu, cánh cổng trường một lần nữa mở ra và học sinh thi nhau ùa khỏi trường như bầy ong vỡ tổ.

Nam sinh ban nãy nhanh chóng được định vị bằng cặp mắt diều hâu của tôi. Cậu ta đi giữa một nhóm năm sáu người, cười nói rôm rả. Bác trai ngồi cạnh tôi đứng dậy, phủi bụi trên quần, nghiêng người vẫy tay gọi tên con trai, mắt ánh lên niềm vui và hạnh phúc khôn xiết.

- Giới thiệu với cháu, đây là con trai bác!

Được rồi, xấu hổ lắm. Nhưng tôi phải thú nhận, tình huống của tôi hơi 'buồn cười'. Hóa ra, người tôi 'ngắm mãi không đủ' lại chính là con trai bác. Sau khi cậu băng qua đường, dẫn các bạn cùng lại đây, tôi phát hiện thêm, đồng bọn cũ của tôi hiện tại ở bên cậu không khác gì anh em chí cốt.

Chia tay hai ba con cậu, còn lại năm đứa đực rựa và tôi nhìn nhau khó xử. Ba tháng qua, chúng bơ đẹp tôi, nhất định không cho tôi chơi cùng.

- Này, dạy tao học lại từ đầu đi, tao muốn đi học với chúng mày! _ Tôi đề nghị.

Thằng đội trưởng mới lên chức trước đây hay chí chóe với tôi nhất lại là đứa đầu tiên mở lời nói chuyện với tôi trước:

- Mày lấy cái gì để đảm bảo không làm hỏng thanh danh của bọn tao? Dạy cho mày, nhưng mày có chắc sẽ không trượt thẳng cẳng không?

Tôi cứ tưởng gã sẽ nhẹ nhàng với tôi một chút, nhưng câu trả lời bốp chát hoàn toàn khiến tôi hóa đá.

Tôi ấp úng, mắt đảo láo liên không biết trả lời thế nào. Chẳng lẽ lại nói tôi vì mê trai mà quyết tâm thi trường chuyên?

- Tao... tao...

- Nói nhanh lên xem nào! _ Gã cắt ngang lời tôi, quát

Trong mấy giây giật mình mất kiểm soát, cái miệng đã thẳng thắn thốt ra tiếng lòng tôi:

- Crush tao đang học trường này!

Nói hết, tôi bụm miệng, thảng thốt nhìn sắc mặt bọn chúng. Trái lại so với tưởng tượng của tôi, chúng không cười vào mặt tôi, càng chẳng trêu tôi "Mày là con gái từ lúc nào thế?" mà khuôn mặt tỏ vẻ nghiêm trọng dần dãn ra.

- Mê trai có phải tội chết đâu mà mày sợ?

- Đúng đấy, nói thật với bọn tao thì mày sợ bọn tao tung tin khắp thành phố à?

Tôi cười gượng gạo, hỏi lại:

- Thế là... chúng mày nhận kèm tao học?

Thằng út sinh sau đẻ muộn mà tôi chê dốt nhất hội cười lộ hai cái răng khểnh:

- Ngoài bọn này ra, không ai chịu tiếp nhận mày đâu đấy! Khôn hồn thì học cho hẳn hoi!

Quãng thời gian nhanh nhất đối với học sinh là từ khi khai giảng tới lúc kiểm tra cuối kỳ và dài nhất là từ sau khi thi tới lúc nhận kết quả.

Một năm ròng rã, bất cứ khi nào rảnh, năm đứa chúng nó lại đè đầu tôi vào những trang sách ăm ắp chữ, những công thức giời ơi đất hỡi, những đoạn trích thi văn từ cổ chí kim...

Đến hè, trong lúc mọi người ai ai cũng nghỉ ngơi, giải tỏa áp lực, tôi một lần nữa ngồi vào phòng thi. Nộp bài xong, ngẩng đầu lên nhìn trời, suýt chút nữa tôi đã hét lên. Thế mà tôi đã thành công rồi đấy. Cánh cổng trường chuyên chỉ còn một bước chân nữa thôi.



Tối hôm đó hẹn cả lũ đi ăn liên hoan. Thằng út

chuyên Toán, lão cao kều thủ môn chuyên Văn, ông cụ non hậu vệ chuyên Hóa, đứa gene trội tóc vàng hoe chuyên Sinh còn gã đội trưởng chuyên Lý. Tôi chống tay lên cằm, đồng bọn giỏi giang như thế này, bảo sao chúng nó lại không hít-le, không thèm chơi với tôi.

Út chuyên Toán ăn tì tì hết một con mực nướng, đến miếng cuối thèm thuồng lắm nhưng vẫn xé chia cho tôi một nửa:

- Này, thằng crush mày chuyên Lý cơ mà, mày thi chuyên Toán làm gì?

- Hả? _ Tôi mắt tròn mắt dẹt ngơ ngác _ Nó chuyên Toán mà? Mày có nhầm không đấy?

- Nhầm là nhầm thế nào, thằng đấy đẹp trai nhất khối, ngày nào trên diễn đàn trường chả có dăm ba tin réo xin info nó.

Tôi không tin ai bằng gã đội trưởng, dù sao thì gã là người có chức có quyền nhất đám:

- Này, thằng crush tao học chuyên Toán đúng không?

Thế rồi, tôi giận gã một thời gian dài. Đúng như các bạn nghĩ đấy, gã chơi tôi một vố thật cay. Tôi nghĩ, nếu sau này gã mà làm quan to, tôi nhất định sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu không tán thành. Tuy ghét nhau, nhưng không thể chối bỏ sự thật rằng, tôi học ngu Lý nhất trong tất cả các môn, nếu thật sự bảo tôi chọn thi vào lớp chuyên Lý, sớm muộn có ngày tôi đứng bét lớp, hoặc thậm chí thi đầu vào còn không nổi.

Khai giảng, đứng trong hàng tân sinh chuyên Toán nhìn sang các 'tiền bối' chuyên Lý, tôi ngậm ngùi tiếc rẻ, vừa muốn làm hòa với gã, vừa muốn nhìn thêm cậu bạn đẹp trai. Tính toán một chút, nếu chúng tôi làm hòa, mỗi lần kiếm cớ sang lớp Lý hỏi bài gã có phải đều sẽ được ngắm bạn đẹp trai hay không?

Nghĩ sao làm vậy, sau giờ tựu trường, tôi chạy ngay sang lớp của gã và cậu làm hòa.

Chẳng bao lâu sau, tôi tiếp tục cáu đến phát khóc tức tưởi vì gã. Crush của tôi - nam sinh đẹp trai nhất mà tôi từng gặp - chuẩn bị đi du học và gã chỉ báo trước cho tôi đúng hai tiếng trước khi chuyến bay ấy cất cánh. Tôi tự bắt taxi đến sân bay, một mình chen chúc giữa sảnh chờ đông đúc đi tìm người mình thầm thích. Kết cục, tôi còn chả được nhìn cái bóng phi cơ mà cậu ngồi.

Nhưng, may mắn làm sao, tôi nhanh chóng bị những buổi ôn thi đội tuyển học sinh giỏi dồn dập làm cho bận tối tăm mặt mũi. Một đứa lười chảy thây như tôi bắt đầu biết ý thức: hai giờ sáng đã dậy bật đèn sáng trưng làm bài tập; buổi trưa mười hai giờ tan học vừa bánh mì lót dạ vừa tranh thủ làm đề nâng cao; một giờ chiều đến nhà thầy ôn đội tuyển tới chín giờ tối mới xong. Mọi sinh hoạt hằng ngày của tôi từ ăn uống, tắm giặt đến ngủ nghỉ không diễn ra ở trường thì chắc chắn sẽ làm ở nhà thầy, giản lược tối đa có thể.

Thằng út răng khểnh và gã đội trưởng cũng học đội tuyển, nhưng chúng nó không tự mình gây áp lực nhiều như tôi, chiều nào cũng như thường lệ chạy đi đá bóng. Tôi ghen tị với chúng nó lắm chứ, nhưng biết làm sao bây giờ, tôi học chậm hơn chúng nó tận một năm. Nếu không phải bài thi loại vượt ngưỡng điểm chọn 0.25 điểm thì tôi đã bay màu rồi.

Thầy giáo phụ trách ôn thi không biết hóng hớt ở đâu chuyện tôi crush bạn chuyên Lý vừa đi du học, đôi bữa lại gợi chuyện, vẽ cho tôi cái viễn cảnh cầm giải Nhất quốc gia về, cùng cơ hội test nhảy sang đội tuyển Lý đang chuẩn bị sang Bắc Kinh tham dự kỳ thi quốc tế.

Tin tôi đi, không tồn tại những đứa không biết mê trai là gì đâu, chỉ là thói mê (chữ 'ê' kéo dài) trai của chúng nó chưa trỗi dậy hoặc chưa gặp đúng gu thôi.

Trở lại vấn đề chính, tôi đã có một cái Tết đầm ấm sum họp lần đầu tiên trong đời... ở nhà thầy với đội tuyển và một thùng vở mới tinh để viết trong Tết (vì các văn phòng phẩm không mở cửa bán hàng trong kỳ nghỉ lễ ít nhất là đến mùng năm).

Không phụ công nhịn chơi bời bao nhiêu lâu, giữa tháng tư, tôi chính thức nhận giấy triệu tập vào vị trí cuối cùng chuẩn bị cho một cuộc thi toán học quốc tế.

Đừng bắt tôi kể hết toàn bộ quá trình đưa kiến thức vào đầu một các thần tốc là như thế nào. Nhưng tôi đảm bảo, tôi sẽ kể lại một cách nghiêm túc cho các bạn cách một nữ sinh ngổ ngáo kết thúc những năm tháng tuổi teen của cô ấy. Với tôi, đó là cầm tấm huy chương vàng quốc tế nhét vào balo, lặng lẽ đi về nhà khoe ba mẹ thay vì giải thích với mấy bà cô hàng xóm lời ra tiếng vào kỳ thị "những đứa thi trượt cấp ba thì chỉ có nước đi làm thuê cả đời".

Nhưng tôi sẽ không dừng lại ở việc chứng minh bản thân mình. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi quyết định tiếp nhận tấm học bổng đến Thụy Điển trao đổi hai năm.

Gã đội trưởng khuyên tôi không nên gò ép bản thân học một môn mà tôi không hứng thú - Vật Lý. Tôi vẫn thù gã từ dạo gã hại tôi lỡ buổi tiễn cậu đi du học, song, lời gã nói chẳng sai một li.

Rốt cục, ngày ra sân bay, tôi căn đúng một tiếng trước khi cất cánh mới báo. Không cần biết gã có quan tâm hay không, tôi hả hê là được.

Vậy mà, gã vẫn đến kịp, còn làm được một pô ảnh nhí nhố có mặt đủ cả đội bóng với tôi.

Đường đi Stockholm ngược lại so với đường sang Bắc Kinh - nơi người tôi thầm thích. Mười bảy tuổi, giữa tình yêu, tình bạn và tương lai, bạn sẽ chọn cái nào?

Tôi có những đồng chí tuyệt vời ở Hà Nội, có mối tình thầm kín tuổi mới lớn ở Bắc Kinh nhưng tôi chọn tương lai ở Stockholm - nơi mà đi hết con đường ấy, ở bên tôi sẽ có cả bạn bè, có cả người tôi thích. Tất nhiên, có cả ba mẹ ở bên tôi nữa, nhưng tôi là thịt ở trong tim ba mẹ, dù đi tới đâu, tình thương ấy vẫn bên cạnh tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nhân Duyên Của Chúng Ta

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook