Ông Cố Vấn

Chương 30: Chuẩn Bị

Hữu Mai

28/10/2016

1.

Trên tầng thượng của dinh Độc Lập có một căn phòng đón gió. Người ta đã đặt cho nó cái tên bằng chữ Hán: "Thiên phương tĩnh tâm lâu". Khác với tất cả những căn phòng trong dinh đều bịt kín bằng kính dày để dùng điều hòa nhiệt độ, lầu Tĩnh Tâm chỉ có những hàng cột nhỏ ở chung quanh. Đứng tại đây, có thể nhìn ra bốn phía, thấy một khu vực khá rộng lớn của Sài Gòn, trải ra với những đường phố dài rộng, những dãy nhà ẩn dưới lùm cây xanh tốt quanh năm, những building lố nhố chọc thủng chân trời.

Ý đồ của nhà kiến trúc là muốn cho những nhà lãnh đạo quốc gia sau những giờ mệt nhọc vì việc nước sẽ lên đây tìm giây phút thư thái khi phóng tầm mắt ra bốn phương trời, trong bầu không khí trên cao tĩnh lặng. Nhưng những viên tướng trẻ mới lên cầm quyền, tính tình còn hiếu động, ưa giải trí sau giờ làm việc quanh bàn mạt chược hay bàn bi-a, hơn là đứng trầm tư ở một nơi chỉ có mình giữa trời với đất. Họ đã biến căn lầu rộng thoáng này thành một sàn nhảy, dành cho những buổi vũ hội trong dinh. Cũng may, những buổi vũ hội như vậy không diễn ra thường xuyên nên căn lầu hầu hết thời gian vẫn giữ được sự trống vắng, yên tĩnh của nó.

Hai Long đã sớm tạo cho chung quanh hiểu rằng mình thích lên lầu thượng tìm nơi yên tĩnh, suy nghĩ về công việc.

Đây là một vị trí khá tốt để quan sát toàn cảnh sự bố phòng trong dinh, chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Từ đây nhìn rõ sự kiểm soát của những lưới lửa phòng vệ trên các con đường dẫn tới mục tiêu. Và cũng có thể quan sát được những địa điểm quân sự ở chung quanh có nhiệm vụ bảo vệ dinh, như trại lính Cộng hòa, Sở thú, nhà Bưu điện...

Dựa vào văn phòng tổng thư ký của Hướng, Hòe đã khéo léo lấy được bản đồ của dinh Độc Lập và Tòa đại sứ Mỹ. Anh đã điểu tra được quân số và trang bị vũ khí của đơn vị bảo vệ trực tiếp những nơi này. Riêng ở Tòa đại sứ Mỹ, anh còn lấy thêm được bản kế hoạch di tản trong trường hợp khẩn cấp.

Để chuẩn bị cho trận đánh, Năm Sang đã mở rộng các lưới trong phạm vi cụm. Sau khi không làm việc với Đỗ Mậu nữa, Thắng trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Thám Tử. Thắng vẫn là một ký giả, có thẻ của bộ Thông tin. Hàng tuần, Thắng và Hai Long găp nhau tại buổi hội ý kiểm điểm công tác với Cụm trưởng. Họ có quan hệ chặt chẽ trong việc chuẩn bị cho trận đánh. Lưới của Hai Long được bổ sung thêm một đồng chí mới. Đó là Vũ Hữu Ruật. Hai Long đã có quan hệ với Ruật từ năm 1953 tại Hà Nội. Ruật là người của ta hoạt động trong tổ chức đảng phái phản động. Ruật cũng bị bắt như Hai Long và bị giam ở trại Tòa Khâm. Ruật thoát khỏi nhà giam sau cuộc đảo chính Diệm. Khi ra ngoài, anh lại tìm cách chui vào lực lượng Tự do dân chủ của Nguyễn Văn Hướng. Anh hiện giữ chức tổng ủy viên Tuyên - Nghiên - Huấn của tổ chức này. Mấy tuần qua, cả hai lưới đã chuyển vận vũ khí, đạn dược, chất nổ từ căn cứ vào nội thành để trang bị chiến đấu cho lưới. Những người tham gia vào công tác mới mẻ và mạo hiểm này tỏ ra rất hào hứng. Hai Long chỉ thật nhẹ nhõm khi công việc đã hoàn tất. Chỉ cần một khẩu súng, một cân thuốc nổ lọt vào mắt bọn cảnh sát hay dân vệ, bao nhiêu công trình anh đã xây dựng được có thể tan thành mây khói. Họ đã chuẩn bị một kế hoạch thật tỉ mỉ, tính toán dự kiến những tình huống có thể xảy ra. Họ biết mình chưa dự kiến được hết những bất ngờ, và cũng đã thấy trước trong một số trường hợp họ không còn cách đối phó. Cũng may, tất cả đã trôi lọt.

Sau nhiều buổi bàn bạc, Cụm trưởng nhận thấy lưới Hai Long không thể nào thực hiện yêu cầu bám sát Bunker. Những người có quan hệ với Tòa đại sứ Mỹ đều chưa tiếp cận được Bunker. Nhiệm vụ này trao lại bộ phận khác. Hai Long nhận bám sát Thiệu. Công việc này coi như anh đặc trách.

Họ đã cùng nghiên cứu chung với nhau cách sử dụng những vũ khí và chất nổ mới nhận được, để khi cần, sẽ trực tiếp chiến đấu như một người chiến sĩ thực sự.

Đứng trên lầu Tĩnh Tâm sáng nay, một lần nữa, Hai Long lại thấy mình chưa thể hình dung ra trận đánh trong những ngày sắp tới.

Sài Gòn được quân Mỹ và quân ngụy bảo vệ rất cẩn mật. Mắt anh nhìn thấy hàng ngày những phương tiện chiến tranh ghê gớm của chúng. Ngay ở Sài Gòn và vùng ven, địch đã có hàng chục vạn quân. Giữa lúc này, tiếng bom và tiếng đại bác địch vẫn dồn dập từ xa vọng về. Những đường phố dài rộng của Sài Gòn với những dòng xe cộ ngược xuôi như mắc cửi trước mắt anh, nói lên mục tiêu của trận đánh sắp tới khá lớn. Ta sẽ huy động bao nhiêu lực lượng vào nhiệm vụ? Họ có thể vượt qua vành đai thép của quân Mỹ ở chung quanh Sài Gòn để tiến vào nội thành được không? Anh nghĩ tới cái lúc tất cả những vật đang di dộng nhanh trên đường phố kia sẽ dừng lại, những dòng người trên hè phố cũng biến đi, nhường chỗ cho những anh lính mặc quân phục màu xanh rêu, đội mũ tai bèo, mang tiểu liên AK cùng với những người dân vùng lên cầm vũ khí chiến đấu với xe tăng, xe bọc thép, máy bay phóng pháo, trực thăng vũ trang của địch... Kết quả cuối cùng sẽ ra sao...?

Dinh Độc Lập nằm sâu trong nội thành, không có những công sự chiến đấu phòng thủ, nhưng với hai lần rào sắt, một hàng rào cơ động bên ngoài, một hàng rào cố định vững chắc bên trong, và những tòa nhà rất kiên cố sẽ trở thành những pháo đài khó công phá khi trận đánh nổ ra, là một mục tiêu quá rắn và quá lớn với những chiến sĩ bộ binh chỉ có trong tay những vũ khí nhẹ. Nhìn chiếc máy bay trực thăng của Nguyễn Cao Kỳ nằm trên bãi đáp ở tầng thượng, kế bên lầu Tĩnh Tâm, Hai Long chợt nghĩ phải viết thêm báo cáo bổ sung, cần đề phòng địch dùng sân bay này để đưa quân cứu viện tới.

Những ý nghĩ hân hoan của anh đối với viễn ảnh của trận đánh quyết định bỗng chốc vợi đi. Không riêng anh, mà tất cả các đồng đội của anh đều náo nức, mong chờ, sẵn sàng hy sinh vì nó. Anh sẽ không giội gáo nước lạnh vào ngọn lửa hào hứng đang bùng cháy ở mỗi người. Họ cần có nó để vượt qua những khó khăn rất lớn, chuẩn bị cho trận đánh. Nhưng anh cần nhắc họ không được sơ khoáng bộc lộ tung tích của mình, đề phòng trường hợp còn phải tiếp tục chiến đấu lâu dài.

2.

Trung tâm nhắc lại, cần đặc biệt chú ý tìm hiểu sự phán đoán của địch về ý đồ tiến công của ta trong mùa khô 1967 - 1968. Hai Long chợt hiểu điều này có liên quan đến đòn chiến lược quyết định mà ta sẽ giáng vào đầu Mỹ - ngụy trong mùa khô tới. Sự thành công của nó gắn liền với việc ta có hoàn toàn giữ được bất ngờ hay không.

Thiệu rất hài lòng sau khi Hiếu được chấp nhận làm đại sứ ở Ý và Kiểu trở thành đại sứ lưu động. Nhân đó, Hai Long hỏi Thiệu:

- Tổng thống đã trù liệu những biện pháp gì về chiến tranh quân sự đối phó với tình hình chiến tranh hiện nay?

- Từ hai năm nay, chiến lược chiến tranh ở Việt Nam cộng hòa do Mỹ hoạch định. Tôi đã có những lần khuyến cáo họ, nhưng họ không nghe. Tin tức tình báo quân sự họ đều nắm; vì họ mới đủ tiền chi cho hàng vạn cộng tác viên của CIA. Ai làm việc cho họ, mình không biết. Họ nắm được gì cũng không cho ta hay vì sợ rò rỉ. Chừng nào chuẩn bị xong xuôi, sắp tiến hành, họ mới nói với mình. Tôi rất ớn cách làm ăn này, nhưng bất lực. Quân lực Việt Nam cộng hòa không thể có những cuộc hành quân độc lập, vì lệ thuộc vào hỏa lực yểm trợ của Mỹ.

- Họ đã bàn bạc với tổng thống về cuộc tiến công mùa khô này chưa? Cần nắm được Việt Cộng trù tính gì về mặt quân sự, và quân Mỹ định làm gì. Mùa khô tới rồi. Ta cần phải biết trước kế hoạch của họ để chủ động tính toán việc của ta. Tổng thống phải nắm chắc vấn đề quân sự với cương vị tổng tư lệnh, chứ không thể ủy thác cho ông bộ trưởng Quốc phòng cùng ông Tổng tham mưu trưởng. Những nhà lãnh đạo Mỹ cần một tướng lãnh làm tổng thống ở Việt Nam cộng hòa, chính là cần điều đó. Tôi nghĩ ông Westmoreland không làm đúng phận sự của mình trong quan hệ với đồng minh.

- Westmoreland nói với tôi, sẽ tiến hành đợt phản công lần thứ ba để xúc tiến chiến lược "lùng và diệt".

- Ông ta có nói phương hướng sẽ nhắm vào đâu không?

Thiệu nhè nhẹ lắc đầu:

- Chỉ khi gần triển khai, họ mới nói với mình. Tôi cho rằng họ còn đang tiếp tục nghiên cứu, điều tra mục tiêu.

- Kết quả rất hạn chế của hai đợt tiến công trước là do Westmoreland không chịu bàn bạc với ta! Người Mỹ quá ỷ vào sức mạnh vũ khí nên họ bị thất bại. Họ tưởng hễ có sức mạnh áp đảo trong tay là đánh đâu thắng đó. Thực tế không đúng như vậy. Tôi đã nhiều lần trao đổi với những người Mỹ am hiểu chiến lược quân sự, không phải họ đều tán thành những hành động của Westmoreland. Ý kiến của giới quân sự Mỹ về chiến tranh Việt Nam khá phân tán.

Thiệu bỗng trở nên sôi nổi:

- Tôi đã nói với họ, muốn chiến tranh chóng kết thúc, thì phải làm như họ đã làm ở Đại Hàn. Phải đưa quân Mỹ đánh ra miền Bắc, giải quyết vấn đề tận gốc. Địa dư Việt Nam và Đại Hàn không khác chi nhau. Cũng là một dải đất dài ven biển Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ làm chủ vùng biển. Muốn cắt đôi Việt Nam còn dễ hơn Đại Hàn. Vùng cán xoong Việt Nam có đoạn chỉ rộng năm chục ki-lô-mét! Chí ít, ta cũng có thể chiếm một vùng đất ở Bắc vĩ tuyến 17, lập căn cứ tại đó như Bắc Việt đã làm ở Nam Việt Nam. Tôi tin rằng Bắc Việt sẽ phải ngừng xâm lăng, đánh đổi lấy phần bị ta chiếm đóng. Chiến tranh chưa chấm dứt, vì ta chưa đánh thẳng vào nguồn gốc của nó...

Cần lái Thiệu vào điểm chính của câu chuyện, Hai Long nói:

- Tổng thống cũng biết chính phủ Mỹ chịu rất nhiều áp lực khác nhau về mặt chính trị đối với việc tiến hành chiến tranh. Dư luận không thuận lợi ngày càng mạnh.

- Đó là chính sách leo thang, Mỹ đưa quân sang nhỏ giọt, đã giết chết những bất ngờ cần phải có về mặt quân sự. Nếu Mỹ kết thúc chiến tranh trong vòng một năm thì làm chi có phản đối chiến tranh!

- Tình hình chính trị thế giới những năm 60 không giống những năm 50, và Johnson không phải là Eisenhower!

- Đúng!... Johnson không phải là Eisenhower!

- Ta hãy tạm đặt sang bên những gì ta chưa có. Tôi vẫn nghĩ, với một nửa lực lượng lục quân, không quân, hải quân được trang bị cực mạnh của Mỹ đã đưa sang Việt Nam, cộng với hơn nửa triệu quân Việt Nam cộng hòa và những đồng minh khác, không phải là ta không có khả năng giành chiến thắng. Ta chưa làm được, chính là vì ta không nắm được ý đồ quân sự của Việt Cộng. Điểm này cần được khắc phục. Người Mỹ có lực lượng CIA đông nhưng họ làm việc lại rất tồi. Tổng thống cũng cần có chủ kiến để khi trao đổi họ không thể coi thường ta.

- Nhưng đặc ủy trung ương tình báo của ta còn tồi hơn nhiều! Tôi sẽ phải củng cố lại. Trước mắt, ông giáo giúp tôi thăm dò xem người Mỹ đã nắm được Việt Cộng có ý đồ chi trong mùa khô này. Mình biết trước được những ý kiến của họ thì khi trao đổi mình cũng có thế.

Thiệu mỉm cười nhìn anh.

Cuộc trao đổi chỉ giúp anh khẳng định thêm Thiệu hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Thiệu không giấu diếm mình là một tên tay sai chỉ tính sao làm vừa lòng chủ.

Anh cảm thấy ngán ngẩm. Khi đã lọt vào mục tiêu chủ yếu rồi, với một cương vị rất thuận lợi, anh vẫn chưa biết được gì nhiều hơn về những điều anh đang cần biết.

3.

Buổi nói chuyện với O⬙Connor mang lại cho Hai Long một vài thông tin mới.

Cặp mắt xanh thông minh của ông linh mục lộ vẻ trầm tư khi nghe câu hỏi của anh. Sau ít phút suy nghĩ, ông nói:

- Tôi đã gủi cho tổng thống một bản nhận định về cuộc hành quân Junction City. Tôi nghĩ đã tới lúc Mỹ phải thay đổi chiến lược. Mỹ không thể chờ đợi gì hơn với cách điều hành chiến tranh của Westmoreland.

- Tổng thống vẫn lạc quan. Ông ta cho rằng hai đợt phản công mùa khô vừa rồi tuy chưa hạ đo ván Việt Cộng, nhưng cũng đã làm cho họ mất máu nhiêu, chưa gượng lại được trong mùa khô này. Tổng thống đang trông đợi ở kết quả đợt phản công thứ ba.

- Tình hình không đáng lạc quan đến như vậy. Theo chỗ tôi biết, Việt Cộng vẫn tích lũy lực lượng chiến đấu và Bắc Việt đang tập trung nhiều đơn vị chủ lực thiện chiến của họ ở phía Bắc Việt Nam cộng hòa. Như họ nói với một số cán binh Việt Cộng mà ta bắt được gần đây, họ không có tham vọng đánh bại hoàn toàn quân đội viễn chinh Mỹ, nhưng họ sẽ "đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ"! Tôi dự liệu họ đang hết sức cố gắng gây nên một sự kiện vang dội, một trò ngoạn mục trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông linh mục này thật đáng sợ.

- Họ có khả năng làm gì ở Nam phần Việt Nam cộng hòa không? - Hai Long tỏ vẻ lo lắng.

- Ở Nam phần, tôi chia sẻ một phần trách nhiệm với tổng thống Thiệu. Dù sao, ta cũng đã gây cho họ những thiệt hại, họ khó làm lớn vì ở quá xa hậu phương. Nhưng hầu như chắc chắn, họ sẽ làm một cái gì đó trên đường số 9 ở Bắc phần. Có thể là một Điện Biên Phủ nhỏ với quân Mỹ. Ông Johnson đã chỉ thị cho Westmoreland tuyệt đối không để xảy ra một trường hợp như vậy

- Thưa cha, theo ý muốn của Đức Hồng y Spellman và của cha, một lần nữa tôi lại gắn mình với một tổng thống, tôi đã trở thành cố vấn của Thiệu, tôi cần khuyến cáo ông ta điều gì về mặt quân sự lúc này?

Vị linh mục có tinh thần trách nhiệm, không tự cho phép mình trả lời một cách dễ dãi. Cân nhắc một hồi, ông nói:

- Tôi rất tiếc, cuộc đảo chính năm 1963 đã làm hư toàn bộ công trình ấp chiến lược. Căn cứ vào tính chất chiến tranh ở Việt Nam, không thể có một kế hoạch quân sự nào hay hơn kế hoạch đó. Cần phải làm lại từ đầu...



O⬙Connor trầm ngâm, rồi bỗng hỏi:

- Thầy đánh giá tướng Thiệu ra sao về mặt tinh thần chiến đấu chống Cộng?

- Không ai nghi ngờ ý thức triệt để chiến đấu chông Cộng của ông Thiệu, nhưng tôi cảm thấy ông ta quá ỷ lại vào quân đội Mỹ.

- Đó chính là điều đáng lo. Không phải ngay lúc này, giáo sư cần làm cho ông Thiệu dần dần hiểu vấn đề nội bộ Việt Nam, rút cuộc vẫn phải do người Việt Nam giải quyết. Quân đội Mỹ không thể ở lại Việt Nam vô thời hạn.

Hai người ngồi im lặng hồi lâu. Ông linh mục muốn dừng lại ở đó. Hai Long tỏ vẻ suy tư về cái điều ông mới nói ra lần đầu.

- Thưa cha, còn một câu hỏi cuối cùng trong bữa nay. Sự lượng định về ý đồ chiến lược của Việt Cộng trong mùa khô tới là của riêng cha, hay là của chung những người chỉ huy có trách nhiệm với chiển tranh Việt Nam?

O⬙Connor liếc nhìn anh, rồi mỉm cười:

- Tôi hiểu giáo sư lo trách nhiệm của mình với tư cách là cố vấn của tổng thống. Giáo sư có thể nói, đó là ý kiến của khá đông những chuyên gia quân sự về Việt Nam, dựa trên những yếu tố đã xuất hiện cho tới lúc này. Nhưng vẫn không có nghĩa là sự lượng định của chúng tôi nhất định phải đúng.

4.

Cuối năm 1967, một số trận đánh rộ lên trên chiến trường miền Nam. Tháng 11, bộ đội ta tiến công sư đoàn 1 bộ binh Mỹ và sư đoàn 5 bộ binh ngụy tại Lộc Ninh, Đông Nam Bộ, gây nhiều thiệt hại cho hai sư đoàn này. Trên chiến trường Tây Nguyên, diễn ra trận Đắc Tô, bộ đội ta bắn rơi nhiều máy bay, đánh thiệt hại nặng một lữ đoàn dù Mỹ, gây tổn thất cho một lữ đoàn Mỹ khác và một chiến đoàn ngụy. Nhưng trong tháng 12, và tháng Giêng năm 1968, tình hình các chiến trường, đặc biệt là vùng đồng bằng Nam Bộ đều êm ả. Trên tấm bản đồ cập nhật trong phòng họp của Tổng thống, không xuất hiện sự kiện quân sự chính trị nào lớn trừ cuộc biểu tình chống Mỹ - Thiệu của 4 vạn đồng bào quận Trà Cú thuộc tỉnh Trà Vinh.

Hai Long đã nói lại với Thiệu sự lượng định về hoạt động quân sự của đối phương trong mùa khô 1967 - 1968 của những nhà quân sự Mỹ, qua lời đặc phái viên của Hồng y Spellman. Thiệu tỏ vẻ mừng trước tình hình chiến sự chung. Mọi việc diễn tiến đúng như những nhà quân sự Mỹ dự đoán. Áp lực quân sự của đối phương đang nhằm vào Bắc phần Việt Nam cộng hòa, cụ thể hơn là cụm cứ điểm Khe Sanh, Tà Cơn trên đường số 9, do thủy quân lục chiến quân Mỹ chiếm đóng. Địa hình rừng núi ở vùng này rất giống với một Điện Biên Phủ thu nhỏ. Các nguồn tin tình báo đều ghi nhận đối phương đang dồn về đây những sư đoàn chủ lực mạnh nhất, những sư đoàn đã từng giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ năm xưa. Một trận đánh bằng trận địa chiến hào lại sắp diễn ra. Không biết số quân Mỹ đồn trú ở đây có thoát được số phận của quân viễn chinh Pháp ngày trước ở Điện Biên Phủ không? Đối với Thiệu, tình hình quân sự ở Bắc phần do bộ chỉ huy quân sự Mỹ phải tự lo. Thiệu càng yên tâm vào cuối tháng 12, khi Westmoreland mở đợt phản công lần thứ ba bằng cuộc hành quân "Hòn đá vàng", đưa nhiều đơn vị quân Mỹ tiến về phía biên giới Campuchia, tiếp tục đẩy xa những áp lực của Quân giải phóng nhắm vào Sài Gòn.

Thiệu cho rằng đã có một thời gian yên ổn để củng cố thêm vị trí. Thiệu phàn nàn với Hai Long, mình vừa chọn được một người bà con là Ngô Khắc Tỉnh, định đưa làm đặc ủy trung ương tình báo, và đang lựa người để nắm Tổng nha Công an Cảnh sát, thì CIA ép phải bổ nhiệm Nguyễn Khắc Bình làm đặc ủy trưởng trung ương tình báo, và Trần Văn Hai là tổng giám đốc Công an - Cảnh sát.

Cuôc chiến tranh lạnh diễn ra giữa Thiệu và Kỳ. Kỳ biết rõ Thiệu đang lặng lẽ thu tóm hết quyền lực, chặt dần những vây cánh của mình, biến mình thành một anh "ngồi chơi xơi nước". Nhưng thế Thiệu lúc này đã mạnh, Kỳ đành phải âm thầm chịu đựng đợi cơ hội. Nơi làm việc của tổng thống và phó tổng thống đều ở lầu ba. Từ ngoài đi vào, Thiệu ở bên phải, Kỳ ở bên trái cầu thang trải thảm đỏ. Trên tâm thảm đã xuất hiện một ranh giới vô hình ngăn cách giữa hai người. Thiệu bao giờ cũng đi ở bên phải, và Kỳ đi bên trái. Không khi nào hai người đi ở giữa và càng không bao giờ đặt chân sang phần bên kia.

Hai Long đóng vai người có thiện chí hòa giải mối hiềm khích giữa hai vị "nguyên thủ quốc gia".

Lần đấu tới nơi làm việc của phó tổng thống thăm Kỳ, anh được Kỳ mở sâm banh ra mời, rồi trút bầu tâm sự.

- Tôi không phải là con chiên, nhưng cũng không phải là con Phật. Thái độ tôi đối với sư sãi ra sao, ai cũng rành. Tôi dựa vào Công giáo vì Công giáo đã ủng hộ tôi. Anh giáo được giáo hội cử vô giúp ông Thiệu, cũng là giúp cho cả tôi. Anh nhắc giùm với ông Thiệu, theo nghị quyết của Hội đồng quân lực khi hai người ra tranh cử, muốn quyết định chi phải tham khảo ý kiến của Hội đồng, và phải làm theo quyết nghị của Hội đồng. Ổng phải chia sẻ quyền lực với tôi là phó tổng thống, chớ hòng biến tôi thành bù nhìn. Từ ngày ngồi vô ghế tổng thống, ổng đâu có bàn bạc với tôi, và làm lơ cả quân ủy hội! Như vậy không được đâu! Anh coi, hồi truất phế ông Hương, chính tôi năm lần bảy lượt mời ông Thiệu làm thủ tướng, ổng đều từ chối. Đâu có tướng nào dám nhận nên Kỳ này phải nhẩy vô! Ông Khánh phá rối tam phen tứ phen, cũng một tay Kỳ này giải quyết. Bãi miễn ông Khánh, đưa ông Khánh ra nước ngoài, là Kỳ này chớ ai! Nguyễn Chánh Thi cùng với Phật giáo dựa vào Mỹ, ly khai ở miền Trung, cũng thằng Kỳ này ra tận nơi dẹp loạn! Bao nhiêu cái khó khăn, mình tôi lãnh đủ. Làm việc với ông Johnson ở Honolulu về chính trị, quân sự, lo từ cái đài truyền hình cho dân, được tổng thống Mỹ cảm phục, cũng vẫn là Kỳ! Ông Johnson mời tôi tới phòng riêng tặng hình cho tôi, chớ đâu có tặng cho ông Thiệu! Bây giờ mọi việc xong xuôi, ông Thiệu hốt ráo cả! Nhờ anh khuyên ông Sáu giúp. Ổng tiếp tục chơi kiểu này là không xong!

Kỳ say mê máy bay, đi đâu cũng thích dùng máy bay do tự tay mình lái. Hàng ngày, Kỳ thích dùng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất tới dinh Độc Lập làm việc. Sáng nào, Kỳ cũng cho máy bay lượn một vòng, giơ tay vẫy chào mọi người, rồi mới đáp xuống bãi cỏ trước dinh. Gần đây, không hiểu nghĩ sao, Kỳ cho máy bay hạ xuống ngay nóc dinh Độc Lập. Sân bay lại nằm ngay trên phòng ngủ của vợ chồng Thiệu. Thiệu rất bực, nhưng vẫn cố nhịn để tránh va chạm với Kỳ.

Vợ Thiệu than phiền với Hai Long:

- Cả nhà tôi không ăn không ngủ được vì cái máy bay của ông Kỳ. Có thủ tướng, phó tổng thống nào mà lại tự mình lái máy bay đưa vợ, đưa bồ đi chơi, lái máy bay đi làm việc hàng ngày! Ông nhà tôi, đêm nào cũng phải làm việc khuya, sáng thường ngủ trễ, đang ngon giấc thì máy bay của ông Kỳ tới ầm ầm ngay trên đầu. Tôi cũng sắp mắc bịnh thần kinh vì ổng! Trong khuôn viên thiếu chi chỗ hạ máy bay, mà lại cứ nhằm ngay xuống đầu người ta!

- Bà nên bảo ông Hướng nói với ông Kỳ một câu.

- Ông Hướng ngán ông Kỳ, cả ông nhà tôi cũng sợ hiểu lầm sinh chuyện.

- Vậy thì bà nên trực tiếp nói thẳng với ông Kỳ. Tôi có thể nhờ cha Lãm nói với ông Kỳ, nhưng việc nhỏ qua nhiều người, ông Kỳ lại có cớ trách ta.

Mấy ngày sau, Hai Long tới dinh Độc Lập, thấy chiếc trực thăng của Kỳ đỗ trên bãi cỏ trước dinh. Vợ Thiệu gặp anh với nụ cười đắc thắng:

- Nhà tôi thoát nạn rồi! Chiều qua tôi nói với ông Kỳ, tôi định trồng mấy cây bông trên sân thượng, để những khi làm việc mệt, ông Thiệu lên đó ngắm cảnh, nhưng cái trực thăng quạt gió quá chừng, hư hết bông. Ổng nói: "Tôi sơ ý, sao ông Thiệu không nói sớm với tôi một câu?". Và bữa nay, ổng cho máy bay đậu xuống bãi cỏ rồi.

Hai Long đem những lời nói bữa trước, thuật lại với Thiệu, Thiệu vằn mắt:

- Tôi là tổng thống, tôi làm việc theo đúng hiến pháp. Hiến pháp có ghi tổng thống làm việc chi cũng phải hỏi ý kiến quân ủy đâu? Quân ủy là cái chi, tôi cũng chưa biết trong đó có những ai! Nhờ ông giáo cứ nắm chắc cho phía người Mỹ, tôi gạt xong ông Lộc thì ông Kỳ chẳng còn chi đáng lo.

Hai Long tiếp tục ru ngủ Thiệu bằng những tin tức ngày càng nhiều về mối hiểm họa đối với quân Mỹ trong mùa khô này trên đường số 9. Anh rỉ rả góp phần khuyên can, "dàn xếp" mối bất hòa ngày càng trở nên sâu sắc giữa Thiệu và Kỳ. Câu chuyện về đề tài này chiếm nhiều buổi anh vào làm việc trong dinh. Vợ Thiệu tham gia một cách hăng hái, theo kiểu hoàn toàn phụ nữ của bà ta, nhưng không phải là không có ảnh hưởng đáng kể tới Thiệu. Những lời khuyên can của anh với cả hai bên nhiều lúc càng như lửa đổ thêm dầu.

5.

Những ngày đầu năm 1968 trôi qua một cách vô cùng chậm chạp.

Sài Gòn ngày càng chìm đám trong cơn lốc cuồng nhiệt của những chuyện buôn bán, tranh chấp, lừa đảo, chợ đen, làm giầu. Cùng với dollar đỏ[1], dollar xanh, hàng PX[2], hàng siêu thị, bạch phiến... mọi thứ đều trở thành thương phẩm. Nhân phẩm con người bị hạ tới giá thấp nhất. Gái điếm, ma cô, du đãng, khất thực, những nạn nhân của chiến tranh, xuất hiện ngày càng nhiều. Làn sóng của những người dân tị nạn tiếp tục từ các vùng nông thôn đổ vào, làm cho Sài Gòn trở nên ngột ngạt.

Trung tuần tháng Giêng, Trần Thiện, từ căn cứ sư đoàn bộ binh Mỹ ở Lai Khê về, cho Hai Long biết không hiểu sao một số tiểu đoàn tham gia cuộc hành quân "Hòn đá vàng" ở biên giới Campuchia, bỗng được lệnh rút về vị trí cũ ở chung quanh Sài Gòn. Hai Long hết sức lo lắng. Anh vội đến tìm O⬙Connor ở Nha Tuyên úy Hải quân Mỹ.

- Thưa cha, vì sao Westmoreland lại bỏ dở cuộc hành quân ở biên giới Campuchia?

- Theo tôi biết, cuộc hành quân vẫn tiếp tục. Chưa có cuộc đụng độ nào lớn. Tại sao thầy lai hỏi như vậy?

- Tình báo của Thiệu cho biết nhiều tiểu đoàn đã được rút về. Thiệu lo lắng vì không được bộ chỉ huy Mỹ thông báo về việc này.

- Tin đó không đúng sự thật. Đúng ra là thế này, Weyand, tư lệnh các lực lượng dã chiến Mỹ ở vùng III chiến thuật, phát hiện những hiện tượng chuyển quân của địch ở chung quanh Sài Gòn, nên có đề nghị với Westmoreland cho rút quân Mỹ từ biên giới về những vùng đông dân, phòng ngừa một hành động gì đó của Việt Cộng trước hoặc sau dịp Tết âm lịch. Nhưng liệu ta có nên tin vào một vài hiện tượng như thế không? Chúng ta đã biết đối phương rất giỏi nghi binh. Nếu vội kết thúc cuộc hành quân, mình có thể bị mắc lừa. Chưa hề có một quyết định như vây. Nếu Westmoreland rút về một số tiểu đoàn thì tôi nghĩ là để đưa lên đường 9.

- Thưa cha, như vậy là chưa có thay đổi gì lớn?

- Đến lúc này thì chưa. Riêng tình hình Khe Sanh căng thẳng hơn. Trận đánh lớn có lẽ sắp nổ ra tại đó.

Hai Long lặp lại với Thiệu những lời của người Mỹ, tình hình đường 9 hết sức căng thẳng. Westmoreland phải rút một số tiểu đoàn ở biên giới Campuchia về tăng cường cho khu vực này, trận đánh lớn sắp nổ ra tại Khe Sanh. Anh giấu kín những tư tưởng hoài nghi, lo âu đối với triển vọng cuộc chiến tranh bắt đầu xuất hiện ở ông linh mục. Thiệu không chia sẻ những lo lắng của người Mỹ đối với mặt trận đường 9. Đây là trách nhiệm của Westmoreland và Walt. Y chỉ cần Sài Gòn và những tỉnh chung quanh yên tĩnh trong mùa xuân này. Nam phần Việt Nam cộng hòa đang mỗi ngày một thêm lắng dịu.

Gần Tết, Westmoreland tới gặp Thiệu bàn về cuộc ngừng bắn đã thành lệ hàng năm nhân dịp đầu xuân. Westmoreland nói:

- Chúng tôi đã nhận được tin Bắc Việt sẽ có những cố gắng rất lớn về quân sự tại Việt Nam cộng hòa vào trước hoặc sau Tết, đề nghị tổng thống cho hủy bỏ lệnh ngừng bắn hàng năm vào dịp này.

Thiệu trả lời một cách rất tự tin:

- Tôi nghĩ rằng những hoạt động của quân đội đồng minh và quân lực Việt Nam cộng hòa trong năm qua đã làm cho Bắc Việt và Việt Cộng mất máu khá nhiều. Tình hình chiến sự đã được cải thiện một cách rõ rệt. Nếu tôi hủy bỏ lệnh ngừng bắn, sẽ làm ảnh hưởng tới tinh thần phấn khởi của sĩ quan và binh lính, và cũng sẽ tạo cái cớ cho Việt Cộng tuyên truyền là mình hiếu chiến, không tôn trọng ngày Tết cổ truyền của dân tộc! Tôi đã dự kiến cho 50% quân nhân nghỉ phép nhân dịp Tết. Đó sẽ là phần thưởng đối với sự nỗ lực chiến đấu của họ trong năm qua.

- Nhưng tổng thống chắc hẳn đã nhận được những tin tức chính xác, nhiều sư đoàn chính quy tinh nhuệ của Bắc Việt đang kéo về đường 9 với cả chiến xa?

- Tôi biết Cộng quân đang tập trung về phía Tây đường 9. Các vùng chiến thuật khác nhìn chung khá yên tĩnh. Ngài hiểu cho ngày Tết cổ truyền đối với dân tộc Việt Nam có một ý nghĩa rất thiêng liêng.

- Tôi hiểu điều đó. Nhưng riêng năm nay, Bắc Việt sẽ triệt để lợi dụng 48 giờ ngừng bắn để chuyển binh lính và đạn pháo tới trút xuống đầu quân dội Mỹ, người Mỹ sẽ phải đổ nhiều máu!

Trước thái độ gay gắt của Westmoreland, Thiệu nhượng bộ:

- Sẽ không có lệnh ngừng bắn trong dịp Tết tại toàn bộ vùng chiến thuật I. Mong tướng quân đồng ý với tôi như vậy.



- Còn thời gian ngừng bắn ở những nơi khác sẽ là bao lâu?

- ... Từ 48 tiếng rút xuống còn 36 tiếng. Lệnh này sẽ lập tức bị hủy bỏ nếu đối phương có hoạt động vi phạm.

Cho tới lúc ra về Westmoreland không đả động gì tới những hiện tượng khả nghi mà Weyand đã phát hiện ở vùng chung quanh Sài Gòn.

Thiệu kể lại cho Hai Long nghe với vẻ tự hào vì đã không chịu để Westmoreland ép mình phải hủy bỏ lệnh ngừng bắn vào dịp Tết. Anh tỏ thái độ tán thưởng.

Không khí làm việc tại Phủ tổng thống những ngày cuối năm có phần uể oải. Mọi người hỏi thăm nay Tết này sẽ đi đâu, đã mua sắm được những gì. Mỗi sáng vào dinh, Hai Long lại cảm thấy mừng vì thêm một ngày trôi đi êm ả.

Cuộc chuẩn bị chiến đấu tiến hành rất bí mật. Từng bộ phận, từng người chỉ biết phần việc của mình. Năm Sang cho Hai Long hay, công tác chuẩn bị gần hoàn tất. Vũ khí đạn dược, thuốc nổ đã được vận chuyển bằng nhiều cách vào nội thành. Nhiều lực lượng bộ đội được ém vô các cơ sở trót lọt.

Trong những ngày này, anh lại nhận thấy rõ sức mạnh tiềm ẩn của cách mạng. Những tiếng nổ suốt ngày đêm của B.52, pháo bầy từ những vùng chung quanh dội về, nhiều lúc mang lại cho anh ý nghĩ: Ở những nơi đó, có lẽ tất cả phải tan thành cát bụi! Lực lượng ta đã không hề bị hủy hoại, mà còn đang vươn lên giành thắng lợi mới. Trận đánh chưa diễn ra, nhưng anh đã nhìn thấy vẻ kỳ diệu của nó. Ít ra cũng phải có hàng chục vạn người đã tham gia vào công cuộc chuẩn bị cho nó trong suốt mấy tháng nay. Vậy mà bộ máy chiến tranh của kẻ thù với hàng vạn nhân viên CIA, hàng chục vạn tên cảnh sát, mật vụ, hàng triệu binh lính, dân vệ cùng với gia đình của chúng rải trên khắp miền Nam, cho tới lúc này vẫn không hề biết, chưa hề mảy may nghi ngờ. Điều đó lạ lùng biết bao! Trong dòng người ào ạt như nước lũ trên đường phố Sài Gòn, anh luôn luôn bắt gặp những ánh mắt như thầm nói, chỉ vài ngày nữa đây, chúng ta sẽ đứng chiến đấu bên nhau. Họ là những người đã ở thành phố này nhiều năm như anh, và lâu hơn anh. Họ là những người mới từ ngoài vào. Họ kín đáo chia sẻ với anh niềm hạnh phúc dồn nén trong lòng. Anh tự bảo mình lầm. Nhưng rồi anh lại nghĩ mình không lầm. Nếu anh gặp một số người bạn chiến đấu trên đường phố Sài Gòn, thì đâu có gì là lạ! Anh luôn nhắc mình phải chế ngự niềm hưng phấn. Nhưng so với nỗi buồn, niềm vui thật khó chế ngự.

Hai Long còn phải hoàn tất một công việc chuẩn bị cho riêng mình. Làm cách nào để anh có thể đi lại ở Sài Gòn khi trận đánh đã bùng nổ? Anh dễ dàng lấy một thứ giấy tờ nào đó ở dinh Độc Lập. Nhưng nó lại trở thành nguy hiểm nếu nơi anh đi qua đã trở thành vùng của ta. Anh cần tìm một thứ bảo đảm cho phép mình xuất hiện ở tất cả những nơi có chiến sự. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh nhớ tới tổ chức viện trợ Công giáo quốc tế CARITAS mà từ lâu anh đã là một ủy viên. Anh tới đó lấy một tờ giấy chứng nhận mình là người của tổ chức này, và xin một lá cờ Chữ Thập Đỏ phòng khi dùng tới.

6.

Thiệu cho người tới mời Hai Long lên gặp ở gia đình trước khi ra về.

Hai vợ chồng Thiệu ngồi chờ anh trước một cành đào với tấm thiếp chúc Tết.

Thiệu nói:

- Có người ở Hồng Công vừa gửi về một cành đào, của hiếm hoi, vợ chồng tôi nghĩ trong dịp Tết này phải đem tặng ông giáo.

Vợ Thiệu tiếp lời chồng:

- Ông giáo giúp nhà tôi bao việc lớn mà chẳng nhận chi, ngày Tết chỉ có một cành bông mong ông giáo nhận cho. Gia đình ông giáo sinh trưởng ở miền Bắc, chắc nhớ bông đào mỗi dịp xuân về.

Cành đào khá lớn, đầy nụ, mới chỉ có ít bông hàm tiếu, chắc sẽ nở rộ vào đúng ngày Tết. Hôm qua, một dân biểu gửi tặng anh một phong pháo lớn, anh đã nhờ cha Nhuận đưa về Bình An biếu cha Hoàng. Anh làm ra vẻ vui mừng cảm ơn vợ chồng Thiệu, tuy biết ở nhà mình không có bình và không có cả chỗ cho cành bông này.

Hòe đứng chờ anh ở cổng dinh, xuýt xoa:

- Trời! Bao năm rồi lại mới nhìn thấy cành đào!

Hai Long cười:

- Tôi lấy về tặng anh đây.

- Phải để ở nhà đón xuân chớ! Cành đào quý như rứa!

- Anh biết nhà tôi rộng bao nhiêu mét vuông rồi. Nếu anh không nhận, tôi phải đem trả lại cho vợ chồng anh Thiệu.

- Vậy thì năm nay ta hên nhiều. Báo anh tin mới: Đã có thông tri cho 50% quân nhân di phép trong dịp Tết Nguyên đán. Thông tri nằm chỗ ông Hướng rồi.

- Lạy Chúa!

- Nhưng trừ vùng I chiến thuật anh à.

- Bà con ta ở Bắc phần lại phải nghe đại bác thay pháo đón xuân!

Hai Long ngồi sau xe máy để Hòe đèo về nhà. Từ khi hai người cùng vào Phủ tổng thống, sự quan hệ giữa họ đỡ phải giữ gìn hơn. Cành đào trong tay Hai Long thu hút cặp mắt những người đi trên đường.

Tới chỗ vắng người Hòe thủ thỉ:

- Bà Hòe tra hỏi tôi: "Dạo này có việc chi mà cứ đi suốt ngày, thình thoảng lại thấy cười một mình? Hay là lại bồ bịch chi rồi!"

- Anh trả lời sao? - Hai Long mỉm cười hỏi lại.

- Tôi trả lời quấy quá, bả không tin. Sau tôi phải nói: "Ông Hướng đang tính cho mình mần một chức to". Bả trợn mắt bảo: "Chức tước thì đừng dính vô, tôi hết muốn mang cơm, mang thuốc vô Tòa Khâm rồi!"

- Giỏi đó!

Hòe say sưa nói:

- Được dự vô kỳ này có chết cũng sướng, anh Hai a.

- Chết sao được!

- Tối 30 này, mời anh vô tôi, ta cụng ly, ngắm bông đào chuẩn bị đón ngày vui.

- Không được đâu! Lỡ trúng bữa đó bận thì sao?

- Ờ, tôi không nghĩ ra.

- Từ giờ phút này, coi như phải sẵn sàng.

- Những gia đình cơ sở của ta tốt lắm. Họ chỉ lo mừng hụt. Tất cả đã sẵn sàng.

- Công việc chuẩn bị của chúng ta chưa xong. Ta còn phải bàn tới trường hợp nếu trận này chưa giành toàn thắng, chúng mình lại phải tiếp tục chiến đấu lâu dài.

Đưa cành đào vào nhà xong, Hòe quay ra định đưa Hai Long về Thị Nghè. Nhưng Hai Long nói:

- Cho mình ra bến xe đi Bình Chiểu.

- Để tôi chở anh tới đó luôn.

- Bọn mình không nên cặp kè nhau.

Trung tâm vừa tăng cường cho lưới một điện đài. Anh cần phải báo cáo gấp: "Đã có lệnh ngừng bắn nhân dịp Tết, kéo dài 36 tiếng tại miền Nam, trừ vùng I chiến thuật. 50% quân nhân sẽ được đi phép". ---

[1] tiền được cấp riêng cho quân đội Mỹ, có mệnh giá như dollar xanh (dollar thường), chỉ dùng lưu hành nội bộ.

[2] hàng được Chính phủ Mỹ trợ giá

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ông Cố Vấn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook