Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 22: Trại ngựa và xưởng gốm Cosworlds

Lý Thanh

18/06/2020

Bia táo vùng Cosworlds nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức vào cả văn chương. Rachel hỏi Hạnh đã đọc cuốn 'Cider with Rosie' của nhà văn Laurie Lee chưa. Hạnh thành thật lắc đầu khi hai người đi bộ dọc con đường có hàng rào là các khối đá sắp thành hàng, uốn lượn trên lối từ làng Burford chạy vào phía một cánh đồng xa. Họ đến trại nuôi ngựa để thăm Rosie, cô ngựa của Rachel gửi ở đó. Hạnh biết người Anh yêu chó mèo các thú nhỏ (pet) nuôi trong nhà nhưng tưởng là phải nhà quý tộc mới sở hữu ngựa. Lời giải thích của Rachel xóa đi huyền thoại đó. Ở đây ai muốn mua ngựa đều được, như mua bất cứ gia súc, vật nuôi khác. Nếu nhà riêng có vườn rộng và lối ra cánh đồng thì chủ xây chuồng để nhốt ngựa, còn không có thì thuê chuồng và người chăm. Cuối tuần, ngày nghỉ cô Rachel đến thăm con ngựa của mình, cưỡi đi chơi rồi dắt về trại ngựa để gửi. Vùng đất này nhiều đồng cỏ và các mảng đồi thấp, ít sông ngòi to, chỉ có những con lạch mà lối cho bò ngựa đi qua gọi là 'ford', sinh ra các cái tên như Oxford, Burford, Stafford. Nằm về phía Tây London, Cosworlds từng là trung tâm của hai nghề: nuôi cừu làm len và khai thác mỏ đá cho xây dựng. Các xưởng đá ở đây đã tạo ra các tháp chuông nhà thờ cao vút khắp vùng Đông Nam nước Anh. Đi giữa những ngôi làng có nhà lúp xúp phủ mái rạ và cỏ cứng, gọi là 'thatch', Rachel kể cho Hạnh câu chuyện về cậu thiếu niên ở làng Slad, Gloucestershire đi bộ từ vùng này xuống London, rồi đi tiếp sang tận Tây Ban Nha. Cuốn tiểu thuyết ba tập của Laurie Lee trong khung cảnh nước Anh mất đi nếp sống làng quê xưa những ngày sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất để lại ấn tượng mạnh với Rachel từ hồi nhỏ đến nỗi cô lấy tên nhân vật nữ ra đặt cho con ngựa của mình. Hạnh ồ lên:

“-Ở Việt Nam có chuyện Dế mèn phiêu lưu ký, cũng nói về một cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chú dế mèn, trải qua bao vất vả, được thử thách và đón nhận tình bạn.”

“-Ừ, văn học mọi dân tộc đều có điểm giống nhau.”

Rachel cười thích thú và bảo Hạnh dừng lại cạnh một bờ rào thấp, lấy chai nước từ balô ra uống. Nông thôn Anh có nhiều hàng rào 'hedgerow', là những bụi cây gai được bó lại, xén phẳng cứ một quãng lại có chỗ lõm vào để người và xe đi lại tránh nhau. Hạnh thấy người Anh có văn hóa nhường đường thật lịch lãm. Đoạn đường nhỏ từ làng vào khu trang trại này gần một cây số mà có dăm bảy lần hai cô gái được dân địa phương nhường lối. Ở đây, các ông bà nông dân đi ủng đi bộ, cưỡi ngựa, đi xe ô-tô, lái máy cày đều lịch sự như nhau, luôn dừng lại, ra hiệu cho Hạnh và Rachel đi qua. Những cánh đồng xanh mát, bát ngải trải dài tới chân ngọn núi nhỏ toát lên sự thanh bình. Hai cô bước đi trong sự yên lặng khó tả, đôi lúc chỉ nghe tiếng chim hót và dế kêu trong bụi cây. Vừa đi Hạnh vừa nghĩ, nông thôn hiện đại không phải là có nhiều công xưởng, máy móc ồn ào nhả khói, mà là việc khai thác ruộng đồng có năng suất lao động rất cao trong môi trường vẫn rất bình yên, xinh tươi.

Trại ngựa có hai phần, một bên là dãy chuồng cũ, gọi là 'Old stables' cho những người địa phương gồm Rachel gửi ngựa vì không có chỗ nuôi tại gia, một bên là trường dạy cưỡi ngựa (riding school), và dịch vụ chăm sóc ngựa đua. Rachel khoe là 'nursery' (trạm xá) ở đây đã nhận chữa cho cả một số ngựa bị thương từ trường đua của Hoàng gia ở Ascot. Chỉ tay về phía London, Rachel bảo:

“-Từ đây tới Ascot chỉ có vài chục dặm thôi mà, và ngựa ở vùng này đã được chọn vào đội đua hơn hai trăm năm nay.”

Hạnh không hiểu lắm về nghề đua ngựa ở Anh, chỉ thấy đôi khi trên truyền hình chiếu cảnh các quý ông, quý bà đội mũ kiểu cổ xưa dự cuộc đua hàng năm ở Royal Ascot mà năm nào cũng có thành viên Hoàng gia khai trương. Tiền cho giải thưởng ở Ascot, cô nghe một bạn ở ngân hàng HSBC nói, lên tới cả chục triệu đô, nhưng doanh thu cho các nhà cái trên cả nước thì hàng trăm triệu. Nước Anh này khôn ghê, cái gì cũng biết giữ để làm ra tiền, mà nhiều tiền. Ngay con ngựa Rachel nuôi ở đây đã một phần ba lương hàng năm của cô. Thế mới biết bao nhiêu trò chơi cao sang đều bắt đầu từ những chuồng trại đơn sơ như trại bò, chuồng trâu thế này. Rachel dẫn Hạnh vào thăm Rosie. Lần đầu tiên vào một chuồng ngựa, Hạnh không khỏi thấy mùi hôi của nước tiểu và phân ngựa xộc lên mũi. Lại gần hơn con ngựa yêu quý của bạn, Hạnh vẫn không thể không nhăn mùi vì...mùi mồ hôi ngựa. Chẳng để ý đến chuyện đó, Rachel ôm ngay đầu cô ngựa ba tuổi, vuốt đầu, vuốt bờm, xoa mắt và...hôn nó. Con ngựa chỉ khịt khịt cái mũi to ướt át, chịu cho cô chủ chăm sóc. Thấu Hạnh đứng hơi xa, vẻ e ngại, Rachel bảo:



“-Bạn đừng sợ, cứ sờ vào cổ và lưng nó đi.”

Hạnh rụt rè để tay lên bờm ngựa màu trắng bàng bạc. Con ngựa nghiêng cổ cho cô gãi. Thích thật đấ̃y, cứ như là chú chó to thôi nhỉ. Rachel kiểm tra lại thức ăn, nước uống trong chuồng ngựa rồi dắt Rosie ra ngoài 'track' là một khu có rào xung quanh để ngựa đi dạo. Trong khu vực đó, Hạnh được Rachel cho mượn đồ kỵ sĩ với cả mũ helmet bảo hiểm để ngồi lên Rosie để con ngựa đi bước chậm rãi vòng quanh phía trong hàng rào. Đây là chỗ trẻ em và những người chưa được tập luyện môn horse riding (phi ngựa), được quyền sử dụng. Còn muốn phi ngựa thì phải là kỵ sĩ đã qua khóa học, có bảo hiểm và chỉ được phi ngoài rừng và trên cánh đồng. Lần đầu tiên Hạnh kiêu hãnh ngồi cao trên con ngựa lang màu trắng và xám, Rachel đi bộ ở bên cạnh, dắt ngựa bằng dây cương da và bảo Hạnh tập thử nhún chân nhẹ, lưng thả lỏng nhưng thẳng. Hai anh chàng nhân viên trại ngựa, anh nào cũng cao to, dáng thô kiểu nhà nông Anh, ra dấu 'OK' cho Rachel và Hạnh. Trong track có thêm mấy gia đình nữa, gồm cả trẻ em và mấy thanh niên tập làm kỵ sĩ. Nửa giờ trôi qua thật nhanh. Hạnh vô cùng thích thú trên lưng ngựa.

Hạnh vào quán cà phê nhỏ ngồi đợi Rachel cưỡi ngựa phi ra ngoài cánh rừng gần đó. Cô nhấc điện thoại lên, xem mấy bức ảnh cưỡi ngựa và rất hài lòng. Khoác áo len đỏ, đầu đội mũ trắng, cô một lần nữa lại là người phụ nữ châu Á duy nhất và thu hút ánh mắt của dân địa phương ở địa điểm tuy nhỏ nhưng là một phần của môn thể thao quý tộc Anh Quốc.

Ngày hôm sau, Rachel dẫn Hạnh đến thăm cha mẹ cô ở một xưởng gốm gần Chipping Norton. Trên đường đi, Rachel kể với Hạnh một chuyện buồn trong gia đình và nhắc trước rằng nếu mẹ cô kể nhiều về Jamie thì cứ chịu khó lắng nghe và thông cảm với bà. Jamie là con riêng của mẹ Rachel và chỉ ở với cha đẻ đến năm 15 tuổi là bỏ đi. Cậu thiếu niên sa ngã vào thế giới trẻ hư ở London và bị bắt vào trại cho người vị thanh niên. Giai đoạn sau của cuộc đời anh là câu chuyện của một người dũng cảm vượt qua chính mình để hoàn lương. Anh đăng lính, sang Afghanistan làm lái xe vận tải cho quân Anh đóng ở tỉnh Helmand. Trong một lần vận chuyển thương binh giúp cho quân đội nước chủ nhà, xe của anh trúng mìn phe Taliban gài bên đường. Jamie bị thương nặng và chết sau đó trong bệnh viên quân đội Anh trên đảo Cyprus, nửa đường từ Trung Đông về nước. Hạnh lặng người đi. Không ngờ một vùng quê bình yên lại chịu nỗi đau của cuộc chiến cách xa hàng nghìn dặm như vậy. Cô hứa sẽ im lặng.

Hai ông bà pha trà, mua bánh scone mời hai cô gái ăn cùng mứt quả. Cha mẹ Rachel trông đã nghỉ hưu từ công việc ở London nhưng mua nhà tại vùng này để làm gốm, thú vui của cả hai từ hồi trẻ. Hạnh kể cho Rachel và hai bác chuyện đi chơi châu Âu, chỉ không nói ra về Lucio. Khác với lo ngại của Rachel, bà mẹ không nói gì về cái chết của người con riêng. Hạnh để ý thấy ba bốn bức chân dung trên gốm của Jamie, chắc do mẹ anh vẽ để giải tỏa nỗi đau mất con. Cặp mặt to và nụ cười tươi của chàng thanh niên mặc quân phục từ cái đĩa gốm nhìn thẳng vào cô. Hạnh giật mình nghĩ về bố mẹ ở Hà Nội. Chắc ngày mai về London mình phải nối Skype hỏi thăm bố mẹ, cô tự nhủ. Bố mẹ xem ảnh cô đi Slovakia và Đức đã rất thích rồi, giờ có thêm chùm ảnh con gái cưỡi ngựa đẹp như nữ bá tước trong truyện cổ tích Nga nữa thì càng tuyệt. Hạnh cứ tự hình dung ra cảm xúc của bố mẹ khi nhìn hai ông bà người Anh lúi húi thu dọn tách, ly sau bữa 'tea time'.

Bữa tối ở nhà Rachel có món thịt cừu rán, khoai Tây chiên và đậu cô-ve. Hạnh chỉ cúi đầu xuống khi Rachel và cha mẹ làm dấu thánh và tạ ơn Chúa trước khi dùng bữa. Cô đã quen với các thủ tục tôn giáo của người Anh, chỉ nhớ rằng dân London gần như không còn làm các động tác đó, nhưng người ở các vùng quê thì vẫn đi nhà thờ, làm lễ, làm dấu thánh theo đúng truyền thống xưa. Mà nói đúng ra, như Karl có lần giải thích cho Hạnh hiểu, dân các vùng 'home countries' xung quanh London mới là người bảo tồn văn hóa Anh gốc, còn London luôn hòa trộn các dòng văn hóa, và bản thân người Anh ở vùng quê coi thủ đô là bộ mặt hướng ra thế giới chứ không còn là 'nước của Anh' truyền thống của họ. Ra khỏi London, cuộc sống của người ta vẫn rất tốt, thậm chí khung cảnh còn xanh, sạch và đẹp đẽ hơn đô thị gần 10 triệu người luôn ồn ào, vội vã và xả rất nhiều rác. Ở Cotsworlds giá nhà còn cao hơn ở London bởi nhà ai cũng đều có vườn đất rất rộng, và các hạt Oxfordshire, Gloucestershire đều giàu có từ bao đời nhờ nuôi bò, ngựa, cừu và nghề xây dựng lâu đài, nhà thờ. Hạnh ước mơ có một mái nhà như thế này, ở xa nơi đô hội cũng được. Nhưng cô không dám chắc là sống ở những làng xa thế này có buồn không, có thiếu tình bạn bè với những người mới đến Anh như cô hay không. Mỗi lần đi là một lần biết thêm cuộc sống mới lạ...của những người khác. Gia cảnh của mỗi nhà một khác, điểm chung duy nhất là gia đình, cha mẹ, anh chị em, kể cả hình bóng của người đã mất như anh cùng mẹ khác cha của Rachel, luôn tạo ra tấm nệm vô hình để đỡ ta mỗi khi ngã. Xa Hà Nội, Hạnh chưa biết tìm tấm nệm mới ở chỗ nào đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook