Nụ Hôn Của Samire

Chương 9: Đất nước tôi đổi vương triều

Chi Phương Khỏa Lạp

03/11/2021

Samire là Nữ hoàng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Bernard, bà lên ngôi vào năm 4 tuổi, kết hôn năm 18 tuổi và qua đời ở tuổi 52. Trong suốt 48 năm bà trị vì, lãnh thổ của đế quốc Bernard đã được mở rộng gấp đôi, chẳng những chiếm đại lục Nam Dương làm thuộc địa mà còn thôn tính một số nước nhỏ xung quanh, trở thành quốc gia hùng mạnh nhất phương Tây thời bấy giờ. Bà đã làm nhiều việc lớn có ích cho đất nước và người dân, xứng danh bậc quân vương vĩ đại.

Nhưng quân vương vĩ đại cũng có lúc sa cơ lỡ vận, ngày còn trẻ bà từng bị Thái hậu và người tình khống chế, cấm cản không cho liên lạc với các quý tộc, bà bị giam lỏng tại Cung điện Mùa đông ở ngoại ô thủ đô của Bernard hơn mười năm, bên cạnh chỉ có hầu gái và hoạn quan. Nữ hoàng bị bó tay bó chân, đến nỗi ra ngoài đi dạo cũng phải được sự đồng ý, may còn có sách vở làm bạn, không tới mức phát điên vì bị giam cầm.

Tuổi 18 dậy thì, Nữ hoàng ngày càng xinh đẹp đoan trang, có rất nhiều người đến từ các nước khác nhau tìm tới cầu hôn, dưới sức ép áp lực, Thái hậu và người tình của bà ta đành phải thả Nữ hoàng, cho phép bà dự tiệc xã giao, song vẫn bị giám sát chặt chẽ, không có lấy một bí mật riêng tư. Nữ hoàng đã chọn Vương tử vương quốc West trong số những người đến cầu hôn, cũng đạt được sự ủng hộ từ West, sau đó lại liên thủ với các quý tộc nội ứng ngoại hợp, đoạt lại vương quyền, cuối cùng xử tử tình nhân của Vương mẫu hậu rồi giam cầm bà ta.

Nữ hoàng đã hạ sinh một hoàng tử sau khi kết hôn, sống một thời gian tương đối ổn định, tiếc thay ngày vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu sau, Hoàng tế ngang nhiên bao nuôi nhân tình, còn liên kết với các chư hầu quý tộc nắm quyền hoàng gia. Nữ hoàng nhẫn nhịn hết những chuyện đó, thậm chí còn hạ mình để lấy lòng bọn họ, trải qua 7 năm, Nữ hoàng đã giành về quyền kiểm soát, đích thân đưa từng quý tộc lên máy chém, Hoàng tế cũng chết trên giường người tình trong một buổi tối nào đó.

Kể từ đấy, Nữ hoàng nắm quyền điều hành trong ngoài cung điện.

Năm 31 tuổi, Nữ hoàng yêu một giám mục trẻ ở Tòa thánh, họ yêu nhau say đắm, Nữ hoàng rất muốn cưới người tình dù có phải đoạn tuyệt với Giáo hội. Nhưng gã tình nhân rất sợ, hắn chỉ trích Nữ hoàng vô liêm sỉ, ép Giáo sĩ phải phá giới – đó là biến cố nghiêm trọng nhất mà Nữ hoàng gặp phải trong đời, suýt mất cả ngai vàng, trả giá bằng rất nhiều hy sinh đổ máu, khó khăn lắm Nữ hoàng mới bảo vệ được vương vị, không lâu sau, tay giám mục đột ngột qua đời tại giáo khu do hắn quản xứ, tử trạng rất kinh khủng, ai ai cũng kháo nhau chính Nữ hoàng đã giết hắn ta.

Samire có một truyền thuyết rất đáng sợ.

Đồn rằng người tình của Vương mẫu hậu, Hoàng tế của bà, các quý tộc chư hầu từng uy hiếp bà, gã giám mục đã phản bội bà, tất cả đều bị chặt đầu sau khi chết.

Những cái đầu đó được Nữ hoàng cất giữ trong phòng ngủ của mình, giữa đêm khuya thanh vắng, Nữ hoàng lại hôn những chiếc đầu ấy với vẻ mặt say đắm, như thể đang hôn người mình yêu.

Đọc xong câu chuyện này, tôi toát mồ hôi lạnh, tự an ủi mình tin đồn chỉ là tin đồn, thực tế không hề có chuyện điên rồ như vậy.

Mấy hôm sau, mọi người đưa tiễn người thân lên đường ra chiến trường.

Đời sống trong nước không có nhiều thay đổi, ngày nào báo chí cũng tuyên truyền quân Phổ chiến đấu dũng cảm, tin mừng báo về dồn dập.

Tiếc thay tin tốt không kéo dài lâu, 5 tháng sau, ba nước Bernard, West, Sars kết liên minh cùng chống lại Phổ. Chẳng mấy chốc quân đội của chúng tôi đã thua tan tác. Vào đêm trước Giáng sinh, Quốc vương George tuyên bố đầu hàng, không lâu sau, ông bị truất ngôi vì đã phát động chiến tranh phi nghĩa, bị đày lưu vong cùng Vương hậu và các con.

Những người sống sót trên chiến trường được tàu hỏa lần lượt chở về, có người bị gãy chân, có người bị gãy tay, có người bị mù và có cả người phát điên.

...

“Annie, xuất sắc.”

“Hank, trượt.”

Hank và tôi tốt nghiệp cùng trường tiểu học, cậu ta là con trai của chủ tiệm sách, vóc dáng thấp bé nhưng lại rất khỏe, tính tình cứng đầu cứng cổ, lúc nào cũng cùng Lillian và Heine đến trường và ra về.

“Ba năm, em học tiếng Latinh đã ba năm mà đến bây giờ vẫn mắc lỗi với ngữ pháp đơn giản thế này, thầy có thể mong đợi được gì ở em hả?”



Thầy giáo quẳng phiếu điểm vào cậu ta, nói bằng giọng tức giận lẫn bất lực: “Đến bạn nữ còn hơn hẳn em, bố em còn nói muốn cho em vào học cấp ba, thầy thấy tốt nhất em nên dẹp sớm thì hơn.”

Hank trả treo: “Em cũng muốn dẹp lắm, vốn dĩ muốn theo các anh ra chiến trường, thầy tưởng em thích nghe thầy càm ràm lắm à? Dạng hèn nhát không dám ra chiến trường như thầy có tư cách gì trách móc em...”

Dưới lớp nổ tung, ồn ào xôn xao.

Hai mắt thầy đỏ lừ, mặt mày tái mét y hệt kẻ say, tưởng chừng như giây tiếp theo sẽ nhảy dựng lên đánh người, thầy đập mạnh xuống bàn: “Tất cả im lặng!”

Nhưng một lúc sau khi thầy đã nuốt xuống cơn giận, thì thay vào đó lại là vẻ buồn bã phức tạp hiện rõ trên gương mặt.

“Được, các em nói đúng, nói rất đúng! Thầy là thứ hèn nhát, đáng nhẽ ra dù bệnh thầy cũng phải ra chiến trường, tốt hơn là nhìn những đứa trẻ như các em biến thành nô lệ mất nước!”

Trong phòng im phăng phắc, ai nấy đều sửng sốt sợ hãi trước những giọt nước mắt của người đàn ông ấy.

Bình thường thầy rất nghiêm, như một người sắt đá không bao giờ chảy nước mắt, nhưng hôm nay thầy lại khóc ngay trong lớp, khóc như một đứa trẻ trước mặt học trò của mình.

“Các em có biết hôm nay đã xảy ra chuyện gì không?” Ông gạt nước mắt nói: “Thủ tướng Von Kahr đã ký Hiệp ước Cung điện Mùa đông, đất nước... đất nước của chúng ta tiêu rồi! Nhà cửa sắp mất tới nơi, còn nói gì đến học hành!”

Nét mặt thầy vô cùng đau đớn khi nói ra những lời ấy, như thể ngày tận thế đã ập xuống đầu chúng tôi.

Sau khi trở về nhà, tôi biết được nội dung của Hiệp ước Cung điện Mùa đông qua báo chí.

Liên minh ba nước Bernard, West và Sars đã ép Phổ - nước thất bại trong cuộc chiến phải ký một loạt các điều khoản bồi thường tại Cung điện Mùa đông ở Bernard, gọi chung là Hiệp ước Cung điện Mùa đông.

Phổ phải nhượng lại những vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm khu công nghiệp Rupiah, mất tất cả các thuộc địa ở nước ngoài, giải tán lực lượng không quân và hải quân, cấm phát triển quân đội và vũ khí, đồng thời trả 5 tỷ tiền bồi thường chiến tranh cho ba nước chiến thắng dưới dạng vàng.

Hiệp ước chỉ là một con số nằm trên trang giấy, ảnh hưởng đến đời sống thực tế là trong vòng chưa đầy một tháng, một phần ba trong số 5 triệu lao động của cả nước bị mất việc làm, hai phần ba còn lại cũng rơi vào cảnh cùng khổ lao đao.

Bởi vì tiền tệ của Phổ đã mất giá, có thể nói là trượt giá dài. Một ổ bánh mì đã tăng từ 100 tiền Phổ lên 1 triệu tiền Phổ*, có đẩy xe ba gác tới cũng không trả nổi, tiền đã thực sự biến thành giấy vụn. Có những người thuộc tầng lớp lao động vừa được trả tiền lương, vậy mà số tiền mới nhận còn chẳng mua nổi một vụn bánh mì.

(*Tiền Phổ ở đây ngầm hiểu là tiền giấy nói riêng, khác với đồng vàng đồng bạc.)

Những người giàu có tiền tiết kiệm cũng rơi thẳng vào cảnh nghèo đói; những người dành dụm cả đời để trang trải tuổi già cũng lâm vào cảnh tuyệt vọng, rất nhiều người vì thế đã tự tử.

Babalia là thành phố công nghiệp, gần như bị giáng một đòn nặng nề ngay lập tức, rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa.

Tính ra gia đình tôi vẫn ổn, có đất đai có nông trường, có thể tự cung tự cấp.



Đến lễ Giáng sinh, chúng tôi tới nhà ông nội nghỉ lễ, bà nội Barbara còn nướng một con gà tây.

“Cái hồi nhà John chuyển lên thành phố, ta đã khuyên bọn họ chớ có bán đất, nhưng ai chịu nghe ta không? Bọn họ kiếm được tiền ở nhà máy, thế là chạy tới khoe với ta, khoe nào mua nhà mua xe, giờ thì hay lắm, trong nhà đói không còn gì ăn, phải xuống nước năn nỉ ta.” Ông nội Punis uống hai cốc rượu, bùi ngùi nói: “Giữa thời thế rối ren bây giờ, vẫn là đất đai đáng tin nhất.”

Ông bà nội đều là nông dân chân chất, có một nông trường nhỏ với ruộng lúa mì rộng 7 mẫu, nuôi 2 con trâu 1 con ngựa, ngoài ra còn có một bầy gà vịt. Ông nội là người cứng đầu, tính khí nóng nảy, ở nhà nói một là một, ông và bà nội Barbara có 7 người con, nhưng chỉ có một mình bố còn sống, vì thế ông rất quý trẻ con, hồi còn bé, ông thường bế tôi ngồi lên cổ, còn dẫn tôi xuống sông bơi lội.

Ông từng phản đối bố mẹ kết hôn, nói Elena không phải đứa con gái tốt, vì chuyện đó mà hai bố con bất hòa, quan hệ xa cách. Về sau mẹ bỏ nhà ra đi, bố quay về giúp ông làm nông, nhưng quan hệ giữa hai người cũng không được cải thiện bao nhiêu.

Bà nội gắp thêm thịt ức gà vào đĩa tôi, đồng thời nháy mắt với ông nội.

“Khụ... Mấy đứa biết đấy... Có vài đàn ông trong làng đã chết trên chiến trường...” Ông nội ngắc ngứ, “Georgina, mấy đứa biết đúng không, quả là cô gái đáng thương, còn trẻ mà đã làm quả phụ, một mình nuôi hai đứa trẻ mới bốn năm tuổi.”

Bà nội bất đắc dĩ trợn mắt nhìn ông nội, cắt ngang: “Nhà cô ấy có 8 mẫu đất, 2 con trâu, Georgina mới 24 tuổi, khỏe mạnh tới mức tự tay vun vén một mảnh đất lớn, nói gì đến nấu cơm làm việc nhà, cô ấy đang muốn tìm người đàn ông khác, con thấy thế nào?”

Bố không đáp, chỉ cúi đầu ăn cơm.

“Cô ấy là cô gái tốt, rất đàng hoàng, cũng không chê con xuề xòa. Con nghĩ kỹ đi, William và Annie đã lớn, vài năm nữa cũng sẽ kết hôn, con không thể ở một mình cả đời được.” Bà nội nói.

“Con biết rồi, đợi hai năm nữa rồi tính.” Bố đáp.

“Hai năm nữa? Hai năm nữa mày có gặp được cô gái nào tốt như vậy không?” Ông nội nổi giận, “Tao đã khuyên mày đừng có cưới cái con đó rồi, mày khăng khăng không nghe, giờ xem nó biến mày ra gì hả! Hồi ấy khi kết hôn, anh trai nó còn đòi nhà ta một con trâu làm sính lễ, giờ nó chạy rồi, mà trâu của tao đâu!”

Bà nội thấp giọng khuyên: “Ông đừng nói nữa, đang lễ mà.”

“Sao không được nói hả! Tôi phải nói! Đây là nhà của tôi, ở đây tôi muốn nói gì thì nói!” Ông nội chỉ thẳng vào bố, “Ngày mai mày đi gặp Georgina cho tao, bằng không cút xéo khỏi nhà tao!”

Bố đặt dao nĩa xuống rồi đứng dậy.

“Mày định làm gì!” Ông nội nổi giận đứng lên theo.

“Con cút đây.” Bố cầm mũ rồi đi thẳng ra cửa.

“Giỏi lắm! Mày cút đi! Cút đừng bao giờ quay về nữa!” Ông nội mắng với theo, “Đồ cái thằng vô dụng! Mày mà vác mặt về thì tao sẽ đánh gãy nốt cái chân kia của mày!”

***

Reference: Câu chuyện về Nữ hoàng Samire phần nào liên hệ với câu chuyện của Salome trong Kinh thánh - người đã dùng điệu nhảy 7 lớp voan đầy quyến rũ để đổi lại một yêu cầu: cái đầu của thánh John. Hình ảnh Salome hôn đầu của thánh John được khắc họa trong rất nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, bản chất của Samire trong truyện và Salome là hoàn toàn khác nhau. (Salome/莎乐美 đảo 2 chữ cuối sẽ thành Samire/莎美乐.)

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nụ Hôn Của Samire

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook