Vết Bớt Hoa Điền

Chương 62: Hoà thân

Ngô Tàm Dĩ Lão

10/03/2023

Thảo nguyên bao la bát ngát trải dài vô tận đến tận cuối chân trời. Mặc dù mới vào cuối thu, chớm đông, nhưng cả thảo nguyên rộng lớn đã chìm trong biển tuyết trắng.

Xiêm y tơ lụa sớm đã được cất đi, thay vào đó là mũ lông cùng áo choàng da dê. Nhìn từ xa căn bản khó có thể nhận ra người thiếu nữ yểu điệu mong manh đất kinh kỳ ngày xưa. Nha hoàn Phong Nhi cũng thay đổi cách ăn mặc như vậy, tiểu cô nương vén màn, chậm rãi lên tiếng gọi Lý Tú Dung: “Cô nương, mau vào đi, da cô nương bị tổn thương do nứt nẻ không chịu nổi gió tuyết khắc nghiệt đâu.” Mặc dù đã xuất giá nhưng ngôn ngữ của Đại Trịnh và Tây Man hoàn toàn khác nhau, do vậy Phong Nhi và Mai Nhi vẫn dùng xưng hô ‘cô nương’ với Lý Tú Dung.

Hai tiếng “cô nương” như thể hiện sự không cam lòng, không muốn thừa nhận sự thật bẽ bàng của ba thiếu nữ trẻ tuổi vô duyên vô cớ bị đẩy tới Tây Man hoà thân.

Lý Tú Dung tiến vào trong trướng. Tại Tây Man, tất thảy những hoạt động sinh hoạt ngày thường đều diễn ra bên trong lều. Điều khiến Lý Tú Dung ngạc nhiên khi lần đầu tới mảnh đất này chính là: dù bên ngoài cuồng phong gào thét, gió tuyết phủ kín thảo nguyên, thì bên trong màn tất thảy đều nóng hừng hực, mọi người quây quần quanh đống lửa lớn, khoác áo da dê ấm áp.

Trên bếp lửa, đặt một chiếc nồi đồng, bốc hơi nghi ngút, mới vừa rồi một nữ tử Tây Man tiến tới bắc nồi lên, nói là chuẩn bị nướng thịt.

Dù đến Tây Man được một thời gian nhưng Lý Tú Dung vẫn không thể thích ứng được với ẩm thực nơi này, bữa ăn chỉ quanh quẩn không thịt khô thì là sữa. Trà ở đây cũng không thể uống, những khối được nấu trong nồi đồng nhỏ, nước đen sì, chẳng có chút tinh tế, thanh nhã. Trong mắt Lý Tú Dung thứ nước kia căn bản không thể gọi là trà.

Nàng vô cùng nhung nhớ quãng thời gian ở kinh thành, ngày ngày khoan thai chìm đắm trong mùi giấy mực cùng hương trà thanh mát thoang thoảng.

Nào chỉ có trà, nơi thảo nguyên hoang sơ lạnh lẽo này, đã hoàn toàn giết sạch toàn bộ sự kiên nhẫn và bình tĩnh của nàng, cũng thẳng tay bóp nát trái tim Lý Tú Dung. Nàng là tài nữ đệ nhất kinh thành, lại là vị tiểu thư cao quý khó người bì kịp. Trong khuê các được nuôi dạy cẩn thận, đồ dùng hàng ngày đều là những thứ tốt nhất, cơm áo, ăn mặc đều quý giá, tinh xảo không thua kém bất kỳ vị quận chúa, công chúa nào. Lý Tú Dung chưa từng nghĩ tới một ngày, sẽ trở thành quân cờ hoà thân của Đại Trịnh. Tuy có danh gả đến Tây Man làm dâu hoàng thất, lại là chính thê, nhưng đây nào phải cuộc sống vương giả, giàu sang mà người hoàng thất nên có, chỉ đơn giản được cấp chiếc lều lớn hơn mà thôi.

Mới hoà thân chưa đầy nửa tháng, Phong Nhi nhìn khuôn mặt tú lệ của chủ nhân đã hốc hác đi trông thấy, trên mặt hằn lên từng vết nứt nẻ mà khí hậu khắc nghiệt nơi đây mang lại.

Cả tinh thần cũng héo mòn, ủ dột. Phong Nhi và Mai Nhi là hai nha hoàn hồi môn Lý Lương Bật đích thân chọn cho con gái. Trong phủ thượng hai nàng cũng không phải người hầu nhất đẳng, thậm chí từ trước tới nay rất ít khi được hầu hạ tiểu thư, nhưng sức khoẻ lại đặc biệt tốt. Tây Man cằn cỗi, hoang vu, quý nữ hoà thân từ trước tới nay đều yểu mệnh, tỳ nữ cho dù thế nào thân thể phải tốt mới có thể che chở, hầu hạ chủ nhân.

Phong Nhi cầm bình cao mỡ dê, cẩn thận bôi lên những vết nứt trên mặt tiểu thư, hy vọng mấy vết rách kia sẽ sớm lành lại, đồng thời cũng lo lắng có thể để lại sẹo.

Vì để trở thành người đại diện Đại Trịnh đi hoà thân nàng được phong làm huyện chủ, Đại Trịnh chuẩn bị hơn mười bốn xe của hồi môn cho Lý Tú Dung đến Siết Đan Bộ đều bị người Tây Man chiếm đoạt phân phát cho người trong tộc. Như thể của hồi môn của nàng đều bị biến thành chiến lợi phẩm của đám man di, thậm chí không một kẻ nào từng hỏi qua ý kiến của nàng. Cách hành xử của dân Tây Man vẫn chưa được khai hoá văn minh, luôn bị người Trung Nguyên khinh khi, coi thường. Ngày trước gặp người Tây Man trên đường hoặc trong hoàng cung, ấn tượng của Lý Tú Dung với tộc người này chỉ dừng lại ở sự thô lỗ, cục mịch bình thường. Nào biết dân tộc Tây Man lại nghèo nàn, lạc hậu đến vậy. Nếu đã thành thân, thì cả đời nàng cũng không thể rời khỏi nơi này, dù có chết thân xác cũng bị chôn vùi giữa thảo nguyên quạnh hiu, vô tận.

“Cô nương vẫn nên trang điểm qua một chút, Siết Đan vương chuẩn bị ghé thăm.” Phong Nhi cực kỳ không tình nguyện khuyên nhủ, lấy một hộp gỗ nhỏ và gương đến.

Cả một cái trướng lớn nhường này mà chỉ có duy nhất một cái giường, một cái tủ nhỏ, còn lại đều là thảm da dê dày cộp. Hộp trang điểm và gương đều được làm từ gỗ trắc quý hiếm, khảm trai tinh xảo, tay cầm sơn son thếp vàng, đặt trong căn trướng thô sơ, đơn giản này quả thực không hề thích hợp. Chỉ một điều nhỏ nhặt này thôi cũng khơi gợi trong lòng Lý Tú Dung sự tưởng niệm, nhớ nhung đế đô tráng lệ, sa hoa.

Nghe nói Y Cáp Tang sắp tới, đáy mắt vốn ảm đạm của nàng lại phủ thêm một tầng ầu sầu, buồn bã. Vị Cáp Y Tang kia nàng đã từng gặp một lần tại dạ yến trong hoàng cung Đại Trịnh. Ngày ấy nàng chưa từng một lần nghĩ đến tương lai mình lại là người sẽ đi hoà thân nơi thảo nguyên xa xôi.

Đến Siết Đan Bộ đã mười mấy ngày, Lý Tú Dung đã hiểu được sự khác biệt một trời một vực giữa vùng Thảo nguyên cằn cỗi nơi Man di cư trú với Trung Nguyên giàu có phồn vinh.

Chưa nói đến điều khác, chỉ xét về luân thường đạo lý, những nề nếp căn bản, nơi đây đã hoàn toàn khác xa Đại Trịnh, như thế một thế giới hoàn toàn cách biệt.

Nếu huynh trưởng mất, mà con trai trưởng chưa trưởng thành thì tiểu thúc sẽ cưới trưởng tẩu, đây gọi là: thâu kế.

Nếu ở Đại Trịnh việc tiểu thúc lấy đại tẩu có thể coi là một tội danh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức luân thường.

Đáng sợ hơn chính là tục tảo hôn tại đây, tiểu nữ tử mới mười một, mười hai tuổi đã phải thành thân, tuy nhiên sau khi lập gia đình nàng không được ở trong khuê phòng tĩnh dưỡng, chăm lo gia đình mà còn phải dậy sớm học cưỡi ngựa, bắn tên, cho dù đêm hôm khuya khoắt không một ánh sao trời cũng phải một mình tìm đồng cỏ chăn thả đàn gia súc.



Lý Tú Dung biết toàn bộ sở học cả thời nửa đời nàng, tại nơi cằn cỗi này chẳng có bất kỳ ý nghĩa nào. Đã từng là quý nữ danh gia, nức tiếng kinh thành, nhưng giữa thoảng nguyên bao la này đây, nàng chẳng khác nào một đoá hoa thanh tú nhưng vô dụng không hơn không kém.

Thậm chí nếu muốn sống sót, một đoá hoa phải ép mình trở thành một ngọn cỏ dai dẳng, kiên cường.

Quên đi tất thảy chuyện trước kia? Há lại dễ dàng đến thế?

Phong Nhi thấy nét mặt sầu bi của tiểu thư, không thể không cầm theo bình nước nóng, và áo choàng da dê đi đến, choàng lên vai Lý Tú Dung, khẽ nói: “Trên dưới bộ lạc Siết Đan chỉ có mình cô nương là vương phi cao quý nhất. Nếu sau này Tây Man thống nhất, có phải sẽ có một toà thành trì cố định, không cần lang bạt, nay đây mai đó giữa thảo nguyên nữa đúng không?”

Trong chuyến hành trình cùng gia quyến trở về Tây Man, đi được nửa đường Siết Đan vương đột ngột chết bất đắc kỳ tử, Y Cáp Tang đương nhiên trở thành Tân chủ Siết Đan Bộ. Tây Man không chú trọng đến việc giữ đạo hiếu, ngày thứ hai sau khi đến nơi, cả bộ lạc đã quây quần bên đống lửa cầu nguyện, sau đó đến gò đất lớn quỳ lạy trời đất, tiếp theo các tộc nhân cùng nhau giết trâu, mổ dê, vắt ít sữa bò làm điểm tâm, coi như tổ chức lễ đón dâu.

Thậm chí Y Cáp Tang không chuyển đến ở cùng doanh trướng với Lý Tú Dung, hoàn thành lễ việc viên phòng, thay vào đó ngay hôm sau đã giục ngựa đi. Hắn nói với người hầu, đi đến võ trường đổ chút mồ hôi, thuận tiện giải quyết đống quân vụ còn dang dở chưa xong. Cho tới sáng sớm hôm nay, người hầu nhỏ nhẹ đến gõ cửa, thỏ thẻ dùng thứ tiếng Hán lủng củng diễn đạt với Phong Nhi rằng: Hôm nay Siết Đan vương sẽ trở về, buổi chiều muốn tới thăm vương phi.

Lý Tú Dung hiểu điều này nghĩa là gì.

Vốn dĩ, ngày hôm tại cung yến, hắn vốn nhìn trúng Tiểu Viện, cũng bởi vậy mà hắn từ chối tất cả những quý nữ mà Hằng Xương Đế muốn chỉ định hoà thân với Tây Man. Nhưng mục đích của Đại Trịnh ngay từ đầu chính là: không đánh mà thắng, há dễ dàng buông tha cơ hội lôi kéo Siết Đan Bộ? Sau này Tần Chí Thành ổn đính lại cục diện biên cương, Siết Đan vương vì muốn dành chiến thắng trước Đại Khả Hãn đã chủ động viết thư yêu cầu hoà thân gửi Hằng Xương Đế, đồng thời đưa ra những điều kiện vô cùng hấp dẫn.

Trước kia theo tin tức Lý Tú Dung nghe được: Người được tuyển chọn là Ngô Phàm Vân, vì dù nàng ta xuất thân vọng tộc, nhưng chỉ là thứ nữ gia đình quan thương, không có chỗ dựa, thích hợp để gửi đi hoà thân. Những nữ tử trước đây thay mặt hoàng thất đến đất khách quê người làm dâu phần lớn đều có xuất thân như vậy.

Lý Tú Dung đâu ngờ được rằng một lần ghé thăm Trạm Vương phủ, cùng lắm có vài vấn đề bất đồng ý kiến mà có chút giằng co với Trạm Vương phi, lập tức dẫn đến hệ quả hửng sáng hôm sau nhận được một bức thánh dụ hoà thân. Đêm đó Lý Lương Bật đại nhân tức tốc thay quan phục cầm theo thẻ chầu vội vàng vào cung yết kiến Hằng Xương Đế nói lý lẽ. Nhưng nào hay Trạm Vương điện hạ đã tới trước một bước, ngồi trong thiên điện cùng bệ hạ thương nghị chuyện quan trọng. Cả đêm đó ông chờ ngoài cả cung, không được phê chuẩn vào gặp mặt hoảng đế. Ngày kế tiếp Lý Lương Bật đại nhân lao lực quá độ mà ngã bệnh.

Phe cánh Tiền tướng sụp đổ, tướng quyền của hữu tướng Lý Lương Bật cũng không thể giữ lại. Sự cân bằng quyền lực bị phá vỡ, điều cần làm nhất chính là tái cơ cấu bộ máy, tạo một thế lực cân bằng mới. Đây chính là thủ đoạn sát phạt quyết đoán của kẻ làm đế vương.

Nửa cuộc đời Lý Lương Bật phụng sự Hằng Xương Đế, cũng chưa từng thấy cái vô tình, máu lạnh này từ vị quân vương ông quyết trung thành. Xét cho cùng yếu tố tiên quyết hẳn là từ vị học trò thông minh trác tuyệt mà cả đời ông tâm đắc nhất kia.

Người xưa đã nói gần vua như gần cọp, quả chẳng sai. Thoáng chốc Lý Lương Bật giật mình lo lắng, bẽ bàng nhận ra, kẻ mang dòng máu đế vương ngàn đời là vậy. Mây mưa tráo trở bàn tay, những tuồng khinh bạc đời này biết bao. Ông sống một đời thanh chính, liêm minh, đến dấu chấm hết của cuộc đời lại phải dùng chính con gái để để giữ gìn thanh danh thánh hiền, bảo toàn thành tựu… có chết cũng cảm thấy không thể chấp nhận.

(*) Thành ngữ “Phiên vân phúc vũ” (翻云、覆雨) là dạng rút gọn của “Phiên thủ vi vân, phúc thủ vi vũ” (翻手为云、覆手为雨). Ý nghĩa của thành ngữ này là chỉ sự thay đổi như chong chóng, không biết đâu mà lần. Nghĩa bóng chỉ những người hay thủ đoạn, phản phúc, lèo lái, đảo điên. Nó có xuất xứ từ bài thơ “贫交行” [Bần giao hành] của 杜甫 (Đỗ Phủ).

Tại thời điểm diễn ra cung biến, ông chẳng mảy may cân đong đo đếm thiệt hơn, không tiếc thân mình tương trợ Trạm Vương điện hạ, vậy mà đổi lại kẻ học trò kia lại đứng sau giật dây Hằng Xương Đế giáng xuống gia đình ông chuyện tàn khốc đến nhường này. Càng không thể chấp nhận được, là những năm tháng cuối đời đứa con gái duy nhất mà ông hết mực yêu thương lại bị đày tới nơi biên tái nghèo nàn, lạc hậu hoà thân.

Hoà thân - hai chữ nghe thật to tát biết bao, nhưng đó chỉ là trên danh nghĩa, ai chẳng biết danh môn quý nữ tới Tây Man, chỉ qua mấy năm đã bị mài mòn không còn hình người, tiêu điều, xơ xác.

Gần vua như gần cọp, Lý Lương Bật cả đời tự cho mình là môn tường (*) rộng rãi, công huân cao ngất, thậm chí tự nhận là kẻ có học thanh cao, nhưng cuối cùng kết cục cũng bẽ bàng chẳng kém đối thủ một mất một còn - Tiền Trọng Mưu là bao.

(*) “Môn tường” 门墙, cũng gọi là “cung tường” 宫墙, điển cố này xuất phát từ một đoạn nghị luận của Tử Cống 子贡 được chép ở thiên Tử Trương 子张 trong Luận ngữ 论语. Hiểu nôm na thì Môn tường là cỏng nhà sư phụ, người dạy ta lý lẽ, học thức, hoặc chỉ sự bắt đầu của việc nhập môn học tập.

Vì để an ủi phụ thân, lo lắng ông lo nghĩ nhiều sinh bệnh, sợ bản thân đánh mất người ruột thịt duy nhất này, cuối cùng Lý Tú Dung lau khô nước mắt, chấp nhận thánh chỉ hoà thân. Trên thực tế hành động này cũng chẳng thay đổi được kết quả đã định chỉ là giả vờ tỏ vẻ thanh cao chấp nhận với bị bắt ép phải đồng ý mà thôi.

An Thái thậm chí còn dẫn theo toàn bộ tú nương trong phủ công chúa tới tướng phủ gấp gáp cho may một bộ hỷ phục tinh xảo giúp nàng. Nhưng thời gian xuất giá quá mức gấp gáp, hỷ phục may chưa đạt đến độ hoàn hảo như dự kiến, nàng đã phải xuất quan đến nơi đất khách quê người thành thân. Hằng Xương Đế muốn thể hiện thành ý, thậm chí còn cùng hoàng hậu đích thân đưa dâu tới ngoại thành.

Đội ngũ đưa dâu trùng trùng điệp điệp thẳng một đường đi về hướng bắc xa xôi, càng đi cảnh trí hai bên đường càng hoang vu, hoang vắng, những toà thành sầm uất bị bỏ lại đằng sau càng lúc càng nhỏ bé, cho đến khi khuất bóng sau những rặng núi xa xăm. Lúc ra khỏi thành khua chiêng gõ trống linh đình náo nhiệt, đến biên giới hai nước đoàn rước dâu kẻ nào kẻ nấy đều đã mệt mỏi, kiệt sức.



Tốt xấu gì Y Cáp Tang cũng am hiểu tiếng Hán hơn nữa có một thời gian dài sống và học tập tại kinh sư, vì thế có thể đích thân tới đón đoàn hoà thân. Lần đầu tiên gặp hắn, trên gương mặt nam tử kia chẳng may may một chút bi thương của người con vừa mất cha.

Phía sau lưng hắn là thảo nguyên bao la bất tận, Lý Tú Dung phóng mắt nhìn về khoảng trời sâu hun hút sau lưng hắn, vẫn không thể chấp nhận được nửa đời sau của mình sẽ gắn liền với mảnh đất ấy, cùng những con người ấy.

Mọi thứ đều đền quá mức vội vàng, quá mức tàn nhẫn.

Nghĩ đến người cha đang bị bệnh tật quấn thân, Lý Tú Dung kìm không nổi lặng lẽ rơi lệ. Kinh sư xa xôi, nàng giờ đã là nữ nhân của Siết Đan Bộ, đời này không biết có còn cơ hội quay trở lại đế đô phồn hoa tươi đẹp tựa giấc mộng.

Trong màn trướng da dê, bếp than vang lên tiếng nổ bôm bốp khe khẽ, dễ dàng cuốn người ta vào cơn buồn ngủ. Nơi này không có nhiều thứ đồ chơi tinh xảo giết thời gian như trong khuê phòng của các tiểu thư Đại Trịnh. Không có hương liệu để điều chế, cũng không có khung thêu, ngay cả đèn đuốc, dầu nến cũng phải chờ các đoàn thương lái ghé qua mới có thể mua được. Sinh hoạt hằng ngày của Siết Đan vương, thậm chí còn nghèo nàn, thiếu thốn hơn cả nông dân Đại Trịnh.

Lý Tú Dung không muốn suy nghĩ tiếp nữa, chậm rãi bôi cao mỡ dê lên những vết nứt nẻ trên mặt, vết nứt nhìn chung đã khép miệng, không còn đau rát như ban đầu nữa.

Chẳng hiểu vì sao…có thể do nhàm chán… cũng có thể do trong trướng quá mức ấm áp, nàng nằm thiếp đi lúc nào không hay.

Thời điểm Lý Tú Dung tỉnh lại, cảm thấy có chút lạnh, ra trời đã sẩm tối, nàng ngủ một giấc không để ý đến thời gian. Nơi này không có đồng hồ nước báo thời gian, nàng dụi dụi mắt, nhớ ra mình đã được đưa tới Tây Man hoà thân, đây không phải là một giấc mộng.

Cảm giác mất mát, thương tâm và trống rỗng đột ngột dâng lên.

Thương tâm thì thương tâm con người ta vẫn phải sống, hơn nữa thứ cảm xúc bi thương của hiện tại cũng giảm bớt nhiều so với ngày đầu tới đây, thậm chí lòng Lý Tú Dung cũng có vài phần chấp nhận số phận, sẵn sàng chung sống với nó. Nàng bắc nồi đồng lên bếp, định nấu chút nước nóng.

Đang ngồi ngay ngắn cạnh bếp lửa bỗng nhiên một cơn gió lạnh thổi vào màn trướng, theo đó một nam nhân cường tráng bước vào. Hắn xoay người nhanh chóng khép lại cửa trướng, nhìn bộ dáng đông cứng kia có thể đoán được bên ngoài lạnh giá thế nào.

Thấy Y Cáp Tang xoay người, Lý Tú Dung theo phản xạ rụt người lại, đôi mắt phượng trong trẻo xuống không dám nhìn qua hắn.

(1) “Môn tường” 门墙, cũng gọi là “cung tường” 宫墙, điển cố này xuất phát từ một đoạn nghị luận của Tử Cống 子贡 được chép ở thiên Tử Trương 子张 trong Luận ngữ 论语.

Tử Cống người nước Vệ thời Xuân Thu, họ Đoan Mộc 端木, tên Tứ 赐, là một trong những học trò đắc ý của Khổng Tử. Quan Đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Vũ Thúc 叔孙武叔 từng có lần tại triều nói với các quan Đại phu khác rằng:

- Xem ra Tử Cống hơn thầy của anh ta.

Lời này truyền đến tai Tử Cống, Tử Cống liền nói:

- Ví như đem tường vây chung quanh nhà mà nói: tường nhà tôi mới cao tới vai, từ bên ngoài nhìn vào bên trong, những gì tương đối tốt trong nhà, ai cũng có thể nhìn thấy toàn bộ một cách rõ ràng; còn tường của nhà thầy tôi lại cao đến mấy nhận (theo thước nhà Chu 1 nhận là 7 thước), nếu tìm không thấy cổng, không vào được bên trong, thì không có cách nào nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ

của tổ miếu, vẻ phú lệ đường hoàng của các phòng ốc. Những người may mắn từ cổng của nhà thầy mà vào e là rất ít. Như vậy xem ra, lời của Thúc Tôn Vũ Thúc chẳng phải cũng là khó trách sao!

Những lời của Tử Cống ý nói học vấn phẩm đức của bản thân mình hãy còn nông cạn, hạn chế, làm sao có thể sánh với học thức uyên bác của thầy.

Về sau, người ta gọi cổng nhà thầy (sư môn 师门) là “môn tường”. Hình dung sơ bộ học được một chút gì đó gọi là “nhập môn”.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vết Bớt Hoa Điền

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook